SM-3 Block IIA sẽ được triển khai vào năm 2018
Theo nguồn tin của trang mạng thông tin khoa học kỹ thuật quốc phòng Trung Quốc, công ty Raytheon của Mỹ hiện đang triển khai một hợp đồng ký kết với Cục phòng thủ tên lửa Mỹ để mua sắm lượng nguyên liệu để chế tạo 17 quả tên lửa đánh chặn SM-3 (Standar Missile 3).
Được biết, ngoài hợp đồng mua sắm nguyên vật liệu trị giá khoảng 8,7 triệu USD này, sang năm 2016, Raytheon sẽ tiếp tục ký hợp đồng mua sắm lô vật liệu thứ 2, để hoàn tất kế hoạch triển khai các tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 Block IIA, đúng thời hạn vào năm 2018.
Được biết, tên lửa SM-3 Block IIA có chiều dài 21,6 feet (6,55m), là loại tên lửa đánh chặn nhiên liệu rắn 3 tầng, có bộ chiến đấu cỡ lớn và rất hiện đại.
Loại tên lửa đánh chặn này có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm gần, ở giai đoạn giữ đường bay.
Theo tiến sĩ Lawrence, giám đốc kỹ thuật của Raytheon, hiện nay, SM-3 IIA do công ty Raytheon chế tạo trong khuôn khổ chương trình hợp tác Mỹ - Nhật, với tổng chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Chúng sẽ được sử dụng trong các hệ thống tác chiến Aegis do công ty Lockheed Martin của Mỹ phát triển.
Mỹ và Nhật Bản, mỗi nước đóng góp 1 tỷ USD để thiết kế, thử nghiệm và sản xuất thế hệ tên lửa mới này, nhằm nâng cao khả năng bảo vệ quốc gia trước các nguy cơ bị tấn công tên lửa đạn đạo.
Mỹ sẽ trang bị chúng trên khoảng trên 100 chiến hạm, bao gồm các tuần dương hạm lớp Ticonderoga, khu trục hạm lớp Arleigh Burke và khu trục hạm lớp Zumwalt, còn Nhật Bản sẽ trang bị trên các tàu khu trục lớp Atago và các khu trục hạm thế hệ mới của mình.
Là một bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, SM-3 có khả năng phóng được từ các hệ thống Aegis trên đất liền vào các chiến hạm Aegis trên biển.
Với lần cải tiến này, khả năng đánh chặn và phạm vi phòng thủ của nó sẽ được nâng cao rất nhiều so với phiên bản trước.
Quân đội Mỹ đã xây dựng kế hoạch đến năm 2018 sẽ hoàn tất việc triển khai loại tên lửa cho các hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất và trên biển, hoàn thành giai đoạn 3 trong kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Âu.
Hồi tháng 6 năm nay, Hội nghiên cứu và phát triển công nghệ (TRDI), Bộ quốc phòng Nhật Bản và Cục phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA tại bãi thử Point Mugu, ngoài khơi bang California vào ngày 6-6-2015.
Vụ phóng thử này đã đánh dấu lần đầu tiên thành công trong thử nghiệm tính năng bay; các chức năng của đầu đạn; khả năng kiểm soát chức năng của các tầng; khả năng phân tách của thiết bị trợ đẩy, các tầng đẩy thứ 2 và 3 của tên lửa SM-3 Block IIA.
Các chuyên gia quân sự Mỹ và Nhật Bản cho rằng, sau khi được triển khai hàng loạt, SM-3 sẽ giúp nâng cao rất mạnh khả năng phòng thủ tên lửa, với các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo, cơ động trên mặt đất và mặt biển, khiến các hệ thống Aegis Mỹ trở thành độc nhất vô nhị, mạnh nhất trên thế giới.
SM-3 Block IIA : Tính năng siêu mạnh, không có loại thứ 2
Hiện nay hệ thống Aegis Mỹ đã phát triển khá nhiều phiên bản của dòng tên lửa Standar Missile 3 (SM) hay còn gọi là RIM-161. Giá thành của loại tên lửa này từ 10-24 triệu USD, tùy theo từng phiên bản.
Phiên bản Block IA/B có tầm phóng vào khoảng 700 km, độ cao đánh chặn 500km, tốc độ 3km/s (Mach 10.2); Block IIA tầm phóng 2500 km, độ cao đánh chặn 1500km, tốc độ hơn 4,5km/s (Mach 15.25)
Tên lửa SM-3 Block IIA là tên lửa đánh chặn với thiết kế 3 tầng chính và 1 tầng trợ đẩy, sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn. Tên lửa có trọng lượng 1,5 tấn, chiều dài 6,55m, sải cánh 1,53m.
Tên lửa được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại cải tiến với động cơ tăng tốc hành trình cỡ lớn cho phép bay với tốc độ tối đa 15.25 mach (khoảng 5,6km/giây) và tiến công mục tiêu ở cự li lên tới 2.500km.
Các tên lửa SM-3 được sử dụng trên tàu chiến trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực Aegis kiểu 5.1 và hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41. Mỗi chiến hạm Aegis của Mỹ được trang bị từ 4 hoặc 6 quả tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3.
Để đánh chặn tên lửa đạn đạo, các hệ thống Aegis được tích hợp radar mảng pha điện tử 3D AN/SPY-1D(V) hiện đại nhất thế giới hiện nay, có khả năng điều khiển tấn công 18 mục tiêu khác nhau cùng một thời điểm, với độ chính xác cao.
Trong tương lai, AN/SPY-1D(V) sẽ được thay thế bằng radar AMDR của hãng Raytheon, có tính năng cao hơn.
Hệ thống tác chiến Aegis trên tàu khu trục dựa vào các thông số cần thiết do radar cung cấp như tốc độ mục tiêu, quỹ đạo bay để tính toán giải pháp đánh chặn, sau đó hệ thống sẽ kích hoạt tên lửa đánh chặn SM-3 để tiêu diệt mục tiêu.
Quá trình đánh chặn của SM-3 chia làm 4 giai đoạn. 2 giai đoạn đầu, hệ thống động lực đẩy tên lửa bay vào tầng khí quyển, giai đoạn 3 nó điểm hỏa hai lần, đẩy tên lửa đánh chặn bay vượt lên trên tầng khí quyển trái đất.
Trước khi mỗi động cơ của tên lửa điểm hỏa, nó thu nhận và đọc dữ liệu định vị của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để hiệu chuẩn đường bay đến mục tiêu.
Giai đoạn 4 là nhiệm vụ của đầu đạn đánh chặn động năng ngoài tầng khí quyển hạng nhẹ (LEAP), có trọng lượng chỉ 23kg. Đầu tiên, nó sử dụng bộ cảm biến hồng ngoại để gây nhiễu mục tiêu, sau đó mới bắn hạ.
Cụ thể, tầng khởi động lúc bắt đầu phóng của tên lửa SM-3 Block IIA sử dụng động cơ khởi động nhiên liệu rắn MK-72. Sau khi rời hệ thống phóng thẳng đứng Mk41, SM-3 Block IIA chủ yếu được dẫn đường bằng hệ thống quán tính.
Khi cháy hết nhiên liệu, tên lửa sẽ tách tầng thứ nhất là MK-72 và kích hoạt động cơ tăng tốc hành trình hai chế độ MK-104. Giai đoạn này, tên lửa được dẫn hướng thông qua radar Aegis SPY-1 bố trí trên tàu mẹ.
Với sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu GPS, sau khi tách tầng đẩy MK-104, động cơ đẩy tăng cường MK-136 bắt đầu hoạt động. Hệ thống động cơ này hoạt động trong 30 giây sẽ kích hoạt và đưa tên lửa vượt ra ngoài tầng khí quyển.
Khi tầng đẩy MK-136 hết nhiên liệu, tên lửa sẽ tách lần cuối cùng và kết cấu tự dẫn sẽ đi vào hoạt động. Kết cấu tầng tự dẫn LEAP nặng 23kg được kích hoạt để kiểm soát và tấn công phá hủy mục tiêu.
SM-3 Block IIB: Vượt trội SM-3 Block IIA
Hiện nay, Cục phòng thủ tên lửa Mỹ và công ty Raytheon đã quyết định sử dụng hệ thống kiểm soát trạng thái bay và chuyển hướng tên lửa nhiên liệu rắn kiểu tiên tiến nhất của công ty Aerojet để nghiên cứu, chế tạo các tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIB (Standard Missile-3 Block IIB).
Với phạm vi và độ cao đánh chặn vượt trội SM-3 Block IIA, SM-3 Block IIB dùng để đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa trong giai đoạn đầu.
Theo dự kiến, tên lửa đánh chặn tên lửa SM-3 Block IIB sẽ được triển khai hàng loạt sau năm 2020.
Đến khoảng giai đoạn 2025, Mỹ sẽ thay thế hết dòng SM-2 và sử dụng toàn bộ các phiên bản tên lửa thuộc dòng SM-3 Block IIA và IIB.
Công ty Aerojet sẽ sử dụng những thành quả công nghệ của hệ thống kiểm soát trạng thái bay và chuyển hướng tên lửa nhiên liệu rắn (TDACS) của tên lửa SM-3 Block IB và những kết quả nghiên cứu bước đầu của hệ thống TDACS trên tên lửa SM-3 Block IIA để chế tạo tên lửa SM-3 Block IIB.
Khi Mỹ trang bị đầy đủ các tên lửa SM-3 Block IIA và SM-3 Block IIB, các hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động của nước này sẽ không có đối thủ trên thế giới, những cường quốc công nghệ tên lửa khác như Nga, Trung Quốc cũng chỉ biết ngước nhìn và “ngưỡng mộ”.