"Sát thủ bóng đêm" biến MiG-15 Triều Tiên thành cầu lửa

Nhật Huy |

Bổ nhào xuống với vận tốc tối đa, F3D bắt kịp MiG-15 và dùng radar để khóa mục tiêu. Đại úy Davis nhắm bắn thẳng vào ống xả phản lực của chiếc MiG và biến nó thành một quả cầu lửa.

"Khắc tinh" của MiG-15

Theo tạp chí Air & Space, chiếc Douglas F3D Skyknight có vẻ ngoài trông khá cục mịch, và thiết kế cũng không có gì nổi bật, đi cùng với đó là khả năng vận hành hạn chế. Tuy vậy, Hải quân Mỹ khi đó muốn một cỗ máy hữu dụng chứ không cần quá hiện đại.

Thiết kế trưởng Ed Heinemann chịu trách nhiệm hiện thực hóa yêu cầu này. Ông nổi danh với mẫu máy bay ném bom bổ nhào Douglas Dauntless trong Thế chiến II và chiến đấu cơ phản lực F4D Skyray.

Điều đáng ngạc nhiên là Skynight sau đó đã được sử dụng rộng rãi trong hơn 2 thập niên, lâu hơn nhiều đối thủ khác dù có ưu thế về tốc độ và khả năng cơ động.

Là mẫu chiến đấu cơ đầu tiên chuyên dùng để tác chiến vào ban đêm của Hải quân Mỹ, Douglas F3D có kích thước lớn để có đủ không gian chứa hệ thống radar phức tạp, cùng với 4 khẩu pháo 20 mm.

Máy bay được trang bị 3 radar riêng biệt: radar tìm mục tiêu, radar dẫn bắn và radar đặt ở đuôi máy bay nhằm phát hiện đối phương tiếp cận từ phía sau, một thiết kế rất mới mẻ vào thời điểm đó.

Những chiếc F3D bay qua Cầu Cổng Vàng.
Những chiếc F3D bay qua Cầu Cổng Vàng.

Các phi vụ diễn ra vào ban đêm. Phi công sau khi cất cánh sẽ định hướng hoàn toàn dựa trên các khí cụ bay, trong khi đó kỹ thuật viên (ngồi bên cạnh phi công) sẽ theo dõi các tín hiệu trên radar để phát hiện mục tiêu và thông báo cho phi công.

Khi đưa yêu cầu về tầm hoạt động của radar tìm mục tiêu, Hải quân Mỹ đã đặt ra một con số đầy lạc quan, lên đến 200 km.

Để đạt được yêu cầu này, nhà thầu Westinghouse đã dùng đĩa radar với đường kính đến 76 cm, gấp đôi con số thường được sử dụng trong những mẫu máy bay khác khi đó, và được đặt bên trong 1 vòm radar cỡ lớn ở mũi máy bay làm từ sợi thủy tinh.

Mặc dù không đạt được tầm hoạt động tối đa 200 km nhưng nó có thể phát hiện mục tiêu có kích cỡ tương đương chiến đấu cơ ở khoảng cách 30 km.

Khả năng này khiến nó rất hữu dụng ở Triều Tiên, đặc biệt là trong vai trò bảo vệ những máy bay ném bom trước MiG-15.

Khi B-29 được triển khai cho những phi vụ ném bom sâu trong lãnh thổ Triều Tiên, nhắm vào những mục tiêu chiến lược như nhà máy, cầu đường, đập nước…thì các xạ thủ súng máy trên những pháo đài bay này không đủ sức để đối đầu với MiG-15.

Kết quả là B-29 phải dừng mọi phi vụ ném bom ban ngày và chuyển sang tác chiến về đêm. Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ có tác dụng trong một thời gian, trước khi đối phương dùng những đài radar mặt đất để dẫn hướng cho MiG-15 đến đủ gần với những chiếc B-29.

Sau khi 3 chiếc B-29 bị bắn rơi chỉ trong 1 ngày 10/6/1952 bởi một đội MiG-15 chuyên săn đêm thì mọi phi vụ ném bom bị đình chỉ cho đến khi có một chiến đấu cơ hộ tống chuyên đánh đêm xuất hiện.

Đến mùa hè năm đó, phi đoàn chiến đấu cơ VMF(N)-513 của thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu được trang bị F3D.


Các thành viên phi đoàn VMF(N)-513.

Các thành viên phi đoàn VMF(N)-513.

Còn được biết đến với biệt danh “Cơn ác mộng biết bay”, đơn vị này có đồng thời 2 nhiệm vụ là hộ tống máy bay ném bom và săn tìm MiG-15 bên trên vùng lãnh thổ do lực lượng Liên Hiệp Quốc kiểm soát. Đến ngày 8/11, họ tiêu diệt được mục tiêu đầu tiên của mình.

Đại úy Oliver Davis và kỹ thuật viên radar Dramus Fessler đang tuần tra ở độ cao gần 6 km thì nhận được thông báo từ đài radar mặt đất về một máy bay địch đang ở ngay phía trước, khoảng cách 16 km và đang ở thấp hơn 2 km.

Bổ nhào xuống với vận tốc tối đa, chiếc F3D bắt kịp chiếc MiG-15 và dùng radar để khóa mục tiêu. Đại úy Davis nhắm bắn thẳng vào ống xả phản lực của chiếc MiG và biến nó thành một quả cầu lửa.

Phi đoàn này bắn rơi thêm 3 chiếc MiG-15 nữa trước khi cuộc chiến kết thúc.

Bên cạnh F-86 Sabre và F-94B Starfire, F3D Skynight nằm trong số ít những chiến đấu cơ phe đồng minh có thể đương đầu với MiG-15 trong Chiến tranh Triều Tiên.

F3D không phải là đối thủ của MiG-15 khi tác chiến vào ban ngày, hay thậm chí là vào những đêm trăng sáng. Tuy nhiên khi được màn đêm bảo vệ thì F3D có ưu thế nhờ vào “mắt thần” radar.

Ban đầu, F3D Skynight, thuộc thủy quân lục chiến, chia sẻ nhiệm vụ hộ tống các phi vụ đêm với chiến đấu cơ của Không quân Mỹ và xuất kích mỗi 2 đêm 1 lần. Tuy nhiên, sau đó chính các chỉ huy của không quân yêu cầu F3D thực hiện nhiệm vụ này hàng đêm.

Chiến đấu cơ 1 người lái F-86 Sabre tác chiến rất tốt vào ban ngày nhưng về đêm, thiết kế 2 người lái của F3D có ưu thế hơn.

F-94B Starfire cũng có 2 người lái, nhưng lại không có radar và hỏa lực của F3D. F-94B chỉ có 4 súng máy 12,7 mm so với 4 pháo 20 mm của F3D.

Lượn vòng phía trên đội hình những chiếc B-29, F3D giúp ngăn chặn những vụ tấn công của MiG-15 và giảm thiệt hại cho B-29.

Chúng hầu như chỉ được triển khai từ các căn cứ mặt đất. Mặc dù được chứng nhận đủ khả năng hoạt động trên tàu sân bay từ năm 1951, nó hiếm khi được sử dụng cho vai trò trên.

Mẫu máy bay 2 động cơ này nặng hơn một chiếc vận tải cơ DC-3 và khiến cơ cấu máy phóng của tàu sân bay phải hoạt động hết công suất.

Ngoài ra, radar của F3D được làm từ hơn 300 bóng đèn chân không và vì vậy không phù hợp với điều kiện vận hành khắc nghiệt từ tàu sân bay.

Bên cạnh đó, 2 động cơ phản lực của F3D được đặt thấp 2 bên thân máy bay và hơi chếch xuống dưới để tránh luồng phản lực thổi trực tiếp vào đuôi máy bay.

Tuy nhiên, khi ở vị trí chờ xuất phát trên tàu sân bay thì luồng phản lực này có thể làm cháy mặt đường băng, đặc biệt là khi mà vào thời điểm đó đường băng tàu sân bay vẫn được làm từ gỗ.

Chú cá voi nặng nề

Khi thiết kế trưởng Ed Heinemann nhận được danh sách các yêu cầu từ hải quân Mỹ, ông đã rất bối rối vì yêu cầu về tốc độ cao dường như trái ngược với yêu cầu về một buồng lái lớn cho 2 người.

Nhưng trên thực tế, yêu cầu lắp đặt radar đường kính lớn ở mũi máy bay cũng đồng nghĩa với việc thân máy bay có kích thước rộng, và do đó dễ dàng đặt 2 chỗ ngồi bên cạnh nhau mà không làm tăng sức cản.

Vòm radar lớn là lý do chính khiến F3D có thời gian phục vụ rất lâu, vì nó cho phép việc nâng cấp radar và các thiết bị điện tử rất dễ dàng.


F3D có biệt danh là cá voi.

F3D có biệt danh là "cá voi".

Mặt khác, khả năng cơ động là điểm yếu cố hữu của mẫu máy bay này. Nó được trang bị 2 động cơ J34 với sức đẩy chỉ 1.500 kg.

“Máy hút bụi ở nhà tôi còn mạnh hơn, một cựu phi công F3D cho biết. Vì lý do đó mà F3D còn có một biệt danh khác là “cá voi”.

Khác với những chiến đấu cơ phản lực khác, nhiên liệu của F3D là xăng với trị số octan cao để tận dụng được tối đa sức mạnh từ động cơ khiêm tốn này.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại