RPG-7: 50 năm vẫn là súng chống tăng lợi hại bậc nhất

Anh Tuấn |

Bên cạnh khẩu AK-47, không một loại vũ khí nào lại xuất hiện trên màn hình tivi trên khắp thế giới nhiều hơn súng chống tăng RPG-7.

Được biết đến với tên gọi chính thức là Reaktivnoi Protivotankovii Granatomet (Súng phóng lựu Chống tăng Vác vai).

Khẩu súng chỉ bao gồm một cái ống rỗng với phía sau có một chóp hình nón, còn phía trước là một đầu đạn hình kim cương lớn, nhưng cho đến giờ vẫn đóng vai trò quan trong trong chiến tranh hiện đại không kém AK-47.

Và cũng giống như AK, lý do rất đơn giản: súng rất dễ sử dụng, có độ tin cậy cao, và là một loại vũ khí hiệu quả có thể triệt hạ gần như tất cả các loại thiết giáp hiện đại.

Khẩu RPG-7 đã khẳng định mình là loại vũ khí chống tăng vác vai phổ biến nhất trên thế giới và sẽ còn làm mưa làm gió trên chiến trường trong vài thập kỷ tới.

Súng phóng lựu RPG-7 và đầu đạn nổ.

Khẩu RPG-7 được đưa vào sử dụng trong quân đội Liên Xô lần đầu vào năm 1962. Nó có thiết kế bắt nguồn từ Thế chiến II, giống như phần lớn các loại vũ khí của thời đó.

Quân Đức đã sử dụng những khẩu súng phóng lựu không giật Panzerfaust có đầu đạn lớn đơn giản, rẻ tiền và chỉ bắn một phát đạn.

Với cấu tạo chỉ gồm một nòng súng với một hệ thống đánh lửa, được gắn một đầu đạn hình chóp nón có tên là Đạn Chống tăng Sức công phá lớn (HEAT), Panzerfaust được ứng dụng rất thành công đối với các xe thiết giáp của quân Đồng minh khi họ tiến gần Đức hơn.

Thiết kế của nó đơn giản đến mức "cho phép trẻ em không được đào tạo quân sự và những người già có thể tiêu diệt xe tăng" và gây ra nỗi lo lớn khi xe tăng được đưa vào những khu vực chật hẹp như rừng cây hoặc thành phố.

Thực tế, quân đội Mỹ ghét việc quân Đức sử dụng súng phóng lựu để diệt xe tăng rồi sau đó ném đi để xin hàng đến mức các sĩ quan ra lệnh bất cứ kể nào làm vậy phải tiêu diệt ngay, cho dù kẻ đó đã giơ tay hay phất cờ trắng.

Ban đầu, Panzerfaust có tầm bắn cực kỳ ngắn (chỉ 30m), nhưng được cải tiến dần dần bằng những bộ đánh lửa mạnh hơn để nâng tầm bắn lên 60, 100, 150 hay thậm chí là 250m.

Sau khi Liên Xô đã chứng kiến những phiên bản đầu tiên của Panzerfaust, ngay lập tức họ đã bắt tay làm việc trong thời chiến nhằm tạo ra mẫu súng của riêng mình, với đặc điểm chính là súng có thể nạp đạn được.

Mẫu súng đầu tiên được chế tạo vào năm 1944 có tên gọi LPG-44. LPG-44 có cỡ nòng 30mm và nặng gần 2kg khi chưa có đạn, và có thể bắn đạn chống tăng PG-70 đường kính 70mm.

Khẩu súng này sau đó có tên khác là RPG-1, và có tầm bắn tối đa là 75m. Tuy nhiên, khả năng xuyên phá lớp thiết giáp dày 150mm lại kém hơn Panzerfaust, và dần dần nó đã bị ngừng sản xuất vào năm 1948.

Súng phóng lựu Panzerfaust trong Thế chiến II, một trong những vũ khí khiến các xe thiết giáp phải run sợ.

Phiên bản tiếp sau đó là súng RPG-2. Bên ngoài, kích cỡ của nó tương tự như RPG-1 ngoại trừ những sự tinh chỉnh nhất định. Đáng chú ý nhất là một nòng có đường kính 40mm và nặng 3kg khi chưa có đạn, và một đầu đạn 80mm PG-2.

Tầm bắn của nó được nâng lên gấp đôi thành 150m, và đạn có quỹ đạo bay thẳng hơn giúp độ chính xác cao hơn. Nó có thể xuyên qua được lớp giáp dày 200mm.

Khẩu súng sau đó được phân phối rộng rãi kể từ năm 1954, và đây cũng là một trong những vũ khí chính của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Việt Nam chống Mỹ.

Ngoài ra, một số phiên bản do Trung Quốc chế tạo có tên là B40 cũng được sử dụng. Trên chiến trường, cái tên này cũng được sử dụng cũng thường xuyên không kém RPG khi miêu tả các loại vũ khí được sử dụng bởi quân Việt Nam.

Tuy vậy, một phiên bản mới và chết người hơn sau đó đã xuất hiện và nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn cho các loại súng chống tăng.

Không dừng lại ở RPG-2, Liên Xô đã bắt đầu chế tạo mẫu thay thế từ năm 1958. Kết quả là khẩu súng RPG-4 ít được biết đến, có nòng 45mm và đầu đạn 83mm.

Khẩu súng phóng lựu này nặng 4,7kg và nâng tầm bắn tối đa lên đến 300m. Nó có thể xuyên qua lớp giáp dày 220mm, và là khẩu súng đầu tiên được trang bị kính ngắm.

Nó có những tiềm năng nhất định, nhưng RPG-4 biến mất ngay khi khẩu súng huyền thoại xuất hiện: RPG-7.

Thiết kế mới này, ngay từ giai đoạn phát triển song song với RPG-4, cho thấy khả năng vượt trội hơn với tầm bắn nâng lên 300m đối với mục tiêu nhỏ và đến 500m đối với mục tiêu lớn.

Súng cũng được lắp một kính ngắm trên một ống 40mm và bắn đầu đạn nổ chống tăng PG-7 85mm, có khả năng xuyên qua lớp giáp dày 260mm.

Loại đạn RPG-7 chuẩn được sử dụng nhiều nhất, và những phiên bản cải tiến sau đó có cùng cấu tạo có từ Panzerfaust. Khi đạn được bắn ra, cánh cân bằng mở ra và khiến đạn bay xoáy khi phóng đi với tốc độ khoảng 294m/s.

Khi đạn chạm vào một bề mặt cứng, bộ áp điện ở mũi đạn bị vỡ và tạo ra một tín hiệu điện dẫn đến một bộ đánh điện ở phía sau thuốc nổ bên trong khối hình nón.

Khi phát nổ, nó tạo nên một lực khiến đầu đạn nổ bung ra, phun một luồng lửa cỡ đầu ngón tay hàng ngàn độ. Nếu bắn vào một xe thiết giáp, nó sẽ tạo một lỗ nhỏ tương tự xuyên qua lớp kim loại cho đến khi xuyên được vào bên trong.

Một khi đã xuyên thủng, ngọn lửa sẽ phun ra với tốc độ hàng ngàn km/h cho đến khi hết năng lượng. Bất cứ những gì từ kim loại cho đến da thịt bị thiêu cháy hoàn toàn, chỉ để lại một khu vực bị cháy đen. Đây là nguyên lý hoạt động của một đầu đạn và tất cả chỉ diễn ra trong khoảnh khắc.

Các nhà thiết kế phải tìm cách giải quyết nhược điểm này và chỉ có thể dùng giải pháp tạo ra xe tăng với lớp giáp dày đến mức xe không chạy được, ít nhất là cho đến khí chất liệu gốm được đưa vào lớp giáp xe tăng vào những năm 1970.

Việc chất liệu gốm được sử dụng là một phát kiến lớn thời đó. Khẩu RPG còn có thể tiêu diệt những mục tiêu khác một cách hiệu quả, cho đến giờ vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ như trực thăng.

Quân đội phương Tây, cụ thể là Mỹ, đã hiểu quá rõ về khả năng của RPG-7, phần lớn là bởi vụ việc một vài RPG được sử dụng để bắn hạ các trực thăng UH-60 Black Hawk của quân đội Mỹ khi đang bay qua Mogadishu, Somalia vào năm 1993.

Một binh lính Afghanistan bắn RPG vào một mục tiêu không xác định.

Đây là sự việc lực lượng quân đội Mỹ vốn đang tiến hành một chiến dịch được lên kế hoạch trước bị kẹt lại và vướng vào cuộc chiến đấu khốc liệt nhất kể từ sau Chiến tranh Việt Nam.

Sau đó những chuyện xảy ra đã được chuyển thành sách, và tiếp đó là một bộ phim, có tên là “Black Hawk Down” (Diều hâu Gãy cánh).

Gần đây, khẩu RPG-7 được sử dụng chống lại Mỹ và liên quân trên đường phố Iraq và Afghanistan với những kết quả đạt được khác nhau.

Phần lớn các loại xe tăng phương Tây hiện đại đã có thể chịu được nhiều phát bắn RPG và tiếp tục chiến đấu, trong khi các xe thiết giáp hạng nhẹ thường sử dụng lồng lưới sắt bao quanh thân xe nhằm sớm kích nổ đầu đạn, khiến cho đạn kém hiệu quả hơn khi xuyên phá.

Tuy vậy, nó vẫn gây ra tổn thất đối với trực thăng. Cụ thể là vào năm 2011, một máy bay trực thăng Chinook có tên Extortion 17, chở 38 binh lính và một chó huấn luyện đã bị bắn hạ bởi một loại vũ khí có thể là RPG.

Đây là tổn thất về người lớn nhất đối với Mỹ trong một sự vụ trong suốt cuộc chiến tranh chống khủng bố của Mỹ.

Sau này, đã có những nỗ lực để cải tiến RPG-7 bằng cách đưa ra những thiết kế mới và có đầu đạn lớn hơn nhiều. Những loại súng này đã được sản xuất với số lượng nhỏ nhưng chưa bao giờ có thể thay thé khẩu RPG chuẩn.

Đầu đạn súng cho đến nay vẫn được phát triển, bao gồm đạn nổ có mảnh vụn, đạn nhiệt áp và cả những thiết kể nhằm chống lại những mẫu thiết giáp tiên tiến.

Tuy nhiên, khẩu súng phóng lựu cho đến nay vẫn giống như lần đầu tiên sử dụng vào năm 1962, cho thấy đây là mẫu súng có giá trị lớn, giống như khẩu AK.

Và với giá thành chỉ có 300 USD/khẩu, RPG-7 vẫn là khẩu súng được ưa chuộng đối với binh lính hay quân du kích muốn gây ra nhiều sức công phá chỉ với một giá tiền phải chăng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại