Quốc gia châu Á cứu Mỹ bàn thua trước tên lửa diệt hạm TQ

Hải Vy |

Theo nhà phân tích Ben Rimland, Mỹ đang có nguy cơ mất đi lợi thế cố hữu ở châu Á – Thái Bình Dương. “Cứu tinh” của Washington lúc này có thể chính là Nhật Bản.

Lợi thế bị đe dọa

Để thay thế dòng tên lửa cũ RGM-84 Harpoon, Hải quân Mỹ đã bắt tay tìm kiếm một loại tên lửa chống hạm (ASM) tiên tiến mới, với cả 2 phiên bản phóng từ trên không và trên hạm.

Không ngạc nhiên khi họ nghĩ tới phương án cải tiến 2 loại tên lửa cũ là Tomahawk và Harpoon để thay mới hệ thống vũ khí từ những năm 1980.

Hải quân Mỹ bỏ bê công tác đóng mới tàu chiến trang bị tên lửa Harpoon từ năm 1999.

Trong lúc đó, Trung Quốc, Nga và các đối thủ khác của Mỹ đã bắt đầu triển khai các tên lửa chống hạm tầm xa và siêu thanh như SSN-27A Sizzler, YJ-18, cùng nhiều hệ thống vũ khí tương tự.

Lợi thế lâu đời về số lượng và công nghệ của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương đang bị suy giảm nghiêm trọng.


Mô phỏng tên lửa LRASM do Lockheed Martin phát triển.

Mô phỏng tên lửa LRASM do Lockheed Martin phát triển.

Đã có nhiều thông tin về việc tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) phát triển tên lửa chống hạm tầm xa mới (LRASM) và có thể sẽ có một cuộc cạnh tranh giữa mẫu tên lửa này với phiên bản Tomahawk được cải tiến để tấn công mục tiêu trên biển.

"Cứu tinh" của Mỹ

Trong bài viết trên tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), nhà phân tích Ben Rimland cho rằng Hải quân Mỹ có thể và nên khuyến khích phát triển những vũ khí này.

Chúng giúp Mỹ duy trì những năng lực tinh vi với hệ thống dẫn đường quán tính độc lập cao, liên kết dữ liệu và trong trường hợp của LRASM thì đây là một thiết kế tàng hình cần thiết cho các hoạt động trong môi trường chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD).

Tầm bắn xa của chúng sẽ giúp tăng cường khả năng chống hạm của Hải quân Mỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ còn có một lựa chọn khác là tên lửa tấn công hải quân do Na Uy phát triển.

Song ngoài lợi thế về khả năng sống sót và tầm bắn thì những tên lửa này lại thiếu tốc độ. So với các loại tên lửa của Nga và Trung Quốc, LRASM và Tomahawk chỉ có tốc độ cận âm.

Vì vậy, ông Rimland cho rằng, cùng với kế hoạch trang bị tên lửa LRASM hoặc Tomahawk cải tiến, Hải quân Mỹ nên hợp tác với Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) – nhà phát triển tên lửa XASM-3.


Tiêm kích đa năng F-2 của Nhật Bản với các nguyên mẫu thử nghiệm XASM-3.

Tiêm kích đa năng F-2 của Nhật Bản với các nguyên mẫu thử nghiệm XASM-3.

Giống như LRASM, XASM-3 là tên lửa tàng hình nhưng động cơ ramjet cho phép nó đạt tốc độ lên tới trên Mach 3. Sự kết hợp giữa 2 yếu tố “tàng hình” và “tốc độ” có thể trở thành yếu tố quyết định nếu xung đột xảy ra trong môi trường A2/AD.

XASM-3 có thể vượt qua các cảm biến và hàng phòng thủ của đối phương.

Triển khai cùng với các máy bay tàng hình như F-35 hoặc B-2 sẽ giúp bù đắp tầm bắn tương đối ngắn của XASM-3 (khoảng 90 hải lý). Song, nếu hợp tác phát triển động cơ đẩy của tên lửa, Mỹ và Nhật có thể vượt qua rào cản này và còn cho phép triển khai trên tàu chiến.

Ngay cả khi XASM-3 đang trong giai đoạn phát triển hiện tại thì việc triển khai kết hợp mẫu tên lửa này (phóng từ máy bay) và tên lửa phóng từ tàu chiến LRASM cũng sẽ mang lại cho Mỹ khả năng chống hạm tàng hình vô cùng đáng gờm.

Trên thực tế, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã hợp tác trong nhiều năm, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển tên lửa.

Hệ thống tên lửa Patriot (PAC-3) và Standard đều do các công ty Mỹ - Nhật hợp tác phát triển. Ngoài ra, cả 2 phía đã hợp tác trong nhiều dự án quốc phòng khác như chương trình máy bay chiến đấu F-2 và F-15J.

Đáng chú ý là, mặc dù Nhật Bản duy trì đạo luật cấm xuất khẩu vũ khí trong nhiều năm nhưng gần đây đã sửa đổi để có thể hợp tác phát triển công nghệ tên lửa với Mỹ.

Dù chính quyền Tổng thống Abe nới lỏng đáng kể lệnh cấm xuất khẩu vũ khí nhưng Nhật Bản mới giành được 1 hợp đồng duy nhất kể từ sau đó: Cung cấp thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ.


Đạn tên lửa XASM-3 treo trên cánh một chiếc F-2.

Đạn tên lửa XASM-3 treo trên cánh một chiếc F-2.

Cam kết từ Hải quân Mỹ và các đối tác công nghiệp như Raytheon hoặc Lockheed về khả năng hợp tác phát triển và trang bị tên lửa XASM-3 sẽ mang lại khích lệ to lớn đối với ngành công nghiệp vũ khí của Nhật và thúc đẩy nới lỏng hơn nữa lệnh cấm xuất khẩu.

Ngoài ra, đây sẽ là cơ hội để chính phủ Nhật tạo nhiều công ăn việc làm và phát triển hơn nữa các liên doanh hợp tác phát triển tên lửa trước đó.

Sự hợp tác phát triển và trang bị tên lửa XASM-3 không chỉ mang lại ý nghĩa về cả mặt chiến thuật và chiến lược mà còn mang lại lợi ích công nghệ cho Hải quân Mỹ.

Thỏa thuận giữa 2 chính phủ sẽ cho phép các công ty công nghiệp quốc phòng Mỹ tiếp cận công nghệ đẩy của một trong những loại tên lửa chống hạm nhanh nhất thế giới và có thể hợp tác sản xuất phiên bản tấn công mặt đất của XASM-3.

Hơn nữa, nó sẽ cho phép Hải quân Mỹ phát triển các biện pháp đối phó tiên tiến và chiến thuật phù hợp để đánh bại các tên lửa chống hạm siêu thanh do Trung Quốc và Nga triển khai.

Do các tàu chiến mới nhất của Mỹ, như USS Zumwalt, không có khả năng triển khai tên lửa chống hạm, lợi thế cố hữu của lực lượng hải quân viễn dương Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương đang gặp nguy hiểm.

Tàu ngầm và máy bay không thể bù đắp hết sự thiếu hụt công nghệ tên lửa diệt hạm tiên tiến, nhất là khi Hải quân Mỹ đang phải đối mặt với những đối thủ có khả năng hạ gúc tàu chiến của họ bằng tên lửa tốc độ cao.

Mặc dù Hải quân Mỹ có thể lựa chọn LRASM hoặc Tomahawk nhưng tên lửa XASM-3 vẫn có những ưu thế độc đáo về công nghệ, chiến thuật và chiến lược để trở thành một lựa chọn cần thiết đối với Hải quân Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại