Quân đội Philippines cuống cuồng lo... "làm chuồng" đối phó TQ?

Bình Nguyên |

Quân đội Philippines khiêm tốn cả về người lẫn trang bị, dường như không đủ lực để bảo vệ chủ quyền, với những diễn biến mới trên Biển Đông, họ đang cuống cuồng lo... "làm chuồng".

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thừa nhận yếu kém

Cách đây vài năm, trả lời phỏng vấn của hãng tin AP, chính Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin thừa nhận "Trước khi hiện đại hóa và nâng cao sức mạnh quân đội, vẫn biết chúng tôi chẳng thể làm gì, nhưng phản kháng và tự vệ là việc chẳng đặng đừng".

Khi đó, các lực lượng chức năng của Philippines đã phát hiện một chiếc tàu ngầm của "nước lạ" xuất hiện ở biển Sulu, ngoài khơi đảo Jolo. Khi quân đội đến được khi vực đó thì chiếc tàu ngầm đã rời đi, ông Gazmin nói.

"Đó là một sự xâm phạm" - ông nói với phóng viên hãng tin AP - "Nhưng một lần nữa, chúng tôi có thể làm gì?".

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, Quân đội Philippines, một trong những lực lượng yếu kém nhất châu Á, quá yếu, đến nỗi chẳng thế ngăn được những phi vụ xâm phạm của các lực lượng Trung Quốc trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền.

Hàng chục năm qua, hải quân và không quân nước này hầu như không được đầu tư mua sắm bất kỳ loại vũ khí, trạng gì cho "ra tấm, ra món".

Ông Gazmin thừa nhận, sẽ tốn rất nhiều tiền để hiện đại hóa quân đội gồm khoảng 220.000 binh sĩ nhằm bảo vệ chủ quyền của một quốc gia vốn nhiều đảo và tuyến đảo tạo thành đường bờ biển thuộc loại dài nhất nhì thế giới.

Hầu hết các tàu của hải quân Philipines đều cũ nát, đáng ra phải bán sắt vụn từ lâu nhưng vẫn còn bị "bắt phải hoạt động", chỉ có vài chiếc "còn chạy được tàm tạm" thì cũng ở dưới chuẩn của hải quân hiện đại.

Ông Gazmin thừa nhận trong một diễn văn nhân ngày thành lập Hải quân nước này: "Đó là sự thực đáng xấu hổ, nhưng thẳng thắn mà nói thực tế nó thế".

Không quân thì không có một chiếc máy bay chiến đấu đúng nghĩa nào, ngoại trừ trực thăng có một số ít máy bay mới, còn lại hầu hết đều là máy bay vận tải, trinh sát, trực thăng đã cũ, không đủ điều kiện hoạt động an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Một quân đội quá yếu kém, không đủ sức tự bảo vệ mình, nhất là các tàu cũ nát, ra biển có thể trục trặc và chìm bất cứ khi nào, chứ chưa nói đến thực thi nhiệm vụ. Thế nên, các tàu Trung Quốc ngang nhiên lộng hành trên vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Trong 5 năm qua, Philippines mua sắm khá ít, đáng kể nhất là hợp đồng mua 12 máy bay máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 từ Hàn Quốc (giao 2015-2017); 8 trực thăng vũ trang AW-109E (mới nhận được 2 chiếc); 8 trực thăng Sokol W-3A của Ba Lan (đã rơi 1 chiếc).

Ngoài ra, Philippines cũng đã mua lại 2 tàu tuần tra cũ của lực lượng tuần duyên Mỹ. Ít nhất, phải sau 2018 thì nước này mới bắt đầu mua máy bay chiến đấu đa năng và tàu chiến hiện đại.

Hậu quả nhãn tiền đã rõ, hiện nay, Quân đội Philippines cuống cuồng tìm cách hiện đại hóa lực lượng, việc mà đáng ra họ phải làm từ hàng chục năm trước. Tất nhiên, lực có hạn thì mua sắm dần dần, kiến tha lâu sẽ đầy tổ, đằng này... phải lo "làm chuồng" gần như từ số 0.

Tàu pháo BRP Rajah Humabon (PF-11) của Hải quân Philippines được đóng từ năm 1943, đến nay vẫn chưa được cho "về hưu".

Hiện đại hóa thế nào đang là bài toán khó!

Đầu tháng 7 vừa qua, hãng tin Reuters đã dẫn lời Thiếu tướng Raul de Rosario phụ trách Kế hoạch Quân đội Philippines tiết lộ rằng nước này sẽ chi một khoản ngân sách khá lớn để hiện đại hóa lực lượng vũ trang trong vòng 15 năm tới.

Theo đó, trong giai đoạn từ 2015 đến 2028, sẽ có 998 tỷ peso (tương đương 22,11 tỷ USD) được chi để mua sắm vũ khí trang bị. Phân kỳ đầu tư chia theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ nay đến năm 2017; giai đoạn 2 từ 2018-2023 và giai đoạn 3 từ 2024-2028.

Ngân sách cho giai đoạn 1 là 83 tỉ peso, giai đoạn 2 là 444 tỉ pesos và 471 tỉ pesos cho giai đoạn 3. Trọng tâm mua sắm của Quân đội nước này tập trung vào nhiều cho Hải quân, Không quân. Cụ thể:

Manila đặc biệt quan tâm đến máy bay trinh sát P-3C Orion, ông Galvez nói "Vâng, chúng tôi muốn có một vài chiếc P-3. Tất nhiên, chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ về tiềm lực tài chính và mong muốn mua được các máy bay này với giá hợp lý".

Bên cạnh đó, nước này sẽ mua tàu ngầm diesel - điện, các hệ thống tên lửa hiện đại cùng các hệ thống radar cảnh báo sớm. Theo kế hoạch, các đài radar sẽ được triển khai tại Ilocos Norte, đảo Lubang và đỉnh núi Salacot ở Palawan.

Thiếu tướng Del Rosario tuyên bố “Chúng tôi không nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, mục đích của Philippines là khiến bất cứ ai muốn gây hấn đều phải suy tính thật kỹ lưỡng, nếu chiến sự xảy ra, chúng tôi đảm bảo đối phương sẽ chuốc lấy hậu quả nặng nề".

Không quân Philippines mua 8 trực thăng Sokol mua từ Ba Lan thì 1 đã có chiếc bị rơi do tai nạn, nay chỉ còn 7 chiếc.

Mặc dù vậy, có thể thấy rõ chương trình hiện đại hóa của Quân đội Philippines diễn ra có nhắm đến một "nước lạ" nào đó.

Bởi lẽ, trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, dựa trên "đường 9 đoạn" phi lý cũng như xây dựng trái phép đảo nhân tạo khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại và Philippines đang ngồi trên đống lửa.

Manila đã đệ đơn kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc từ tháng 1/2013, nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là vô giá trị và trái với luật pháp quốc tế nhưng Trung Quốc nhiều lần từ chối tham gia vụ kiện.

Chưa biết vụ kiện này sẽ đi đến đâu, có thể "được vạ thì má sưng", nên việc Philippines đầu tư mạnh nhằm hiện đại hóa quân đội, đủ sức bảo vệ chủ quyền như tướng Del Rosario đã nói "Khi hoàn thành kế hoạch này, chúng tôi sẽ nắm rõ tình hình" là hoàn toàn dễ hiểu.

Một câu hỏi nên được đặt ra là: giá như từ trước đó rất lâu, Philippines đã chú trọng hơn trong việc xây dựng tiềm lực quốc phòng thì liệu họ có đỡ bị Trung Quốc hung hăng và dọa nạt hay không? Phải chăng họ rơi vào thế "mất bò mới lo làm chuồng"?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại