Mỹ điểm danh vũ khí lợi hại của Nga trong biên chế Ấn Độ

Vy Lam |

Đối mặt với mối đe dọa từ 2 phía - Trung Quốc và Pakistan, Ấn Độ đã trang bị cho quân đội nhiều loại vũ khí mạnh mẽ.

Tạp chí National Interest (Mỹ) đăng bài viết nhận định, Ấn Độ đang trấn giữ một trong những vị trí chiến lược quan trọng nhất trên thế giới.

Cách vịnh Ba Tư, Trung Á và Đông Nam Á không xa, Ấn Độ đã trở thành trung tâm thương mại, tôn giáo quan trọng trong hàng nghìn năm qua.

Song, vị trí địa lý đó cũng mang lại nhiều bất lợi. Ấn Độ phải đối mặt với đối đe dọa từ 2 phía, đó là Trung Quốc và Pakistan - 2 quốc gia lớn mạnh, có trong tay vũ khí hạt nhân.

Đối thủ đáng gờm nhất của Ấn Độ là Trung Quốc, 2 nước đã từng xảy ra chiến tranh biên giới năm 1962.

Quân đội ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc đã chuyển biến từ một mối đe dọa trên bộ đơn thuần thành một mối đe dọa nhiều mặt, với những lực lượng lớn mạnh trên không, trên biển và thậm chí trong không gian.

Đối thủ mạnh thứ 2 của Ấn Độ là Pakistan. Hai bên đã xảy ra 4 cuộc giao tranh kể từ năm 1947 và luôn mấp mé bên bờ vực của cuộc chiến thứ 5.

Vấn đề càng trở nên phức tạp với Ấn Độ khi Pakistan và Trung Quốc lại trở thành đồng minh của nhau.

Trong khi đó, những tiến bộ trong công nghệ quân sự đồng nghĩa với việc nguồn dự trữ quân số khổng lồ của Ấn Độ không còn mang lại lợi thế như trước đây.

New Delhi cần chú trọng vào công nghệ quân sự hơn nếu muốn đủ sức đối đầu và ngăn chặn các lực lượng Trung Quốc - Paksitan.

Dưới đây là 5 loại vũ khí mà tạp chí National Interest đánh giá là uy lực nhất của Ấn Độ hiện nay:

1. Trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow Block III

Quyết định lựa chọn AH-64D Apache (Mỹ) làm mẫu trực thăng tấn công tương lai là một minh chứng cho thấy Ấn Độ đang ưu tiên công nghệ hơn quân số.

Sự linh hoạt, đa năng của Apache cho phép nó thực hiện nhiều nhiệm vụ, từ tấn công xe tăng của đối phương trong chiến tranh truyền thống cho tới săn lùng các tay súng trong chiến dịch chống nổi dậy.

Khi được vũ trang hạng nặng, trực thăng Apache, với lợi thế tốc độ cao, có thể ngăn chặn một loạt những mối đe dọa trên bộ nhằm vào Ấn Độ.

Nó có thể phát hiện xe bọc thép của đối phương nhờ radar bước sóng milimet và tiêu diệt chúng bằng các tên lửa Hellfire, rocket Hydra-70 và pháo 30mm.

Không giống những trực thăng tấn công khác, Apache đã có thành tích tác chiến được ghi nhận, nó từng phá hủy các phương tiện bọc thép ở Iraq và tiêu diệt nhiều phiến quân Taliban ẩn náu tại các sườn đồi ở Afghanistan.

2. Tàu sân bay INS Vikramaditya

Được đưa vào biên chế tháng 11/2013, INS Vikramaditya (Nga) là tàu sân bay mới nhất của Ấn Độ và là tàu sân bay duy nhất có “nhà” là vùng Ấn Độ Dương rộng lớn.

Trong trường hợp có chiến tranh, Vikramaditya sẽ được điều động để phong tỏa Karachi, cảng lớn nhất của Pakistan hoặc cắt đứt đường huyết mạch của Trung Quốc tới vịnh Ba Tư và xa hơn nữa.

Vikramaditya dài 282m, có lượng giãn nước 44.000 tấn, nhỏ hơn khoảng 20% so với tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc.

Tuy nhiên, khác với Liêu Ninh, Vikramaditya là tàu sân bay có khả năng hoạt động đầy đủ, với không đoàn tiêm kích hạm có khả năng chiếm ưu thế trên không và con tàu có thể tác chiến chống ngầm, chống tàu mặt nước.

Lực lượng tiêm kích hạm trên tàu gồm 24 chiếc MiG-29K hoặc các máy bay chiến đấu đa năng Tejas và 10 trực thăng tác chiến chống ngầm. Hiện tại, Ấn Độ đã đặt hàng 45 chiếc MiG-29K từ Nga.

Vikramaditya sẽ đóng vai trò trung tâm trong nhóm tác chiến tàu sân bay của Ấn Độ, nó sẽ được bảo vệ bởi các tàu khu trục phòng không Kolkata.

Ấn Độ đang có kế hoạch đóng thêm 2 tàu sân bay nội địa, nâng tổng số tàu san bay của Ấn Độ lên 3 chiếc.

3. Tên lửa chống hạm BrahMos

Là dự án hợp tác giữa Nga - Ấn, tên lửa hành trình siêu thanh tầm ngắn BrahMos có thể được phóng từ nhiều phương tiện mang khác nhau.

BrahMos là một trong những loại tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới, có khả năng tấn công các mục tiêu trên đất và trên biển với độ chính xác cao.

Sự linh hoạt, cơ động của BrahMos cho phép nó dễ dàng tấn công các tàu chiến của đối phương cũng như các trại huấn luyện của khủng bố.

Tên lửa BrahMos có thể hành trình với vận tốc lên đến Mach 3 hay 1.020m/s. Với phiên bản chống tàu của BrahMos, đối phương chỉ có 35 giây để phản ứng.

Tùy vào từng biến thể tên lửa và phương thức phóng, BrahMos có thể mang theo đầu đạn 200-300kg và có tầm bắn từ 300 – 500km.

Sự kết hợp hoàn hảo giữa tốc độ và sức công phá khiến BrahMos trở thành mối lo ngại đặc biệt đối với Hải quân Pakistan, khi các tàu chiến mặt nước của nước này đang thiếu hụt năng lực phòng không.

Ngay cả Hải quân Trung Quốc cũng phải dè chừng BrahMos bởi với tốc độ Mach 3, BrahMos trở thành mối đe dọa lớn với Bắc Kinh khi được phóng đi từ máy bay, các tổ hợp phòng thủ bờ biển, tàu khu trục và tàu ngầm.

4. Máy bay chiến đấu Su-30MKI

Một trong những chiến đấu cơ mới nhất của Ấn Độ là phiên bản nâng cấp từ thiết kế của Nga những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX.

Được cải tiến từ Su-27 Flanker, Su-30MKI đã trải qua quá trình hiện đại hóa sâu rộng và kết quả là cho ra đời một mẫu máy bay chiến đấu 2 động cơ, tầm xa, với radar cực mạnh và 12 mấu cứng có thể mang theo nhiều loại vũ khí.

Vũ khí không đối không của Su-30MKI bao gồm tên lửa dẫn đường hồng ngoại R-73, cùng tên lửa dẫn đường bằng radar R-77 và R-27.

Được quan tâm đặc biệt hiện nay là loại tên lửa sắp ra mắt Novator K-100, còn gọi là “sát thủ máy bay cảnh báo sớm (AWACS)”, có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300-400 km.

Đối với các mục tiêu trên mặt đất, Su-30MKI có thể triển khai các loại bom dẫn đường bằng laser, tên lửa tấn công mặt đất Kh-59 và tên lửa hành trình BrahMos.

Không quân Ấn Độ hiện có 200 máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-30MKI và đang đặt hàng thêm 72 chiếc nữa.

Một phần lực lượng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã được Israel giúp cải tiến để có thể đảm nhận các nhiệm vụ do thám chiến lược.

5. Tàu ngầm tấn công hạt nhân INS Chakra

INS Chakra, tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ, được New Delhi thuê từ Nga trong thời hạn 10 năm.

Được thiết kế dựa trên tàu ngầm Akula II của Liên Xô, INS Chakra có lượng giãn nước 8.000 tấn, lớn gấp 2 lần tàu ngầm Type 209 và tàu ngầm Kilo mà Ấn Độ mua của Đức và Nga.

Con tàu có thể di chuyển với tốc độ 30 hải lý/giờ khi lặn và có thể lặn sâu tới 520m.

Trên tàu có 8 ống phóng, có thể phóng các loại ngư lôi thông thường, tên lửa hành trình Kh-55 “Granat”, ngư lôi Shkval.

Do là tàu ngầm hạt nhân, INS Chakra có thể hoạt động dưới mặt nước trong thời gian dài, khiến nó khó bị phát hiện.

Trong thời chiến, chiếc tàu ngầm tiên tiến này sẽ nhằm vào các mục tiêu giá trị cao như tàu ngầm Pakistan (có khả năng mang tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân) và các tàu ngầm, tàu khu trục, tàu sân bay của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại