S-300PMU1 kế thừa kinh nghiệm ngụy trang tài tình của Bộ đội PK

Bình Nguyên |

S-300PMU1 sẽ bị đối phương "ưu tiên" trước hết trong đòn tiến công hỏa lực đường không. Do vậy, ngụy trang, phòng tránh là một khoa mục huấn luyện trọng tâm của Bộ đội tên lửa.

Đối mặt với đòn tiến công hỏa lực đường không

Trong chiến tranh tương lai, đòn tiến công hỏa lực đường không là phương thức tác chiến cơ bản của đối phương nhằm làm mềm chiến trường, mà ưu tiên trước hết là vô hiệu hóa các lực lượng phòng không - không quân để thỏa sức tung hoành, chiếm lĩnh bầu trời.

Trong đó, các tổ hợp TLPK S-300PMU1 hiện đại là mối đe dọa cực lớn với mọi loại máy bay, nhất là các loại máy bay tàng hình đắt tiền, do vậy S-300 sẽ bị đối phương "ưu tiên" trước hết trong đòn tiến công hỏa lực đường không.

Trung tướng Lê Huy Vịnh - Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cho rằng phải quan tâm nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng trời Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong đó vấn đề cần quan tâm hàng đầu là tập trung nghiên cứu sâu về đối tượng tác chiến, nhất là sự phát triển về phương thức, thủ đoạn tác chiến, vũ khí, phương tiện tiến công đường không của đối phương...

Trên cơ sở đó, chọn cách đánh phù hợp với Bộ đội TLPK và từng loại tên lửa, chú trọng tổ chức cơ động đánh chặn địch từ xa; đồng thời tích cực chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó với tác chiến điện tử của địch.

Các đơn vị phải tập trung huấn luyện, bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị hiện có, nhất là vũ khí trang bị mới, cải tiến; cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt, bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài và nâng cao hiệu suất chiến đấu.

tư lệnh quân chủng pk-kq
Trung tướng Lê Huy Vịnh
"Tất cả các đơn vị tên lửa phải chú trọng huấn luyện đánh đêm, đánh trong điều kiện đối phương tác chiến điện tử mạnh, cường độ cao, trong điều kiện phải cơ động, di chuyển trong địa hình phức tạp... Để thực hiện được vấn đề này, phải tăng cường tổ chức huấn luyện diễn tập bắn đạn thật cho Bộ đội TLPK sát với thực tế chiến đấu, khắc phục bằng được những hạn chế về trình độ, khả năng tác chiến; đồng thời, rèn luyện sức bền, sự chịu đựng trong điều kiện khắc nghiệt.".

Do điều kiện trang bị, vũ khí phòng không của Việt Nam còn hạn chế, không thể hiên ngang "mặt đối mặt" với các loại hỏa lực tiến công của đối phương như tên lửa hành trình, máy bay chiến lược, chiến thuật đánh phá liên tục cả ngày lẫn đêm.

Bên cạnh đó, trước khi thực hiện đòn tiến công hỏa lực, chắc chắn đối phương sẽ tiến hành trinh sát các mục tiêu nhằm tăng xác suất đánh trúng, đồng thời giảm thiệt hại nếu bị "phản đòn".

Vì vậy, phòng tránh, đánh trả kết hợp với các biện pháp nghi binh, ngụy trang sẽ giúp che giấu được lực lượng, giảm tổn thất nếu bị địch đánh trúng và từ đó tìm cơ hội bất ngờ phóng đạn tiêu diệt địch.

Việc kíp trắc thủ huấn luyện nhuần nhuyễn nâng cao khả năng cơ động, rút ngắn thời gian triển khai, thu hồi khí tài để nhanh chóng di chuyển giúp hạn chế đáng kể uy lực của các loại vũ khí công nghệ cao của đối phương, bảo toàn được lực lượng.

Tương tự, trong điều kiện bị địch trinh sát liên tục cả bằng vệ tinh, máy bay trinh sát hoặc các khí tài và phương thức trinh sát khác nhau, ngụy trang, nghi binh giúp che giấu, lừa địch, làm sai lệch kết quả trinh sát nhằm bảo vệ lực lượng, vô hiệu hóa các đòn tiến công.

Mô hình tên lửa ra-cót được tái hiện và trưng bài tại Bảo tàng Phòng không - Không quân.

Mô hình tên lửa "ra-cót" được tái hiện và trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân.

S-300PMU1 ngụy trang, nghi binh lừa địch thế nào?

Một trong như bài học về ngụy trang, nghi binh lừa địch hết sức thành công trong Kháng chiến chống Mỹ chính là khí tài "ra-cót" làm mồi nhử và địch đã "sập bẫy". Cụ thể:

Chiều 24-7-1965, các tiểu đoàn tên lửa 63 và 64 tổ chức ra quân đánh trận đầu. Mỗi tiểu đoàn phóng 2 quả tên lửa vào tốp máy bay F-4 của địch ở độ cao 7.000m, bắn rơi tại chỗ một máy bay. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 400 bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc.

Ngay sau khi kết thúc trận chiến, cả 2 tiểu đoàn ra-két thật được lệnh gấp rút cơ động sang vị trí khác, nhường trận địa cho 2 tiểu đoàn "ra-cót" làm bằng tre cót nhưng có hình dáng, màu sơn giống hệt như các quả đạn, bệ phóng thật.

Đồng thời, một lực lượng lớn pháo cao xạ, súng máy phòng không bố trí dày đặc quanh 2 trận địa "ra-cót" giăng bẫy chờ sẵn. Ngày 27-7-1965, không quân địch bay rất thấp, điên cuồng đánh phá “trả đũa” vào 2 trận địa tên lửa “giả”.

50 máy bay Mỹ, trong đó có 36 chiếc cường kích F-105 trực tiếp oanh tạc các trận địa giả. Các lực lượng pháo cao xạ đã chờ sẵn nổ súng bắn rơi 5 máy bay, có 3 chiếc rơi tại chỗ.

Phía Mỹ thậm chí còn thừa nhận đã mất 6 F-105 trong trận này và đau đớn thừa nhận đã "bị lừa" khi sau trận đánh, các đài radar của tên lửa Việt Nam vẫn hoạt động trong và không ảnh cho thấy trên trận địa mà máy bay Mỹ không kích chỉ toàn là tên lửa giả.

Trận địa Ra-cót S-300PMU1 giả, đánh lừa trinh sát đường không của đối phương, trận địa được bố trí hệt như thật với bệ phóng tên lửa và đài radar. Ảnh: Học viện PK-KQ.

Trận địa "Ra-cót" S-300PMU1 giả, đánh lừa trinh sát đường không của đối phương, trận địa được bố trí hệt như thật với bệ phóng tên lửa và đài radar. Ảnh: Học viện PK-KQ.

Ngày nay, bài học đó vẫn còn nguyên giá trị và giúp ích rất nhiều để các đơn vị tên lửa phòng không nói chung và các đơn vị tên lửa S-300PMU1 học tập, ứng dụng trong thực tế huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Vậy S-300 có thể ngụy trang như thế nào?

Thứ nhất, sử dụng "ra-cót" bơm hơi hoặc vật liệu rẻ tiền. Đây là các loại mô hình khí tài, có hình dáng, kích thước, màu sắc y như thật. Thậm chí, có thể gắn thêm các khí tài phát nhiệt, làm cho các khí tài trinh sát hồng ngoại của địch phát hiện "chính xác" mục tiêu hơn.

Các phương tiện trinh sát trên không với các khí tài quang ảnh nhiệt tiên tiến có khả năng quét, chụp ảnh với độ phân giải tương đối cao. Tuy nhiên, để phân biệt được khí tài bơm hơi hoàn toàn không dễ, nhất là khi nghệ thuật ngụy trang của đối phương đạt cảnh giới cao.

Nếu biết kết hợp giữa mô hình bơm hơi hoặc bằng các vật liệu khác (như tên lửa ra-cót ngày xưa) với các yếu tố địa hình, chắc chắn các khí tài trinh sát dù hiện đại đến mấy vẫn có thể bị đánh lừa.

Thứ hai, sử dụng lưới ngụy trang. Hiện nay, Nhà máy Z176 - Tổng cục CNQP đã thành công trong nghiên cứu tìm ra vật liệu mới sản xuất lưới ngụy trang có tính năng tiên tiến về độ che phủ, chống trinh sát ra-đa và trinh sát hồng ngoại, thay thế hàng nhập ngoại.

Nhờ đó, đã giúp đơn vị làm chủ được công nghệ sản xuất vật liệu ngụy trang và các sản phẩm ngụy trang phục vụ hoạt động huấn luyện và tác chiến của bộ đội trong đó có các đơn vị tên lửa S-300PMU1. Đồng thời, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Lưới ngụy trang tiên tiến giúp vô hiệu hoặc giảm độ chính xác của các phương tiện trinh sát.

Lưới ngụy trang có tính năng tiên tiến về độ che phủ, chống trinh sát ra-đa và trinh sát hồng ngoại giúp vô hiệu hoặc giảm độ chính xác của các phương tiện trinh sát.

Nhà máy Z176 đã được trao tặng Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) về lĩnh vực công nghệ vật liệu mới đối với sản phẩm lưới ngụy trang kể trên.

Rõ ràng, nếu vận dụng tốt cùng lúc nhiều yếu tố như cơ động, dịch chuyển vị trí liên tục kết hợp với ngụy trang, nghi binh thì chắc chắn các tổ hợp tên lửa S-300PMU1 vừa phóng tránh tốt, vừa bí mật, bất ngờ tùng đòn "sát thủ" hạ gục mọi loại máy bay của đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại