Thông tin trên đã được hãng tin Indonesia GATRA News dẫn lời tùy viên quân sự nước này tại Nga, Đại tá Andi Kustoro đăng tải ngày 21-8.
Theo lời ông này, Indonesia đang rất quan tâm tới khả năng hiện đại hóa quân đội thông qua các hợp đồng mua vũ khí, trang bị mới với Nga.
Indonesia trong thời gian tới có thể đặt mua thêm xe chiến đấu bộ binh phiên bản hải quân BMP-3F, thiết bị huấn luyện phi công trực thăng và tổ hợp tên lửa phòng không S-300 từ Nga.
Cùng với đó, quốc gia Đông Nam Á này đang cân nhắc mua bổ sung thêm các đơn vị máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30MK2 mới.
Hiện chưa rõ Indonesia quan tâm phiên bản nào của tổ hợp S-300.
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích Thị trường vũ khí quốc tế (SAWAT), trong vài năm gần đây, Indonesia đã hiện đại hóa hệ thống phòng không của mình bằng các tổ hợp vũ khí phòng không tầm thấp từ Trung Quốc, Ba Lan và Pháp.
Trong khi đó, các tổ hợp vũ khí phòng không tầm trung, xa chưa có nâng cấp nào đáng kể.
Năm 2014, trong khuôn khổ Hội chợ quân sự INDO Defence-2014 tổ chức tại Jakarta, giới chức quân đội Indonesia tỏ ra rất quan tâm tới các tổ hợp tên lửa phòng không Nga được giới thiệu.
Tại triển lãm, Tổ hợp thiết kế Almaz-Antey đã giới thiệu S-300 phiên bản lục quân S-300VM Antey-2500, Tor-M2E, Buk-M2E và giá phóng Mosquito trang bị tên lửa phòng không vác vai Igla.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 bắt đầu được phát triển từ những năm 1970 và chúng được tiếp nhận vào biên chế quân đội Xô Viết từ năm 1975.
S-300 tới thời điểm hiện tại có tới 14 biến thể trang bị cho hải-lục-không quân. Thông số kỹ-chiến thuật của các phiên bản S-300 khác xa nhau rất nhiều do được cải tiến liên tục về hệ thống ra-đa và đạn tên lửa có trong tổ hợp.
Cụ thể, nếu phiên bản S-300 PMU chỉ có thể ngăn chặn mục tiêu bay với vận tốc 1.300m/giây, thì phiên bản S-300 PMU2 Favorit có thể ngăn chặn mục tiêu bay với vận tốc tới 2.800m/giây.