Việt Nam có nên mua cả 2 phiên bản TLPK Spyder SR và MR?

Bình Nguyên - Huy Phong |

Ở châu Á, một số nước "kết" tên lửa Spyder tiên tiến của Israel như Ấn Độ "chọn" bản MR hay Singapore "lựa" bản SR, còn với Việt Nam, liệu cả hai phiên bản này đều có cơ hội?

Nhân lực đã sẵn sàng

Dự kiến tháng 12 tới, Học viện Phòng không - Không quân sẽ hoàn thành chương trình đào tạo của lớp bồi dưỡng Tiếng Anh khoá 8 cho các cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan, đơn vị được Quân chủng PK-KQ giao tiếp nhận, quản lý, khai thác loại vũ khí, khí tài mới.

Thiếu tướng Vi Văn Liên - Phó Tư lệnh QC PK-KQ đã giao nhiệm vụ và chúc mừng các đồng chí học viên đã được Quân chủng tin tưởng, lựa chọn về học tập, nghiên cứu tại Học viện để làm nòng cốt, hạt nhân sau này ở đơn vị được Quân chủng trang bị vũ khí, khí tài mới.

Phó tư lệnh quân chủng pk - kq
Thiếu tướng Vi văn liên
"Đối với Học viện cần rà soát, phân loại học viên để có phương pháp bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng đầu vào; tạo mọi điều kiện về cơ sở, vật chất để đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục giúp Quân chủng hoàn thành tốt khoá học này; đối với các đồng chí học viên, cần tranh thủ thời gian tối đa cho việc tiếp thu những kiến thức cơ bản của giảng viên; tích cực tự giác học tập, rèn luyện, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ khoá học này.".

Như vậy, các khóa bồi dưỡng tiếng Anh cho các cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan, đơn vị được giao tiếp nhận, quản lý, khai thác loại vũ khí, khí tài mới đã liên tiếp được tổ chức, cho thấy công tác chuẩn bị về nguồn lực con người của Quân chủng PK-KQ hết sức chu đáo.

Các khóa học tiếng Anh này cũng nhằm chuẩn bị cho bước phát triển mới, đưa Quân chủng PK-KQ tiến thẳng lên hiện đại với nhiều loại vũ khí mới có xuất xứ từ các nước Phương Tây và tên lửa phòng không Spyder của Israel là một trong những ứng viên sáng giá nhất.

Liệu Việt Nam sẽ quan tâm tới phiên bản tên lửa Spyder-SR tầm gần hoặc Spyder-MR tầm trung hay là cả hai phiên bản trên?

Xe bệ phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không Spyder-MR.

Xe bệ phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không Spyder-MR có thể sử dụng khung gầm xe Kamaz, Mercedes, Man hay Tatra tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Spyder-MR "xứng đáng" thay SAM-2 huyền thoại

Không có gì phải nghi ngờ về tính năng và mức độ hiện đại của các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Spyder-MR, điều đáng quan tâm là mức độ phù hợp để biến nó thành ứng viên hoàn hảo thay thế các tên lửa SAM-2 vốn đã cũ của Việt Nam.

Thứ nhất, vùng hoạt động của tên lửa tương đương. Nếu như đạn tên lửa của SAM-2 (Volga) có tầm/trần bắn tối đa là 45/25 km và tốc độ 3,5M thì Spyder-MR kém hơn một chút về độ cao tối đa, nhưng lại nhỉnh hơn về tầm và tốc độ tương ứng là 50/16 km và 4,0M.

Như vậy, về cơ bản các thông số của đạn tên lửa Spyder-MR hoàn toàn trùng khớp với SAM-2, nên nếu có biên chế sẽ rất thuận lợi, ít nhất là về mặt bố trí mạng lưới các trận địa sẽ không phải thay đổi nhiều.

Spyder-MR hoàn toàn có thể tận dụng trận địa hiện có của SAM-2, tạo thành các ô phòng không đan nhau, không có các khoảng trống, vừa bảo vệ lẫn nhau một cách hoàn hảo. Như vậy, chắc chắn sẽ tiết kiệm được một phần kinh phí không nhỏ nếu phải xây trận địa mới.

Tất nhiên, trận địa cơ bản chỉ được dùng trong thời bình để đảm bảo nơi ăn chốn ở, sinh hoạt và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tốt nhất cho các đơn vị tên lửa.

Còn khi thời chiến, chắc chắn các đơn vị này sẽ phải cơ động, di chuyển liên tục tới các trận địa dự bị có chuẩn bị trước hoặc thậm chí triển khai ở trận địa dã chiến không chuẩn bị trước. Đây là một trong những điểm vượt trội của Spyder-MR so với SAM-2.

Thứ hai, cùng có số bệ phóng/xe bệ phóng tên lửa tự hành tương đương. Thông thường, các tổ hợp SAM-2 có từ 4-6 bệ phóng cố định, tương ứng, Spyder-MR cũng có từ 4-6 xe bệ phóng tự hành. Số lượng tăng giảm tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ của từng đơn vị.

Tại trận địa cơ bản, các xe bệ phóng của Spyder-MR hoàn toàn có thể tận dụng tốt các vị trí bệ phóng đắp bằng đất hoặc bê tông hóa của SAM-2 mà không cần phải thay đổi cấu trúc quá nhiều. Nhờ đó, cũng giúp tiết kiệm thêm một phần kinh phí xây dựng (nếu có).

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Spyder-MR sử dụng radar nhìn vòng kiêm chiếu xạ ELM-2084 tiên tiến.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Spyder-MR sử dụng radar nhìn vòng kiêm chiếu xạ ELM-2084 tiên tiến.

Thứ ba, phù hợp với cơ sở hạ tầng đường bộ. Đây là một điểm đặc biệt quan trọng trong chiến tranh hiện đại, bởi "thời gian là vàng". Tất cả các xe của tổ hợp Spyder-MR đều là loại bánh lốp, có khả năng cơ động với tốc độ cao trên các tuyến đường bộ đang ngày càng tốt hơn.

Cùng với đó, khả năng việt dã, cơ động trên các cung đường xấu, đường đất dã chiến của Spyder-MR tốt hơn SAM-2 rất nhiều bởi các xe đều là loại 3-4 cầu chủ động thế hệ mới, có thể chọn khung gầm xe Kamaz vừa khỏe, vừa bền, vốn được Việt Nam tin dùng.

Do thiết kế gọn gàng, toàn bộ khí tài đều đặt vừa lên khung gầm xe bệ nên Spyder-MR có yêu cầu về đường xá thấp hơn so với SAM-2, đặc biệt, xe tiếp đạn của SAM-2 là loại rơ-moóc rất dài nên cần bán kính đường cong lớn, khó cơ động trong điều kiện thời chiến.

Thứ tư, Spyder-MR có khả năng đánh mục tiêu đa dạng. Một trong những điểm vượt trội của nó là có khả năng đánh mục tiêu ngay trên đỉnh đầu nhờ đạn phóng thẳng đứng và radar dẫn bắn tiên tiến, ít có loại tên lửa nào làm được điều này, kể cả BuK-M2 của Nga.

Như vậy, Spyder-MR hoàn toàn thích hợp để thay thế SAM-2, nên nếu Việt Nam có quan tâm đến dòng tên lửa phòng không tầm trung này cũng là điều dễ hiểu và hoàn toàn logic.

Mặc dù vậy, việc sử dụng như thế nào và hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm tác chiến, bố trí lực lượng và phối hợp với các loại hỏa lực phòng không hiện có là rất quan trọng. Trên hết nghệ thuật phòng không, đóng vai trò quyết định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại