Quân đội Mỹ đã "sức cùng lực kiệt"?

Các chuyên gia biết rõ về thực trạng QĐ Mỹ nhận định rằng Mỹ không còn đủ sức tham gia bất kỳ cuộc chiến nào nữa vì QĐ Mỹ đã quá mệt mỏi, cả về “thể xác”, “tinh thần”, "chính trị".

Hiện có rất ít người Mỹ sẵn sàng tin tưởng, sẵn sàng đi theo và chết một cách mù quáng cho một cuộc chiến.

Binh sĩ suy sụp, cùng quẫn

Sự kiệt sức, mệt mỏi của lính Mỹ được thể hiện rõ nhất qua con số binh sĩ và cựu binh Mỹ tự tử, điều mà Mỹ luôn tìm cách giấu giếm. Theo kênh Press TV (Iran), con số này cao hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của nhiều người.

Năm 2012, số lính Mỹ tự tử còn nhiều hơn cả lính Mỹ tử trận.

Mặc dù không đưa ra con số cụ thể nhưng trong thời gian gần đây, các giới chức quân sự Mỹ đã liên tục lên tiếng cảnh báo về tình trạng tự tử trong quân đội, bao gồm cả những lực lượng đặc biệt, những đội quân phải qua đào tạo và chiến đấu rất lâu mới có được khả năng xuất sắc như Hải quân SEAL và siêu biệt kích Rangers.

Hồi cuối tháng Tư, hãng tin Reuters đã dẫn lời Chuẩn Đô đốc William McRaven, người đứng đầu Bộ tư lệnh Các hoạt động Đặc biệt cho biết, số binh sĩ Mỹ tự tử trong vòng hai năm qua đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Ông bày tỏ lo ngại rằng năm nay con số này còn có thể cao hơn nữa.

Ông nói: “Năm nay, tôi sợ rằng quân đội Mỹ sẽ phá vỡ kỷ lục số vụ tự tử trước đó”. Tuy nhiên, ông không cung cấp con số cụ thể về các trường hợp tự tử.

Theo ông Kim Ruocco, Giám đốc Chương trình Ngăn ngừa các vụ tự tử và hỗ trợ các cựu binh của quân đội Mỹ cho rằng, nhiều người không dám tiết lộ những vấn đề bất ổn về tâm lý vì lo sợ sẽ phải kết thúc sự nghiệp của mình. Hơn nữa, việc quy mô các lực lượng vũ trang Mỹ đang ngày càng bị thu hẹp cũng gây thêm áp lực cho những người lính”.

Còn theo nghiên cứu trên 5.428 lính Mỹ mới được công bố bởi Hiệp hội Tâm thần học JAMA (Mỹ) cho thấy có hơn 8% binh lính phục vụ trong quân đội mắc chứng rối loạn, hoảng loạn vì tiếng nổ bom đạn. Người mắc chứng này thường có hành vi tấn công hung hãn thiếu kiểm soát, dễ tấn công người khác vì hoang tưởng họ là kẻ thù. Tỉ lệ mắc chứng này trong binh sĩ cao gấp 6 lần so với dân thường.

Nhiều binh sĩ đã quá kiệt sức vì các cuộc chiến.

Hồi đầu năm 2012, quân đội Mỹ cũng thừa nhận tỷ lệ binh sĩ tự tử trong năm 2012 đạt mức kỷ lục, thậm chí nhiều hơn cả số lượng binh lính thiệt mạng tại các chiến trường. Những cựu binh trở về nhà cũng gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý. Theo nghiên cứu của Bộ Cựu chiến binh Mỹ dựa trên số lượng cựu binh tự tử trong khoảng thời gian từ năm 1999-2010, mỗi ngày tại Mỹ có 18 cựu binh tự tìm tới cái chết.

Nguyên nhân không chỉ vì những ám ảnh trong các cuộc chiến mà còn vì thái độ của người dân đối với họ khi trở về nhà.

Cuối mỗi cuộc chiến, người dân Mỹ đều cảm thấy mệt mỏi và đổ lỗi cho những người đã tham chiến về những hậu quả của chiến tranh đối với xã hội, văn hóa và kinh tế nước Mỹ.

"Anh hùng chiến tranh" nhanh chóng trở thành những kẻ giết người và cựu binh thường bị xa lánh. Họ thường bị từ chối khi đi xin việc, chịu sự khinh miệt của xã hội.

Mặt trái của vũ khí hiện đại

Mặc dù đứng đầu thế giới về khí tài quân sự hiện đại và mạnh mẽ, nhưng điều này không phải là không có mặt trái của nó. Nhiều người lính bị trầm cảm nghiêm trọng vì những loại vũ khí giết người quá hiện đại.

Ví dụ, theo Thời báo New York, nhiều phi công điều khiển máy bay không người lái đã bị bất ổn tâm lý nghiêm trọng. Họ bị suy sụp với ý nghĩ rằng mình đã giết người chỉ bằng cách bấm nút đơn giản như đang chơi game.

Một phi công có tên Brandon Bryant đã từng day dứt nói: “Tôi đã giết rất nhiều người”.

Nghiên cứu được Thời báo New York đăng tải cho thấy 46% phi công của máy bay không người lái "căng thẳng cao độ" khi làm việc. Trong đó, 29% có dấu hiệu "kiệt sức" và 4% mắc hội chứng chấn thương tâm lý. Mặc dù họ không bị đe dọa trực tiếp bởi bom đạn nhưng nhiều phi công đã gặp áp lực lớn về mặt tinh thần do giết người một cách quá dễ dàng.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào quá nhiều cuộc chiến trong nhiều năm qua đã khiến cho Mỹ tổn thất rất nhiều về tài chính.

Mỹ đã mất hàng nghìn tỷ USD cho các cuộc chiến ở Iraq (2003-2011), cuộc chiến ở Afghanistan (từ 2001 đến nay), và Cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu.

Người dân Mỹ cũng đã cảm thấy quá mệt mỏi và thất vọng khi chính phủ Mỹ đổ quá nhiều tiền vào các cuộc chiến kéo dài và nhiều hệ lụy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại