Quân Đồng minh chặn Phát xít Đức sản xuất vũ khí hạt nhân như thế nào?

Anh Tuấn |

Nửa đêm ngày 27/2/1943, một tiểu đội gồm 10 lính biệt kích Na Uy đã vượt qua một ngọn núi đầy tuyết và chứng kiến một mục tiêu dường như bất khả xâm phạm.

Đó là một nhà máy được Đức Quốc xã sử dụng để chế biến nước nặng, một thành phần quan trọng nhằm phát triển các lò phản ứng hạt nhân và bom nguyên tử của Đức.

Nhà máy Norsk Hydro nằm tại một hẻm núi sâu 200 m và chỉ có một cây cầu được canh gác cẩn mật nối nó với bên dưới.

Bên ngoài nhà máy có hai lớp hàng rào kẽm gai, toàn bộ khu vực xung quanh đều có mìn. Bên trong nhà máy, lính Đức sống trong các trại và lúc nào cũng có đội tuần tra ngày và đêm.


Nhà máy Norsk Hydro, nơi phát xít Đức từng sản xuất nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử.

Nhà máy Norsk Hydro, nơi phát xít Đức từng sản xuất nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử.

Thêm vào đó, toàn bộ khu vực được bao phủ bởi một lớp tuyết dày, còn tiểu đội biệt kích đều đã kiệt sức.

6 người trong số họ đều mệt mỏi sau 5 ngày hành quân trong bão tuyết khi tiếp đất cách vị trí đã định gần 29 km. 4 người còn lại là những người còn sống sót sau một đợt tấn công thất bại vào nhà máy.

Họ đã phải sinh tồn trên núi trong nhiều tháng, chỉ ăn rau rừng và một con linh dương.

Tuy vậy, để ngăn chặn Đức phát triển bom nguyên tử, họ đã tấn công nhà máy vào ngày 28/2. Một người lính phụ trách điện đàm ở lại trên núi, trong khi 9 người còn lại trượt xuống, vượt qua một con sông đóng băng và phải trèo tiếp lên cao để tiếp cận nhà máy.

Khi đã đến hàng rào, một nhóm 4 người ở lại cảnh giới trong khi 5 người còn lại vượt qua hàng rào thứ nhất và thứ hai bằng kìm cắt thép. Những người này mặc quân phục của Anh, được trang bị súng máy và nhiều miếng vải tẩm thuốc ngủ.

Tuy nhiên, cánh cửa nhà máy đáng lẽ để ngỏ bởi một gián điệp tay trong đã bị đóng lại. Toàn đội sau này mới biết rằng người này đã bị ốm và không thể đến làm việc.

Họ đành chọn cách khác, tức là tìm một đường ống thông gió và chui qua cùng nhiều túi thuốc nổ. Nhóm cảnh giới ở lại, những người còn lại chia thành hai cặp, mỗi bên đi tìm đường vào.

Cuối cùng, thiếu úy Joachim Ronneberg và trung sĩ Frederik Kayser là những người đầu tiên tìm thấy ống thông gió. Khi họ không tìm thấy hai người kia, họ tiến xuống đường ống và đẩy theo các túi thuốc nổ.

Họ xuống được tầng hầm của nhà máy và nhanh chóng vô hiệu hóa một lính gác Đức. Kayser không chế hắn bằng súng, còn Ronneberg đặt thuốc nổ vào các ống chứa nước nặng trong nhà máy.


Hình nộm minh họa cảnh các biệt kích khống chế lính gác Đức và đặt thuốc nổ vào các ống chứa nước nặng.

Hình nộm minh họa cảnh các biệt kích khống chế lính gác Đức và đặt thuốc nổ vào các ống chứa nước nặng.

Đột nhiên, một cửa kính gần đó bị đập vỡ từ bên ngoài. Kayser hướng súng về phía cửa thì nhận ra nhóm biệt kích còn lại, đó là thiếu úy Kasper Idland và trung sĩ Birger Stromsheim.

Họ không tìm thấy đường ống và không biết nhóm kia đã tiếp cận mục tiêu. Để đảm bảo nhiệm vụ thành công, họ mạo hiểm phá cửa kính để vào trong.

Idland canh chừng bên ngoài, còn Ronneberg và Stromsheim nhanh chóng đặt thuốc nổ. Lo sợ rằng lính Đức có thể nghe thấy tiếng động, họ quyết định cho bom nổ trong 30 giây thay vì 2 phút như kế hoạch ban đầu.

Vừa chuẩn bị châm ngòi nổ, một lính gác đêm khác đến gần chỗ của các lính biệt kích. Người này muốn lấy cặp kính của mình và nói rằng thay kính trong thời chiến rất khó khăn.

Đội biệt kích tìm bàn làm việc, tìm thấy kính và trao nó cho lính gác Đức. Sau đó, lại một tiếng bước chân nữa đến gần.

Lần này người đến phòng không phải là lính canh mà là hai dân thường người Na Uy, suýt nữa đã chạy khỏi phòng khi nhìn thấy nhóm biệt kích trong bộ quân phục Anh. Kayser không chế hai người này và cuối cùng Ronneberg châm ngòi nổ.

Kayser thả hai người này sau 10 giây và các lính biệt kích cùng nhau chạy thoát. Ngay khi vượt qua cửa hầm, quả bom phát nổ.

Các ống chứa nước nặng đã bị phá hủy thành công, khiến số nước mất hàng tháng trời sản xuất được trôi xuống sàn và xuống các đường ống xả.

Rời khỏi nhà máy, đội biệt kích bắt đầu hành trình đào thoát dài 400 km, vượt qua nhiều trạm kiểm soát của Phát xít Đức để vào Thụy Điển.


Phà chở nước nặng của Đức cũng trở thành mục tiêu của quân Đồng miinh.

Phà chở nước nặng của Đức cũng trở thành mục tiêu của quân Đồng miinh.

Nhà máy này đã được sửa chữa lại vài tháng sau đó và tiếp tục hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, khi quân Đồng minh tăng cường oanh tạc nơi này, lính Đức có kế hoạch di dời số nước nặng về Đức nhưng một nhóm biệt kích Na Uy khác đã đánh chìm tàu chở hàng mang số nước nặng này.

Do thiếu hụt nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân trong chiến tranh, hoạt động nghiên cứu của Đức trở nên ì ạch và cùng với những thất bại nhanh chóng trên chiến trường phát xít Đức không bao giờ còn cơ hội có thể sản xuất vũ khí hạt nhân trong Thế chiến II.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại