Ronald O'Rourke cho biết, "lực lượng A2/AD trên biển của Trung Quốc có thể được xem là lực lượng ngăn chặn trên biển được phát triển có cấp độ tương tự Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
Theo đó, sử dụng máy bay ném bom tầm xa lắp tên lửa hành trình siêu âm để ngắm chuẩn tàu sân bay Mỹ là một chiến thuật của Liên Xô, hiện nay, Bắc Kinh đang bắt chước.
O'Rourke cho rằng, tên lửa đạn đạo chống hạm, tên lửa hành trình lắp trên máy bay, tàu ngầm tấn công và tàu chi viện tác chiến điện tử là một phần quan trọng của lực lượng A2/AD trên biển đang được Trung Quốc phát triển.
Ngắm chuẩn một cụm chiến đấu tàu sân bay rất đơn giản, nhưng trước tiên phải tìm được chúng ở đại dương rộng lớn.
Tuy nhiên tấn công một mục tiêu di động tuyệt đối không phải là việc dễ dàng, bởi vì, khi tên lửa bay đến, cụm chiến đấu tàu sân bay có thể đã rời khỏi vài chục dặm Anh.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể đã thu hẹp khoảng cách này. Báo cáo cho rằng:
"Một điểm khác giữa lực lượng ngăn chặn trên biển của Liên Xô và Trung Quốc là lực lượng ngăn chặn của Trung Quốc đã có tên lửa đạn đạo chống hạm có thể tấn công tàu sân bay di động".
Theo O'Rourke, nếu các chuyên gia kỹ thuật của Bắc Kinh thực sự nghiên cứu phát triển được loại tên lửa này, sẽ tạo ra mối đe dọa to lớn đối với việc điều động lực lượng hải quân Mỹ trên phạm vi toàn cầu.
Giống như Nhật Bản trong lịch sử, Trung Quốc có tham vọng đuổi các nước lớn phương Tây ra khỏi châu Á.
Khác với cuộc chiến tranh chớp nhoáng cuối cùng thất bại của Nhật Bản, Trung Quốc luôn thực hiện chiến lược "lát cắt xúc xích" hầu như không được dư luận chú ý tới để thực hiện mục tiêu của họ.
Không chỉ sử dụng máy bay ném bom tầm xa và tên lửa hành trình để đối phó Mỹ trên biển, theo tuyên bố của giới chức quân sự Trung Quốc, nước này còn có thể dùng máy bay H-6K để thực hiện đòn tấn công đến chuỗi đảo thứ 2.
Trả lời phỏng vấn chương trình "Giải mã quân sự" của Đài truyền hình Bắc Kinh, chuyên gia quân sự Trung Quốc Phó Tiền Tiêu cho biết, máy bay H-6K được lắp mới 2 động cơ có lực đẩy lớn hơn, có nghĩa là lượng tải đạn và trọng lượng cất cánh lớn nhất đều được nâng lên.
Trong khi đó, tạp chí Jane's Defence Weekly (Anh) cho rằng, với tính chất là máy bay ném bom tầm trung, H-6K có năng lực tập kích tầm xa, tuần tra khu vực lớn, tấn công ngoài khu vực phòng thủ, có thể lựa chọn nhiều mô hình tác chiến, hoàn thành nhiều loại nhiệm vụ, tần công nhiều loại mục tiêu, cơ động, linh hoạt, là lực lượng răn đe không dễ coi nhẹ trong thời bình.
H-6K có sự khác biệt rất lớn so với phiên bản cũ H-6, dưới cánh có thể mang theo 6 quả tên lửa hành trình, số lượng nhân viên tổ lái cũng giảm mạnh.
Theo bài báo, bán kính tác chiến của H-6K có thể đạt 3.500 km, cộng với mang theo tên lửa hành trình chiến lược có tầm phóng 1.500-2.000 km, cự ly tấn công các mục tiêu chiến lược của nó đạt 4.000-5.000 km.
Có thể tiến hành tấn công chiều sâu đối với các quốc gia và khu vực thù địch xung quanh ở trên biển, thậm chí từ trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc; ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc có thể tiến hành tấn công chiều sâu đối với Okinawa, Guam, có thể đe dọa Hawaii.
Có phân tích cho rằng, để sử dụng các hành động phản kích chiến dịch ngăn chặn tham vọng can thiệp quân sự eo biển Đài Loan của Mỹ, Không quân Trung Quốc đưa toàn bộ khu vực gồm Đài Loan, các đảo ở tây nam Nhật Bản ở chuỗi đảo thứ nhất, và Guam ở chuỗi đảo thứ hai vào phạm vi kiểm soát.
Trong khi đó, tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ chỉ ra, máy bay ném bom H-6K của Không quân Trung Quốc phóng tên lửa hành trình Trường Kiếm-10 có thể tạo ra mối đe dọa cho các cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Và nếu như Mỹ đã quyết tâm ở lại châu Á thì họ cần tiến hành chuẩn bị đầy đủ cho sự leo thang căng thẳng có thể xuất hiện.