Philippines muốn có "sát thủ săn ngầm" vừa nắn gân TQ ở Biển Đông

Hải Vy |

Theo AFP, Philippines đặc biệt quan tâm tới máy bay tuần thám P-3C Orion mà các phi công Nhật đã điều khiển trong cuộc tập trận chung gần đây giữa 2 nước ở Biển Đông.

Philippines muốn có máy bay săn ngầm P-3

AFP đưa tin, hôm thứ Năm (25/6), Philippines cho biết nước này muốn mua thiết bị quân sự từ Nhật.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez, Manila đặc biệt quan tâm tới máy bay tuần thám P-3C Orion mà các phi công Nhật đã điều khiển trong cuộc tập trận chung gần đây ở Biển Đông.

"Đúng, chúng tôi rất muốn có 1 chiếc P-3" - ông Galvez nói với các phóng viên.

Bên cạnh đó, Philippines cũng đang rất quan tâm tới các trực thăng Huey. Ông Galvez cho biết, quân đội Philippines sẽ dễ làm chủ các máy bay này do đã có vài chiếc trong biên chế.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Manila cũng đã đánh tiếng muốn mua lại các máy bay P-3 khi được biết Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang có kế hoạch cho chúng nghỉ hưu trong vài năm nữa.

Nước này hy vọng có thể mua lại máy bay P-3 với giá rẻ.

Philippines đang tăng cường quan hệ quân sự với với các đồng minh Nhật Bản và Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc dâng cao.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Philippine Benigno Aquino đã tới thăm Nhật Bản và thảo luận về việc tăng cường mối quan hệ quốc phòng giữa 2 quốc gia, trong đó có đề nghị chuyển giao thiết bị quân sự cho lực lượng vũ trang lạc hậu của Philippines.

Gần đây, Philippines đã tiến hành tập trận hải quân với Nhật Bản và hiện tại đang thúc đẩy một thỏa thuận cho phép tổ chức các cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa 2 nước, tương tự như các cuộc tập trận thường niên của nước này với Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, hôm 23/6, chiếc máy bay tuần tra P3-C Orion của lực lượng Nhật, chở theo 3 sĩ quan Philippines trong vai trò khách mời, đã bay ở độ cao hơn 1.500m phía trên rìa khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank).

Khu vực này nằm gần địa điểm nơi Trung Quốc đang lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đây là một phần trong cuộc tập trận chung giữa Lực lượng phòng vệ biển Nhật (MSDF) và hải quân Philippines ngoài khơi đảo Palawan.

2 máy bay Orion của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tới căn cứ Không quân Antonio Bautista tại Palawan hôm 23/6

Bình luận về cuộc diễn tập kéo dài 2 ngày của Tokyo và Manila, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết:

“Chúng tôi hy vọng rằng hai bên liên quan sẽ không thổi phồng hoặc thậm chí gây thêm căng thẳng trong khu vực. Mọi người chờ đón sự tương tác mang lại hòa bình và ổn định chứ không phải theo chiều ngược lại”.

Về lý thuyết, việc Nhật Bản đưa P-3C Orion tới Biển Đông sẽ giúp Mỹ theo dõi nhất cử nhất động của hải quân Trung Quốc ở đó.

Các chuyên gia quân sự nhận định hoạt động này hoàn toàn có thể được Nhật Bản mở rộng trong thời gian tới.

"P-3 thích hợp để tuần tra Biển Đông"

P-3C Orion là loại máy bay tuần tra hàng hải kiêm chống ngầm 4 động cơ, được phát triển cho Hải quân Mỹ trên mẫu máy bay chở khách L-188 Electra, chính thức đưa vào sử dụng trong thập niên 1960.

Thông số cơ bản: kíp chiến đấu 11 người; dài 35,6 m; sải cánh 30,4 m; cao 11,8 m; trọng lượng cất cánh tối đa 64.400 kg; máy bay được trang bị 4 động cơ cánh quạt Allison T56-A-14 (3.700 kW mỗi chiếc) cho tốc độ tối đa 750 km/h, tầm hoạt động 4.400 km.

File:Kawasaki P-3C Orion, Japan - Navy AN2284167.jpg

Các máy bay P-3 được đánh giá là rất thích hợp để tuần tra Biển Đông.

P-3C được trang bị thiết bị phát hiện từ tính MAD dùng để phát hiện sự xáo trộn bất thường của từ trường trái đất do tàu ngầm di chuyển trong lòng biển gây ra.

Bên cạnh đó là radar giám sát hàng hải Raytheon AN/APS-115 và radar tìm kiếm mục tiêu AN/APS-137D(V)5.

Đây là loại radar khẩu độ tổng hợp với độ phân giải cao có thể phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm ở cự ly khoảng 30 km, phát hiện xuồng cứu sinh ở cự ly 60 km.

Ngoài ra P-3C còn có phao định vị âm thanh AQA-7 và hệ thống giám sát điện tử ALQ-78 treo ở cánh, hệ thống này sẽ tự động phát hiện các tín hiệu do tàu ngầm phát ra và định vị chúng.

Khoang chứa trong thân và giá treo trên cánh có thể mang 9 tấn vũ khí gồm bom chìm, ngư lôi Mk-46, tên lửa đối hạm Harpoon hoặc tên lửa không đối đất Maverick. Trong ảnh: máy bay P-3C của Nhật Bản.

Mặc dù P-3 đang dần được thay thế bằng các máy bay P-8 hiện đại hơn nhưng Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris khẳng định các máy bay P-3 vẫn rất thích hợp để tuần tra Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại