Hiện tại, các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đang sở hữu máy bay P-3 Orion bao gồm: Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan.
Hải quân Mỹ cũng có một phi đội P-3 khổng lồ bố trí trên khắp thế giới, dù chúng đang được thay thế bởi loại máy bay hiện đại hơn là P-8A Poseidon.
Máy bay P-3C của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.
Các máy bay P-3 của Australia và Mỹ phần lớn được trang bị hệ thống radar giám sát bờ biển AN/APS-14 với khả năng thu thập thông tin tình báo, trinh sát và nhận dạng mục tiêu mạnh mẽ.
Chính phủ Australia mới đây cũng tuyên bố rằng, nước này sẽ sát cánh cùng Mỹ để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông - khu vực đang gia tăng căng thẳng do các hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc.
Theo tờ The Australian, Canberra đang cân nhắc một số phương án để đối phó với tình hình Biển Đông, trong đó khả năng cao là sẽ triển khai các máy bay P-3 từ sân bay Butterworth ở Malaysia.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) sau đó lập tức đăng đàn với thông tin rằng Không quân Australia đang sở hữu một số lượng lớn máy bay P-3 cùng các phi công dày dặn kinh nghiệm.
Tạp chí Combat Aircraft của Mỹ cho biết, Washington có kế hoạch thiết lập "chuỗi P-3" bao gồm lực lượng quân đội Mỹ đóng quân ở Nhật Bản, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, Không quân Hoàng gia Australia và có thể bao gồm cả không quân Đài Loan.
Mục đích của việc kết nối các căn cứ P-3 Orion là nhằm ngăn chặn tàu bè Trung Quốc di chuyển ra vào chuỗi đảo thứ nhất, đồng thời giám sát các hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Duowei News, khả năng can thiệp của Australia vào Biển Đông không chỉ giới hạn trong các máy bay P-3 Orion. Nước này còn có 6 tàu ngầm thông thường lớp Collin, 4 khinh hạm lớp Adelaide, 8 khinh hạm lớp Anzac, 8 tàu đổ bộ và 8 tàu quét mìn.
Australia cũng đang đàm phán với Nhật Bản về việc mua các tàu ngầm lớp Soryu.
Cũng theo Duowei News, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ đang tìm cách lợi dụng những quốc gia không có lợi ích trực tiếp tại Biển Đông như Australia để cân bằng áp lực mà Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, Bắc Kinh cần tìm ra biện pháp nhằm đối phó với sách lược mới này của Mỹ.