Phiên bản tên lửa bờ Bastion-S có phù hợp với Việt Nam?

Ly Vy - Mai Anh |

Các hệ thống tên lửa bờ Bastion-P di dộng và Bastion-S cố định liệu có phải là sự kết hợp hoàn hảo giúp tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển của Việt Nam?

Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu và Chế tạo máy (Mashinostroeniya Corporation) của Nga - ông Alexander Leonov vừa qua cho biết các quốc gia nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-S (K-300S) phóng từ hầm ngầm.

Khác với phiên bản Bastion-P (K-300P) đặt trên các xe di động vốn đã được trang bị cho Hải quân Nga và xuất khẩu sang một số quốc gia như Syria và Việt Nam, K-300S là tổ hợp tên lửa bờ sử dụng giếng phóng đặt trong các hầm ngầm tại trận địa cố định.


Radar trinh sát Monolit B của tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P.

Radar trinh sát Monolit B của tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P.

Như đã biết, Việt Nam cũng là 1 trong những quốc gia đang vận hành một số tổ hợp Bastion-P (sử dụng tên lửa diệt hạm Yakhont). Với tầm bắn xa, uy lực lớn, có thể vượt qua nhiều lớp phòng thủ, đây được coi là "lá chắn thép" bảo vệ bờ biển của Hải quân Việt Nam.

Tháng 10 năm 2014, truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ BQP Nga cho biết, trong tương lai Việt Nam có thể đặt mua thêm ít nhất 1 tổ hợp Bastion-P nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang ngày càng trở nên phức tạp.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về việc hợp đồng đã được ký hay chưa và bao giờ thì những tổ hợp tên lửa mới sẽ được chuyển giao.

Phải chăng Việt Nam đang chờ phía Nga hoàn thiện để đặt mua các tổ hợp tên lửa bờ Bastion-S? Vậy việc có thêm các hệ thống cố định có hợp lý?

Có nhiều ưu điểm

Theo ông Alexander Leonov, phiên bản tên lửa bờ cố định này được phát triển dành chủ yếu cho xuất khẩu nhờ nó đáp ứng được yêu cầu của những quốc gia chỉ có nhu cầu bảo vệ một khu vực hạn chế do đường bờ biển của họ không quá dài.

Các tính năng của tổ hợp mới này về cơ bản giống như các tổ hợp Bastion-P cơ động, từ thiết bị trinh sát, dẫn bắn, tên lửa,... kế thừa hầu hết những điểm ưu việt vốn đã được các chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá rất cao.

Do vậy, nếu quốc gia nào sở hữu các tổ hợp tên lửa này sẽ có những lá chắn thép, bảo vệ hơn 600km bờ biển (khoảng hơn 370 dặm) trước các cuộc tiến công hoặc đổ bộ bằng tàu mặt nước của đối phương.


Bố trí hỏa lực của tổ hợp tên lửa bờ cố định Bastion-S.

Bố trí hỏa lực của tổ hợp tên lửa bờ cố định Bastion-S.

... nhưng...

Trước hết, phải nói rằng nhược điểm lớn nhất của phiên bản Bastion-S là không có khả năng cơ động nên nếu bị phát hiện, chúng có thể bị loại khỏi vòng chiến bởi những đợt tấn công dồn dập bằng các loại bom, tên lửa điều khiển chính xác và có khả năng xuyên phá.

Tiến công hỏa lực đường không bằng vũ khí công nghệ cao đã trở thành phương thức tác chiến cơ bản trong chiến tranh xâm lược. Trong khi đó, điều kiện trang bị, vũ khí phòng không của Việt Nam còn hạn chế nên "phòng tránh, đánh trả" là giải pháp xuyên suốt.

Rõ ràng, có tồn tại, bảo toàn được lực lượng thì mới đánh trả và đánh thắng được kẻ địch xâm lược.

Do vậy, khả năng cơ động, triển khai thu hồi nhanh là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các loại vũ khí, trang bị mà Việt Nam đã và sẽ đặt mua.

Cũng vì không có khả năng cơ động, việc đặt cố định khiến cho công tác bảo đảm bí mật trận địa trở nên hết sức khó khăn.

Muốn phát huy tối đa cự ly trinh sát phát hiện sớm mục tiêu từ cự ly 450km để phóng đạn diệt địch ở tầm tối đa (300km), radar Monolit B của tổ hợp phải sử dụng chế độ phát sóng chủ động và như vậy các khí tài trinh sát điện tử của đối phương có thể phát hiện khu vực trận địa.

Theo nhà sản xuất Typhoon JSC, nếu chỉ sử dụng chế độ thụ động nhằm giữ bí mật, "im lặng" chặn thu tín hiệu điện tử của tàu đối phương, thì cự ly trinh sát của Monolit B giảm xuống còn 250km và phải sử dụng tới 2 radar cùng lúc nhằm giao hội tín hiệu để định vị mục tiêu.

Như vậy, giữ được bí mật vị trí trận địa trước các phương tiện trinh sát điện tử của đối phương cũng đồng nghĩa với việc hạn chế tầm bắn tối đa của tên lửa.

Tuy nhiên, việc ngụy trang trận địa, đánh lừa được các phương tiện trinh sát bằng quang học nhất là vệ tinh và máy bay trinh sát có hoặc không có người lái là rất khó khăn. Vị trí trận địa có thể bị lộ bất cứ lúc nào trước các phương tiện trinh sát ngày càng trở nên tinh vi hơn.


Xe bệ phóng thuộc tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P thuộc Lữ đoàn 681 đang triển khai sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: QĐND.

Xe bệ phóng thuộc tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P thuộc Lữ đoàn 681 đang triển khai sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: QĐND.

Khi xảy ra xung đột, rất có thể các trận địa cố định này sẽ là mục tiêu bị đối phương nhắm đến trước tiên nhằm vô hiệu hóa, làm mất sức chiến đấu, tạo điều kiện cho các phương tiện tàu mặt nước của quân nhà có thể đột kích vào những khu vực bị "bỏ trống".

Tất nhiên, để phát huy hiệu quả tối đa của các tổ hợp tên lửa bờ hiện đại như Bastion-P hay Bastion-S, tọa độ mục tiêu có thể được cung cấp bởi vệ tinh, máy bay trinh sát không người lái, có người lái, hoặc máy bay cảnh báo sớm trên không Ka-31.

Nhưng ngay bản thân việc trang bị các tổ hợp tên lửa bờ đã là sự cố gắng rất lớn của Việt Nam, nếu thêm những phương tiện trinh sát hiện đại kể trên dường như bất khả thi.

Thứ hai, việc đặt cố định sẽ không giúp mở rộng tầm bắn bởi nó không thể di chuyển đến các trận địa khác. Với quốc gia có bờ biển dài như Việt Nam (3.260km) thì phải cần rất nhiều hệ thống K-300S để có thể bao quát vùng mặt nước rộng lớn lên đến hàng triệu km2.

Qua 2 lý do trên ta có thể thấy rằng, Bastion-S cố định dường như không phù hợp với nghệ thuật "phòng tránh, đánh trả" của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều đảo lớn, nhỏ xa bờ, trong khi các tàu tên lửa không phải lúc nào cũng túc trực thường xuyên thì việc bố trí tại đây các hệ thống K-300S là một ý tưởng không tồi.

Tại các đảo, nhất là đảo nhỏ, tổ hợp tên lửa đặt trên khung gầm xe tải việt dã không phát huy được khả năng cơ động do diện tích nhỏ, rất dễ bị tổn thương do chúng không thể nào chống đỡ trước các cuộc tập kích đường không bằng vũ khí công nghệ cao.

Trong khi đó, với các bệ phóng ngầm thì khả năng tự bảo vệ cao hơn do nằm sâu trong lớp "áo" bê tông cốt thép vững chắc để có thể tồn tại, đánh trả, tiêu diệt đối phương.

Sử dụng kết hợp cả K-300P ở trong đất liền và K-300S ở ngoài đảo sẽ giúp bao phủ diện tích mặt biển lớn hơn và tầm bắn xa hơn, giúp ngăn chặn các cuộc di chuyển hoặc tấn công của tàu chiến đối phương.

Mặc dù vậy, không ai dám chắc rằng trận địa K-300S bố trí ngoài đảo có thể chịu đựng và tồn tại cho đến lúc có cơ hội phóng đạn khi mà các loại bom, tên lửa của đối phương ngày càng hiện đại và có sức xuyên phá lớn hơn.

Trong điều kiện chi viện của không quân, phòng không từ các hạm tàu và trên các đảo của Việt Nam còn hạn chế, việc bố trí một trận địa cố định với nhiều tên lửa có giá trị lớn, hiện đại trong một diện tích nhỏ, hẹp như các đảo tiền tiêu là rất mạo hiểm.

Vì vậy, với điều kiện ngân sách có hạn và với những nhược điểm kể trên, trong tương lai gần có lẽ Bastion-S chưa phải là thứ vũ khí được Hải quân Việt Nam ưu tiên mua sắm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại