Phi cơ chiến đấu Mỹ đang trở nên lỗi thời?

Anh Tuấn |

Theo nghiên cứu của một trung tâm nghiên cứu quốc phòng hàng đầu của Mỹ sắp được công bố, các loại phi cơ chiến đấu thông thường như chiếc F-22 đang dần trở nên lỗi thời.

Tuần tới, Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA) sẽ công bố một báo cáo nghiên cứu mới có tên là “Chiến đấu Không đối không - Những dự đoán về sự vượt trội của Không quân tương lai”.

Báo cáo này được viết bởi một nhà nghiên cứu của CSBA và đã bị rò rỉ trên trang Breaking Defense vào tuần này, nói rằng những tiến bộ của công nghệ cảm biến, liên lạc và các loại vũ khí định hướng đang bào mòn những lợi thế của phi cơ chiến đấu.

Trong tương lai, các phi cơ chiến đấu của Mỹ sẽ có hình dáng giống máy bay ném bom tàng hình?

“Trong vài thập kỷ qua”, báo cáo viết, “những tiến bộ về công nghệ cảm biến điện tử, công nghệ liên lạc và vũ khí định hướng về cơ bản đã thay đổi bản chất của không chiến”.

Cụ thể, những tiến bộ này đã cho phép “phi công có thể tìm kiếm mục tiêu trong một vùng rộng lớn và đối đầu từ khoảng cách ngày càng xa”.

Do đó, những đặc tính thông thường được coi là thiết yếu đối với không chiến hiện đại như tốc độ và khả năng xoay trở “giờ đây trở nên ít hữu dụng hơn, do máy bay có thể bị phát hiện và tấn công từ cách đó hàng chục km”.

Thay vào đó, báo cáo này cho rằng những đặc tính khác như “cản trở tín hiệu rađa và hồng ngoại, diện tích, tải trọng và khả năng làm mát; tích hợp các loại cảm biến và vũ khí tầm rất xa” sẽ rất quan trọng để chiếm ưu thế trên không trong tương lai.

Điều này có thể trở thành dấu chấm hết cho các loại phi cơ như F-22 bởi, theo báo cáo, việc trang bị máy bay với động cơ tốc độ siêu thanh và khả năng xoay trở cao sẽ buộc nhà sản xuất phải hy sinh những đặc tính tàng hình ở trên.

Do đó, các loại phi cơ có thể áp đảo trên không trong tương lai của Mỹ có thể sẽ trong giống máy bay ném bom tàng hình hơn là F-22.

Theo một số bằng chứng thu được, Không quân Mỹ đã chuẩn bị cho việc này. Một trong những thách thức chính của việc sử dụng máy bay giống như oanh tạc cơ tàng hình cho không chiến là giới hạn đối với tải trọng máy bay.

Tuy nhiên, trang tin Next Big Future (Mỹ) viết rằng: “Vào tháng 11/2013, Viện Nghiên cứu Thí nghiệm của Không quân Mỹ đã đưa ra yêu cầu về một loại vũ khí laser có thể được gắn trên các loại phi cơ thế hệ tiếp theo vào năm 2030”.

Sử dụng laser thay vì các loại tên lửa trong không chiến về lý thuyết sẽ giải quyết vấn đề tải trọng.

Thêm nữa, vào tháng 2, Chỉ huy Chiến dịch Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert nói rằng tầm quan trọng của tốc độ đối với loại Phi cơ Chiến đấu Thế hệ tiếp theo của Hải quân Mỹ F/A-XX sẽ không còn như trước.

“Tôi không nghĩ rằng máy bay sẽ cực kỳ nhanh, bởi anh không thể chạy trốn khỏi một được tên lửa cho dù nhanh đến đâu”, ông Greenert nói.

Ông Greenert cũng nói rằng tầm quan trọng của khả năng tàng hình của máy bay đang giảm dần. “Có thể khả năng tàng hình được đánh giá quá cao.

Nếu một vật di chuyển rất nhanh trong không khí và ảnh hưởng đến các phân tử và giải phóng nhiệt, cho dù động cơ được làm mát đến đâu đi chăng nữa, nó sẽ bị phát hiện”.

Không quân Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ quan điểm này. Chỉ vài ngày sau khi đô đốc Greenert bày tỏ quan điểm trên, Tướng Hawk Carlisle, người đứng đầu Bộ chỉ huy Không chiến, nói rằng khả năng tàng hình sẽ “cực kỳ quan trọng” đối với các phi cơ thế hệ tiếp theo.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại