Pháp phải cân nhắc rời NATO sau khi bị bỏ rơi vụ tàu Mistral

Anh Tú |

Nước Pháp vẫn “đắng lòng” sau khi không giao tàu Mistral đúng thời hạn và chuẩn bị hứng chịu trừng phạt kinh tế lớn lên đến 3 tỉ USD tiền bồi thường cho Nga. Cái giá để trả cho việc làm tròn bổn phận với NATO quá lớn.

Trên đài phát thanh Europe 1, bà Marine Le Pen, lãnh đạo Mặt trận quốc gia - đối thủ chính trị của tổng thống Francoise Hollande nói rằng Pháp cần phải cân nhắc rời NATO sau vụ tàu Mistral.

Theo bà Marine Le Pen, vụ Pháp ký hợp đồng giao tàu Mistral cho Nga diễn ra trước khi có khủng hoảng Ukraine và Paris cần tuân thủ hợp đồng.

Bà thậm chí còn cho rằng, nếu vụ này có xảy ra trong hay sau khủng hoảng Ukraine thì Pháp vẫn nên hoàn thành hợp đồng vì quyền lợi quốc gia cần được đặt lên đầu tiên.

Bà chỉ trích chính quyền của ông Hollande hiện giờ quá yếu đuối khi không thể giữ được chính sách độc lập trong ngoại giao và quá lệ thuộc vào người Mỹ.

“Ông Hollande cho rằng việc hủy giao tàu Mistral cho Nga là vì trách nhiệm và bổn phận với các nước trong khối…

Cá nhân tôi cho rằng Pháp gia nhập OTAN (cách gọi NATO theo tiếng Pháp) là vì lợi ích quốc gia nhưng nếu việc làm thành viên khiến Pháp tổn hại lợi ích thì chúng ta có cần phải ở lại OTAN hay không?”, bà Le Pen đặt câu hỏi.

Bà cũng chỉ trích việc NATO bỏ rơi Pháp tự xoay sở trong vụ bồi hoàn hợp đồng tàu Mistral và cho rằng người dân Pháp phải gánh chịu hậu quả.

Pháp sẽ phải dùng ngân sách để bồi thưởng Nga 3 tỉ USD do chính sách ngoại giao yếu kém của ông Hollande và gánh nặng làm trách nhiệm thành viên NATO.

Trong lịch sử, Pháp cũng đã từng bỏ NATO một lần vào năm 1966 dẫn đến việc trụ sở tổ chức phải chuyển sang Bỉ. Mãi đến 2009, Pháp mới quay lại khối trong sự hoài nghi của người dân Pháp.

Cần nhớ, năm 1966, Pháp bỏ NATO cũng chỉ vì bực mình trước việc Mỹ coi mình như ông chủ của NATO và tự xếp mình cùng Anh ở chiếu trên so với Pháp.

Hồi tháng 6.2011, Pháp ký hợp đồng 1,6 tỉ USD để đóng cho Nga 2 tàu Mistral. Theo hợp đồng, Pháp phải giao tàu cho Nga vào cuối năm nay và năm sau. Nếu không tuân thủ, Pháp phải bồi thường tiền gấp đôi.

Nhưng đến tháng 9, tổng thống Hollande tuyên bố việc giao tàu chỉ được thực hiện nếu Nga thôi can thiệp vào tình hình Ukraine.

Pháp cũng hy vọng được Mỹ và NATO chia sẻ gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người sắp làm Chủ tịch ủy ban quân sự thượng viện Mỹ gợi ý Pháp có thể sử dụng các tàu chiến Mistral sau khi hủy chuyển giao cho Nga và tự thanh toán lấy.

"Nếu các tàu đang được đóng, Pháp có thể sử dụng chúng và tự chi trả lấy”.

Ông McCain cũng phân tích rằng Pháp dùng là thích hợp nhất vì ngoài việc tăng cường năng lực cho hải quân còn mỏng thì Pháp là nước nắm bắt rõ nhất công nghệ của tàu này.

Với cách nói của ông McCain thì có thể hiểu phe Cộng hòa sắp điều hành lưỡng viện Mỹ sẽ “bỏ mặc” Pháp tự xoay xở vụ tàu Mistral.

Còn ý tướng NATO mua tàu giúp Pháp cũng không khả thi vì NATO nói họ không có tiền.

"Ngân sách của NATO là quá nhỏ để mua tàu chở trực thăng Mistral mà Nga đặt hàng. Mà dù có mua thì cũng chỉ bù đắp Pháp một nửa tiền phạt theo quy định của hợp đồng", một nguồn tin quân sự tại Brussels, Bỉ thừa nhận.

Ngoài ra, ý tưởng về việc bảo NATO mua tàu Mistral bị cho là "bất hợp lý từ góc độ quân sự" vì tàu “được đóng theo tiêu chuẩn của Nga, nên khi sử dụng cho NATO thì phải tốn thêm tiền chỉnh sửa lại rất đắt đỏ”, nguồn tin NATO cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại