Pechora-2TM Việt Nam "đánh lừa" tên lửa diệt radar bằng cách nào?

Tuấn Sơn |

Bên cạnh kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn chiến đấu, tổ hợp tên lửa phòng không Pechora-2TM còn có thể nâng cao khả năng sống sót bằng khí tài bảo vệ vô tuyến đồng bộ thế hệ mới.

Từ kinh nghiệm “gạt sơ-rai” trong chiến tranh...

Dòng tên lửa chống radar AGM-45 Shrike mà bộ đội ta hay gọi là Sơ-rai đã được phát triển và trang bị trên máy bay F-105F/G, F-4D để tìm diệt các trận địa tên lửa, tạo những hành lang an toàn cho máy bay Mỹ vào ném bom Miền Bắc.

Với đầu tự dẫn, tên lửa Shrike tự động “nương” theo cánh sóng phát ra từ các đài radar để lao tới diệt mục tiêu. Nếu không kịp thời phát hiện và vô hiệu chúng, rất có thể ta phải chịu tổn thất về người và khí tài.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, bộ đội tên lửa Việt Nam đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và phát hiện điểm yếu quan trọng nhất của tên lửa Shrike lúc bấy giờ là nó không nhớ được tọa độ mục tiêu khi bị “mất sóng”.

Nếu kịp thời ngừng phát sóng hoặc quay ăng ten sang hướng khác thì Shrike chỉ như một quả bom lượn bay theo quán tính và nổ ở cách xa trận địa.

Đây là bài học kinh nghiệm quý giá, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của bộ đội tên lửa Việt Nam khi tìm ra cách khắc chế, vô hiệu Shrike để vẫn điều khiển đạn liên tiếp diệt mục tiêu.

Máy bay F-16 phóng tên lửa AGM-45 Shrike
Máy bay F-16 phóng tên lửa AGM-45 Shrike

Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp nhận một số loại tên lửa phòng không thế hệ mới, các tổ hợp Pechora-2TM vẫn đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không.

Đây là loại tên lửa phòng không qua nâng cấp mặc dù có nhiều tính năng ưu việt như triển khai thu hồi nhanh, kháng nhiễu tốt, xác suất và cự ly diệt mục tiêu tăng lên đáng kể, nhưng khả năng chống tên lửa diệt radar còn hạn chế.

Trong khi đó, trên thế giới đã xuất hiện nhiều loại tên lửa thế hệ mới như các đạn chống radar chỉ được dẫn thụ động theo cánh sóng khi đài phát đang phát, âm thầm lao đến diệt mục tiêu.

Bên cạnh đó, hầu hết tên lửa chống radar ngày nay đã có khả năng nhớ vị trí đài phát nhờ dẫn quán tính hoặc dẫn bằng vệ tinh. Do vậy kể cả khi đài phát đã ngừng phát sóng vẫn có thể bị đánh trúng.

Những kinh nghiệm chống Shrike từ thời chiến tranh tuy vẫn còn giá trị tham khảo nhất định nhưng không thể giúp khắc chế hữu hiệu các loại tên lửa diệt radar thế hệ mới.

Để tăng khả năng sống còn, Tetraedr đã chào gói nâng cấp Pechora-2TM kèm xe đài bảo vệ vô tuyến kỹ thuật SRTZ-2TM, chuyên dùng để bảo vệ xe ăng ten UNV-2TM của đài điều khiển tên lửa SNR-125-2TM trước các loại tên lửa chống bức xạ điện từ của đối phương.

… đến đánh lừa địch bằng khí tài hiện đại

Xe đài bảo vệ SRTZ-2TM hoạt động đồng bộ với chế độ làm việc của đài điều khiển tên lửa SNR-125-2TM, để tạo nguồn phát và cánh sóng giả nhằm thu hút các loại tên lửa chống radar của đối phương ra khỏi khu vực công tác an toàn của tổ hợp đài điều khiển SNR-125-2TM.

Xe SRTZ-2TM giúp tổ hợp đài điều khiển SNR-125-2TM đối phó hữu hiệu trước sự đe dọa từ cả đạn chống radar dẫn thụ động theo cánh sóng khi đài đang phát, lẫn đạn có khả năng nhớ vị trí nhờ dẫn quán tính hoặc dẫn vệ tinh khi đài phát đã ngừng phát sóng.

Xe đài bảo vệ vô tuyến kỹ thuật SRTZ-2TM
Xe đài bảo vệ vô tuyến kỹ thuật SRTZ-2TM

Xe đài bảo vệ SRTZ-2TM gồm một thùng công tác với các tổ hợp trang thiết bị kỹ thuật và máy phát tự cấp nguồn được bố trí trên khung gầm xe MAZ-6317 như sau:

- Khối ăng ten thu lắp trong chụp nhựa bảo vệ gắn phía ngoài thùng công tác.

- Khối tiếp nhận, phân tích và điều chế tín hiệu nguồn phát giả đồng bộ với tín hiệu nguồn phát của đài điều khiển.

- Khối trải tần tự động.

- Khối ống dẫn sóng giữa các khối điều chế, khuếch đại và ăng ten nguồn phát giả.

- Khối cấp khí nén cho bộ ống dẫn sóng.

- Khối hiển thị vị trí tương đối giữa nguồn phát sóng giả và đài điều khiển.

- Khối sao chép dữ liệu công tác phục vụ kiểm tra, đánh giá và huấn luyện vận hành nguồn phát giả.

- Bộ ăng ten phát tạo cánh sóng giả nguồn phát đài điều khiển với phương vị 360o và góc tà 15o - 80o, gồm 1 khối ăng ten gắn trên nóc thùng công tác và 1 khối ăng ten gắn trên đầu cần ăng ten có chiều dài 5 m, được kéo theo phương ngang từ thùng công tác.

- Khối tích hợp khí tài phòng vệ bằng mồi nhiệt, đạn khói và đạn tạo nhiễu vô tuyến chống tên lửa chống radar có tích hợp đầu tự dẫn ảnh nhiệt hoặc tự dẫn radar.

- Khối máy phát tự cấp nguồn công suất 20 kW.

Xe bảo vệ vô tuyến kỹ thuật SRTZ-2TM là "thần hộ mệnh" đáng tin cậy của đài điều khiển SNR-125-2TM

Xác suất bảo vệ tổ hợp đài điều khiển SNR-125-2TM của xe SRTZ-2TM trước đạn chống radar AGM-88 HARM là 95% khi bị tấn công bằng 1 đạn, 93% khi bị tấn công đồng thời bằng 2 đạn và 90% khi bị tấn công đồng thời bằng 4 đạn.

Xác suất tự bảo vệ của xe SRTZ-2TM khi tạo nguồn phát giả trong cùng tình huống chiến đấu vừa nêu là 93%, 92% và 90%.

Nếu được trang bị xe SRTZ-2TM, khả năng sống sót của tổ hợp tên lửa phòng không Pechora-2TM sẽ tăng lên đáng kể, giúp bộ đội tên lửa Việt Nam thực hiện tốt chiến thuật “phòng tránh, đánh trả” và diệt mục tiêu trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại