Những xe tăng thiết giáp "5 cha 3 mẹ": Chuyện chỉ có ở Việt Nam!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Không mấy ai biết trận đánh mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ lại được thực hiện bởi một đại đội tăng thiết giáp với những chiến xa “5 cha, 3 mẹ” tăng cường cho Trung đoàn BB 271.

LTS: Nhằm ôn lại những truyền thống hào hùng của Bộ đội Tăng Thiết giáp, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyến bài những trận đánh và những thành tích ấn tượng của lực lượng này trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Kỳ 1: Chiến đấu như đặc công, lính tăng Việt Nam lập kỳ tích

Kỳ 2: Chỉ có ở VN: Trung đoàn xe tăng lột xác thành bộ binh cơ giới

Kỳ 3: Mỹ dùng chiến thuật "trâu rừng" tại VN - Gậy ông lại đập lưng ông

Kỳ 4: Trận đấu tăng "1 chọi 10": Kỳ tích của Bộ đội xe tăng Việt Nam

 

KỲ 5: NHỮNG CHIẾN XA "5 CHA 3 MẸ": CHUYỆN CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM

Chiến dịch Nguyễn Huệ là chiến dịch do Quân Giải phóng Miền Nam tiến hành năm 1972 tại miền Đông Nam Bộ. Chiến dịch được mở đầu bằng trận tiến công Xa Mát ngày 01.4.1972.

Xa Mát là một cứ điểm của quân VNCH trên đường 22 cách biên giới Việt Nam - Căm pu chia chưa đầy 2 km. Tại đây địch bố trí một tiểu đoàn thiếu, có công sự phòng ngự kiên cố.

 
ĐẠI TÁ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập,...

Chỉ cách Thiện Ngôn khoảng 5km nên Xa Mát trở thành cứ điểm án ngữ sự xâm nhập của lực lượng chủ lực ta đối với Chi khu Thiện Ngôn và cả hệ thống phòng ngự dọc đường 22 bảo vệ tỉnh lỵ Tây Ninh.

Đây là hướng nghi binh của chiến dịch nên trận tiến công Xa Mát được BCH chiến dịch quyết định cho nổ súng đầu tiên nhằm đánh lạc hướng quân địch. Lực lượng tiến công Xa Mát là Trung đoàn BB 271 được tăng cường Đại đội TTG 33.

Lai lịch những chiến xa của Đại đội 33

Đại đội TTG 33 của Đoàn Đặc công cơ giới Miền được thành lập ngày 03.3.1971, có nhiệm vụ thu hồi xe chiến lợi phẩm của địch để đánh địch. Sau 1 năm thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đã thu được 7 xe TTG địch đưa về khôi phục.

Tuy nhiên, trong 7 xe đã thu hồi chỉ có 4 chiếc có thể nổ máy được. Mặc dù vậy, 4 chiếc này cũng thuộc 4 chủng loại khác nhau và không chiếc nào hoàn chỉnh cả bởi khi địch đã bỏ xe lại chạy chúng thường phá hủy các loại vũ khí, khí tài trên xe.

Hiện đại nhất trong 4 xe này là chiếc xe M41-1A số hiệu 026M do Mỹ chế tạo thu được trong chiến dịch “Toàn thắng 1-71”. Tuy nhiên, kính ngắm của xe này đã bị phá hủy nên muốn bắn pháo phải ngắm qua nòng hoặc kính mặt bằng.

Thứ hai là chiếc M24 cũng do Mỹ chế tạo (đã viện trợ cho Pháp sử dụng tại Điện Biên Phủ) nhưng pháo không có kim hỏa nên vũ khí chính là khẩu đại liên M50 trên tháp pháo và đại liên M30 song song bên pháo.

Về động cơ xe này cũng có vấn đề nên chỉ chạy được chừng 30 phút là “ì” ra, phải dừng xe tắt máy chờ động cơ nguội mới tiếp tục chạy được.

Thứ ba là chiếc M51 do Pháp chế tạo (tên cúng cơm của loại xe này là AMX13-75). Chiếc xe này pháo không có khóa nòng nên chỉ sử dụng được khẩu đại liên 7,62 mm mà thôi.

Thứ tư là chiếc xe bọc thép bánh lốp AM8 nhưng bộ lốp của nó rất yếu. Ba chiếc xe đời cũ này thu được trong trận chống càn “Chen La 2” đầu năm 1971.

Còn một vấn đề nữa là các phương tiện liên lạc trên 4 chiếc xe này đều đã bị phá hủy hoàn toàn không sử dụng được nữa, kể cả liên lạc nội bộ. Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 33 không chùn bước, quyết tâm tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ trên giao.


Xe M-24 do Mỹ chế tạo. Ảnh minh họa.

Xe M-24 do Mỹ chế tạo. Ảnh minh họa.

Cái khó không bó được cái khôn

Khó khăn đầu tiên mà Đại đội TTG 33 phải khắc phục là tổ chức cơ động từ căn cứ Tà Pao đến vị trí tập kết chiến đấu ở Phum Chi Mun trên đoạn đường dã chiến hơn 100 km trong điều kiện phải giữ bí mật cao độ trong khi tình trạng kỹ thuật của xe máy rất tồi tệ.

Các xe thường xuyên phải cứu kéo lẫn nhau để vượt qua những địa hình phức tạp, lại phải vừa đi vừa đợi nhau, vừa xóa vết xích nên tốc độ rất chậm. Ngoài ra, việc tiếp tế nhiên liệu cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Giữa chiến trường không có phương tiện chuyên dùng, các chiến sĩ vận tải phải dùng xe bò chở xăng dầu trong các can nhựa bố trí sẵn ở một số điểm trên đường cơ động, khi xe đến chỉ dừng ít phút là bổ sung kịp thời.

Với quyết tâm khắc phục khó khăn rất cao, cán bộ chiến sĩ Đại đội TTG 33 đã đưa được 3 xe đến vị trí quy định chỉ cách địch có hơn 3 km mà chúng vẫn không phát hiện ra. Riêng chiếc thiết giáp bánh lốp AM8 phải bỏ lại dọc đường vì toàn bộ lốp bị hỏng.

Để khắc phục tình trạng không có phương tiện thông tin liên lạc nội bộ các kíp xe áp dụng những ký tín hiệu đơn giản như: thúc vào lưng là cho xe tiến, vỗ lên đỉnh đầu thì dừng lại, kéo vai bên nào thì chuyển hướng (hoặc quay pháo) về bên đó...


Xe M51 do Pháp chế tạo (tên cúng cơm là AMX13-75)

Xe M51 do Pháp chế tạo (tên cúng cơm là AMX13-75)

Còn liên lạc giữa các xe với nhau và giữa xe tăng với bộ binh thì chủ yếu là hiệp đồng chặt chẽ đến từng chi tiết trên bàn cát, trong trận đánh thì quan sát hành động của bạn để ra quyết định cho phù hợp.

Riêng trong đại đội thì xe M41 sẽ xung phong đầu tiên, các xe khác quan sát xe M41 để hành động.

Đối phó với tình trạng vũ khí không đồng bộ và thiếu khí tài, cán bộ chiến sĩ trong từng kíp xe xác định: có trong tay vũ khí nào cũng phải phát huy tính năng của chúng một cách tối đa.

Xe M41 không có kính ngắm thì khi ở xa sẽ ngắm qua nòng để bắn, khi đã đến gần mục tiêu chỉ cần ngắm “áng chừng” qua kính mặt bằng cũng sẽ đảm bảo tương đối chính xác.

Các xe khác có súng gì dùng súng nấy song tất cả các xe khi xung phong đều phải rồ ga thật to để áp đảo tinh thần binh sĩ địch.

4 giờ sáng ngày 01.4.1972, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công.


Xe bọc thép bánh lốp AM8. Ảnh minh họa.

Xe bọc thép bánh lốp AM8. Ảnh minh họa.

Theo đúng hiệp đồng, sau khi pháo binh chuyển làn 3 xe tăng của Đại đội 33 dũng mãnh dẫn dắt bộ binh xung phong. Các xe vừa phát huy mọi loại vũ khí trên xe bắn vào cứ điểm địch vừa rồ ga thật to theo như kế hoạch.

Đặc biệt, khi đã xung phong qua cửa mở, khoảng cách đến các lô cốt, công sự bắn... của địch chỉ còn rất nhỏ- chừng vài chục mét- khẩu pháo của chiếc M41 bắn rất chính xác, cứ nổ súng là lô cốt địch tung lên.

Các xe khác vừa bắn súng máy, vừa dùng xích sắt chèn lên công sự, vũ khí của địch.

Thấy xe tăng ta bất ngờ xuất hiện, lính địch hết sức hoảng loạn, tinh thần quân địch nhanh chóng suy sụp. Trên đài VTĐ ở Sở chỉ huy nghe rõ tên chỉ huy cứ điểm Xa Mát báo cáo: “Việt Cộng có xe tăng. Xin chỉ thị thượng cấp!”.

Tên chỉ huy chi khu Thiện Ngôn trả lời: “Nếu VC có xe tăng thì được thực hiện phương án hai (rút lui). Còn không phải như vậy thì mai mời ông ra Tòa án binh!”. Ngay lập tức, bọn địch trong cứ điểm lục tục bỏ chạy, quân ta nhanh chóng làm chủ trận địa.

Vậy là những chiến xa “năm cha, ba mẹ” đã góp công lớn vào trận đánh mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ. Và có lẽ chuyện này chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại