Có thể bạn đã từng nghe đến những thí nghiệm quân sự kinh thiên động địa như nổ hạt nhân, phóng tên lửa hay mô phỏng chiến tranh giữa các vì sao.
Nhưng có lẽ hiếm khi nào bạn lại nghĩ rằng các nhà khoa học vĩ đại của chúng ta đã từng nuôi ý tưởng sử dụng mèo làm gián điệp hay lấy tên lửa đẩy bánh xe thuốc nổ để tạo cửa mở trong một trận tấn công vào trận địa phòng ngự của địch. Thế mà những dự án như vậy đã từng được tiến hành và chúng ngốn không ít tiền của.
1. Dùng mèo làm gián điệp
Ai cũng biết mèo là loài vật nhanh nhẹn, nhỏ bé, có thể luồn lách khắp mọi nơi. Đặc biệt, nếu ở cơ quan bạn đột nhiên xuất hiện một con mèo chắc chắn bạn chẳng mảy may nghi ngờ, cho rằng đó chỉ là một con mèo hoang lạc vào. Và thế là ngay từ những năm 1960, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã nẩy ra ý tưởng dùng mèo làm gián điệp.
Thực chất, mèo chỉ là vật để các nhà khoa học “tài ba” của CIA thí nghiệm cấy lên cơ thể chúng những thiết bị điện tử như micrô thu âm, ăngten phát sóng, sau đó bí mật thả vào các mục tiêu quan trọng của đối phương (khi đó là Liên Xô) để tiến hành nghe trộm.
Hàng trăm nghìn đô la đã được bỏ ra để biến ý tưởng trên thành hiện thực. Nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ bó hẹp trong phạm vi phòng thí nghiệm bởi rất lâu sau khi bị phẫu thuật để cấy thiết bị, gián điệp mèo mới bình phục và quan trọng hơn là tuyệt đại đa số những con mèo được thí nghiệm không có khả năng chung sống hoà bình với những con bọ điện tử được cấy vào người chúng.
2. Bom thối
Giữa đám đông, chợt ai đó ủm thối. Lặng lẽ chuồn ra chỗ khác có lẽ là cách bạn thường làm để khỏi chịu trận. Nếu chế tạo được một loại bom, sau khi kích nổ phát ra thứ mùi khó chịu còn hơn mùi chuột chết hay mùi nước cống, khiến người ta nôn mửa thì thật tuyệt vời. Muốn biểu tình hay tụ tập làm loạn ư? Cứ việc. Chỉ cần ùm một tiếng, không ai chết, nhưng cũng chẳng còn ai dám ở lại sống chung với mùi xú uế nữa.
Thật hiệu quả! Bắt nguồn từ ý tưởng đó, nhiều nhà khoa học Mỹ đã và đang bắt tay vào nghiên cứu chế tạo bom thối. Tuy nhiên, điều vướng mắc là hầu hết công thức tạo ra các loại mùi, kể cả những mùi hôi thối đều đã được đăng ký bản quyền.
Một vấn đề nữa là khi sử dụng bom thối không chỉ đối tượng bị tấn công chịu trận mà ngay cả những người ném bom thối cũng không thể chịu đựng được thứ mùi kinh khủng đó và hơn nữa nó còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
3. Bánh xe mở cửa
Ai cũng biết đột phá trận địa phòng ngự của đối phương là việc vô cùng khó, nhất là khi gặp phải công sự kiên cố. Nếu vẫn đánh theo cách cũ là sử dụng thê đội 1 làm nhiệm vụ mở cửa chắc chắn sẽ phải chịu tổn thất lớn vì hỏa lực của đối phương lúc nào cũng tập trung vào hướng cửa mở.
Tuy nhiên, không mở cửa thì không thể phát triển chiến đấu vào trong trận địa phòng ngự của địch được. Đứng trước thực tế khách quan đó, trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, người Anh từng nghĩ ra cách đối phó riêng của mình.
Một chiếc bánh xe gỗ cực lớn có gắn thuốc nổ được chế tạo riêng để làm nhiệm vụ đột phá khẩu. Trên mỗi vành bánh xe, người ta lắp vào đó một quả tên lửa để khi được kích hoạt sẽ tạo ra động lực đẩy bánh xe lao về phía trước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực nghiệm, hai quả tên lửa đóng vai trò động cơ đẩy thường sớm “chia tay” với bánh xe, phá vỡ toàn bộ kết cấu, làm bánh xe như một kẻ say rượu lảo đảo, nghiêng ngả, sau cùng đổ ụp và bị nổ thành trăm ngàn mảnh nhỏ. Mục tiêu không những không bị phá, bánh xe mở cửa thậm chí còn suýt gây ra cảnh “gậy ông lại đập lưng ông”. Kết cục của thí nghiệm này không cần nói chắc bạn đã rõ.
4. Bom dơi
Năm 1940, một bác sỹ nha khoa người Mỹ nảy ra ý tưởng: nếu biết lợi dụng một loài động vật có khả năng chịu tải trọng lớn, hoạt động vào ban đêm, biến chúng thành những quả bom di động thì vừa đơn giản lại có hiệu quả lớn.
Qua quan sát, các nhà khoa học quân sự Mỹ thấy rằng dơi là một loài vật đáp ứng được yêu cầu trên và đặc biệt có đặc tính bay đi kiếm mồi ban đêm, tới sáng thường chui vào công trình kiến trúc ngủ. Ngay sau đó, dự án nghiên cứu chế tạo bom dơi được giới chức Mỹ chuẩn y bởi nó có thể nhanh chóng giúp quân đội nước này nắm trong tay một đội quân cảm tử đông đảo mà không phải lo giải quyết bất cứ chế độ nào liên quan.
Dơi sau khi được gắn thuốc nổ sẽ trở thành một chiến binh cảm tử, được đưa lên máy bay ném bom B-29 lên đường thực thi nhiệm vụ. Bay đến vùng trời phía trên mục tiêu định tấn công, những quả bom dơi được thả xuống. Hàng trăm ngàn chiến binh dơi bay rợp không trung, tới sáng chui vào trú ngụ trong những công trình kiến trúc của địch. Mìn hẹn giờ phát hỏa, chiến binh dơi hoàn thành nhiệm vụ một cách oanh liệt.
Theo tính toán, một chiếc máy bay ném bom B-29 lúc nhiều nhất chở được 200 nghìn con dơi. Các số liệu thí nghiệm ban đầu cho thấy bom dơi có ưu thế hơn các loại bom thông thường. Tuy nhiên, do việc nghiên cứu chế tạo bom dơi tiến triển quá chậm và khi đó Mỹ đang tập trung cho kế hoạch Manhattan, nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, nên cuối cùng dự án bom dơi đã bị dừng lại. Nhân loại tránh được thảm họa khủng khiếp bởi chẳng ai dám chắc rằng các chiến binh dơi chỉ chui vào trú ngụ ở những công trình kiến trúc trong trận địa của địch.
5. Dùng chim bồ câu dẫn đường cho tên lửa
Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, điều làm quân đồng minh đau khổ nhất là không thể điều khiển tên lửa đánh trúng được mục tiêu vì hệ thống dẫn đường thường xuyên bị gây nhiễu.
Nhằm giải quyết vấn đề này, quân đồng minh đã phải nát óc nghĩ ra một phương thức dẫn đường mới, thoát khỏi mọi thủ đoạn gây nhiễu của đối phương. Đó là dùng chim bồ câu dẫn đường cho tên lửa. Thực chất là dùng bồ câu xác định tuyến đường bay cho tên lửa từ trận địa tới mục tiêu.
Ý tưởng này do nhà tâm lý học người Mỹ B. F. Skinner khởi xướng. Nhưng cuối cùng nó đã bị vứt vào sọt rác bởi việc huấn luyện bồ câu mất quá nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, không ai dám đảm bảo 100% rằng trên hành trình xác định tuyến đường bay cho tên lửa từ trận địa tới mục tiêu, con bồ câu ấy sẽ không tạt ngang tạt ngửa và có thật là chặng dừng chân cuối cùng của nó là mục tiêu.
Nếu trường hợp đó xảy ra, hậu quả thật khó lường. Cuối cùng, bồ câu đã không thể trở thành kẻ dẫn đường cho chiến tranh, mà vẫn là sứ giả của hòa bình và thực hiện nhiệm vụ cao cả nhất là đưa thư.
(Còn tiếp)