Những người phụ nữ đặc biệt đằng sau đặc nhiệm "Mũ nồi xanh" Mỹ

Nhật Huy |

(Soha.vn) - CST là một đơn vị đặc biệt của quân đội Mỹ với toàn bộ thành viên là nữ giới, có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động của các lực lượng biệt kích và đặc nhiệm Mũ nồi xanh.

CST, viết tắt của Cultural Support Team (đội hỗ trợ văn hóa địa phương), được thành lập năm 2010.

CST được giao 2 loại nhiệm vụ chính: Thứ nhất là hỗ trợ biệt kích. Lực lượng biệt kích thường tổ chức những cuộc đột kích bất ngờ để bắt giữ những chỉ huy của Taliban hay để thu thập tin tình báo. CST cùng tham gia cuộc tấn công và sau đó giúp lục soát, thẩm vấn phụ nữ, trẻ em trong khu vực đó.

Nhiệm vụ thứ hai là hành quân cùng các đội đặc nhiệm Mũ nồi xanh, thực hiện các hoạt động thu thập tin tức tình báo, dân vận… Đặc nhiệm Mũ nồi xanh chủ yếu hoạt động theo nhóm 12 người, gọi là A Team, thâm nhập sâu bên trong lãnh thổ đối phương. Tại Afghanistan, Mũ nồi xanh thường có mặt tại những khu vực dân cư hẻo lánh, truy tìm dấu vết của phiến quân Taliban. Họ cũng bắt liên lạc với những ngôi làng trong khu vực, thuyết phục họ không hợp tác với Taliban và đôi lúc A Team cần phải tiếp xúc với phụ nữ địa phương. Như tại một quốc gia Hồi giáo như Afghanistan, việc phụ nữ tiếp xúc với nam giới lạ mặt là điều cấm kỵ, do đó họ cần có đồng đội nữ theo cùng.

Đội biệt phái CST đi cùng A Team thường có quy mô từ 3 đến 6 người. Bản chất nhiệm vụ của A Team là hoạt động độc lập trong thời gian dài với rất ít sự hỗ trợ về hậu cần, do đó đội CST đi theo cũng phải đạt yêu cầu cao về thể lực, khả năng thích nghi, và có thể chiến đấu để tự bảo vệ mình khi cần.

 	CST tại Afghanistan

CST tại Afghanistan

Những ứng viên muốn gia nhập CST đều là những nữ quân nhân đang phục vụ tại các đơn vị khác, như trường hợp của thượng sĩ Rachel Fischer. Cô được biết về đơn vị này từ một người bạn vào đầu năm 2012, khi đang công tác tại tiểu đoàn Dân vận số 448.

Tháng 11/2012, sau khi lấy bằng thạc sĩ ngành lịch sử xung đột của Đại học Glasgow, Scotland, cô qua trở về Mỹ và ứng tuyển vào CST. Để chuẩn bị cho các yêu cầu thể lực và kiến thức của đợt tuyển chọn, Fischer dành 2 giờ mỗi ngày tại phòng tập, và tham gia các khoá học trực tuyến của quân đội. Đợt tuyển chọn này có nội dung gần giống đợt áp dụng cho các ứng viên của đặc nhiệm Mũ nồi xanh, nhưng kéo dài 10 ngày thay vì 24 ngày.

Ứng viên CST tham gia đợt tuyển chọn đầu vào
Ứng viên CST tham gia đợt tuyển chọn đầu vào

Trong số 85 ứng viên ban đầu tham gia đợt tuyển chọn, Fischer cùng 36 người khác vượt qua các bài kiểm tra và được đưa vào khoá huấn luyện chính thức, kéo dài 5 tuần. Phần đầu tiên của khoá huấn luyện diễn ra trong các phòng học, nên họ được dạy cách tiếp xúc và làm quen với người dân bản xứ, hiểu biết về cách ứng xử và văn hoá Hồi giáo và Afghanistan. Họ còn được đào tạo về cách phối hợp với thông dịch viên bản xứ, cách thẩm vấn, và xử lý tình huống.

Fischer trong một bài tập tình huống với thông dịch viên địa phương
Fischer trong một bài tập tình huống với thông dịch viên địa phương

Trong phần tiếp theo, Fischer và đồng đội được luyện tập kỹ năng sử dụng vũ khí, với súng trường M4 và súng ngắn M9, kỹ thuật sơ cứu, cách khám xét người và lục soát trong nhà. Họ cũng học cách sống sót, định hướng trong tự nhiên, đu dây từ trực thăng…Trong phần cuối của khoá huấn luyện là bài diễn tập tổng hợp.

Sau khi hoàn thành khoá huấn luyện, những nữ quân nhân này sẽ được chọn cho 1 trong 2 loại nhiệm vụ: hỗ trợ lính biệt kích hoặc hỗ trợ Mũ nồi xanh. Riêng Fischer được chọn cho loại nhiệm vụ thứ 2. Do đó cô sẽ tham gia 1 khoá huấn luyện nữa, học cách phối hợp tác chiến cùng với đơn vị mũ nồi xanh, trước khi được triển khai tại Afghanistan.

Đối với phụ nữ, công tác tại một nơi mà sự phân biệt giới tính vẫn rất nặng nề như Afghanistan có thể đem đến những mối nguy hiểm không ngờ tới. Ngày 4/11/2008, Paula Loyd , một nhà xã hội học được quân đội Mỹ thuê, có một chuyến tuần tra với một đơn vị quân đội gần làng Chehel Ghazni, Afghanistan.

Paula, khi đó không mang vũ khí, tới bắt chuyện với một người địa phương đang mang theo một bình xăng. Khi họ đang tán gẫu về chuyện giá xăng dầu thì bất ngờ người này tưới xăng lên Paula và bật lửa. Đồng đội cố gắng dập lửa bằng cát và kéo cô vào một rãnh nước nông gần đó.

Toàn bộ quần áo của Paula bị cháy rụi, chỉ còn lại nón và áo giáp. Paula Loyd bị bỏng độ 2 và 3 trên 60% diện tích cơ thể. Đến ngày 7/1/2009, cô qua đời. Một đồng đội của cô là Don Ayla bị xử 5 năm tù treo vì đã bắn chết thủ phạm sau đó. Trong xã hội như của Afghanistan, việc một phụ nữ tỏ vẻ ngang bằng với nam giới có thể bị xem là trọng tội và Taliban cũng đã từng nhiều thiêu sống những phụ nữ vì tội bất phục tùng.

Don Ayala và Paula Loyd

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại