Hãng tin Interfax đưa tin, nhà thiết kế Rostislav Belyakov, “cha đẻ” của một số máy bay chiến đấu phản lực huyền thoại mang thương hiệu MiG đã qua đời ở tuổi 94. Belyakov gia nhập đội ngũ thiết kế của MiG từ năm 1941, với tài năng thiên bẩm, ông đã nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình để thăng tiến trở thành Phó giám đốc thiết kế của MiG vào năm 1957.
Đến năm 1969, Rostislav Belyakov được bổ nhiệm làm Giám đốc thiết kế của MiG. Dưới sự dẫn dắt của ông, một dòng máy bay chiến đấu mới mang thương hiệu MiG đã ra đời, trong đó có những thương hiệu không đối thủ cho đến tận hôm nay.
Cùng điểm lại những chiến đấu cơ huyền thoại gắn liền với tên tuổi Rostislav Belyakov:
1. MiG-23
Sản phẩm máy bay chiến đấu đầu tay dưới sự dẫn dắt của nhà thiết kế Rostislav Belyakov là chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-23. Đây là một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3, nó được thiết kế kiểu “cánh cụp-cánh xòe”.
MiG-23 là một sản phẩm đã tạo ra nhiều sự đột phá cả trong hệ thống điện tử lẫn vũ khí. Đây là chiếc tiêm kích đầu tiên của Liên Xô được trang bị radar “lock down/shoot down” (khóa xuống và bắn hạ, tức là một kiểu radar có khả năng khóa mục tiêu và dẫn đường cho vũ khí tấn công các mục tiêu trên mặt đất dọc theo giới hạn đường chân trời).
MiG-23 cũng là chiến đấu cơ đầu tiên của Liên Xô được trang bị tên lửa có khả năng tấn công “ngoài tầm nhìn”. Nhờ thiết kế cánh cụp-cánh xòe, MiG-23 có thể đạt tốc độ tối đa tới 2.445km/h ở độ cao lớn, 1.350km/h ở độ cao thấp.
Tại thời điểm xuất hiện, MiG-23 trở thành đối thủ đáng gờm mà những chiếc F-4 nặng nề phải kiêng nể. Thiết kế cánh cụp-cánh xòe còn giúp MiG-23 trở thành một máy bay tấn công mặt đất rất tốt trong khi vẫn giữ được khả năng không chiến ưu việt. Hiện nay, MiG-23 vẫn còn được sử dụng trong không quân một số nước trên thế giới.
2. MiG-25
Sản phẩm đình đám tiếp theo dưới sự dẫn dắt của nhà thiết kế Belyakov là chiếc tiêm kích đánh chặn/trinh sát MiG-25 Foxbat. Đây là một tiêm kích đánh chặn/trinh sát tốc độ cao, đến nay cùng với hậu duệ của nó là MiG-31 vẫn đang nắm giữ kỷ lục nhanh nhất thế giới hiện nay.
MiG-25 được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ đánh chặn/trinh sát với tốc độ tối đa lên đến Mach-3.2 (3.470km/h). Sự ra đời của chiếc MiG-25 vào năm 1970 đã khiến những chiếc tiêm kích của phương Tây phải “hít khói” khi đua tốc độ với nó.
Những chiếc MiG-25 được Liên Xô điều đến Ai Cập có thể lượn lờ trên không phận Israel mà những chiếc F-4 chỉ biết đứng nhìn. Israel đã hoàn toàn bất lực với những chiếc MiG-25 cho đến khi họ được Mỹ bán cho chiếc tiêm kích hiện đại F-15.
3. MiG-29
Một sản phẩm máy bay chiến đấu huyền thoại khác mang dấu ấn nhà thiết kế Belyakov là chiếc tiêm kích thế hệ 4 MiG-29. Đây là một phản ứng trực tiếp của Liên Xô đối với chương trình F-15 và F-16 của Mỹ.
MiG-29 là một tiêm kích được thiết kế với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, bảo vệ không phận. MiG-29 được thiết kế với hình dáng khí động học được tối ưu hóa để phục vụ nhiệm vụ cơ động chiến đấu trong phạm vi hẹp. Mặc dù nó không được trang bị hệ thống điều khiển bằng dây dẫn “fly-by- wire” như Su-27 nhưng nó là một máy bay rất nhanh nhẹn.
Một trong những thiết kế đột phá của MiG-29 là hệ thống hiển thị mục tiêu trên mũ bay của phi công, chỉ cần ngoái đầu nhìn về phía mục tiêu phi công có thể khóa nó và phóng tên lửa. Hệ thống hiển thị này được kết nối với tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 cho phép MiG-29 có thể tung đòn tấn công khiến đối phương không kịp trở tay.
Trong các cuộc tập trận không chiến giả định có sự tham gia của MiG-29, tiêm kích này đều giành phần thắng trước các tiêm kích phương Tây trong các tình huống không chiến trong phạm vi hẹp.
4. MiG-31
Bên cạnh đó, nhà thiết kế Belyakov còn có công lao lớn trong sự ra đời của chiếc tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới MiG-31 Foxhound.
MiG-31 là một hậu duệ trực tiếp của MiG-25 với khung, cánh máy bay mạnh hơn, cho phép bay tốc độ siêu âm ở độ cao thấp. MiG-31 là một sự lột xác của MiG-25 cả về hệ thống điện tử và vũ khí. Nó là chiếc tiêm kích đánh chặn đầu tiên trên thế giới được trang bị radar quét mạng pha điện tử thụ động S-800 với phạm vi tìm kiếm mục tiêu tới 400km.
Vũ khí chủ lực của MiG-31 là 4 tên lửa không đối không tầm siêu xa R-33 với tầm bắn 220km hoặc 6 tên lửa R-37 với tầm bắn lên đến 300km. MiG-31 được mệnh danh là “sát thủ diệt AWACS”. Ngày nay, MiG-31 vẫn là át chủ bài của Nga trong nhiệm vụ đánh chặn các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không của NATO.
Nhà thiết kế Belyakov đã ra đi nhưng những sản phẩm máy bay chiến đấu mang thương hiệu MiG dưới sự chỉ đạo thiết kế của ông vẫn sống mãi không chỉ hôm nay mà còn nhiều thập kỷ sau như những đỉnh cao của công nghiệp hàng không quân sự thế giới.