* Nữ xạ thủ bắn tỉa
Năm 18 tuổi, chị Trần Thị Buổi (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) xung phong tham gia chiến đấu trong lực lượng du kích Vĩnh Linh đánh địch tại cao điểm 31, Khe Sanh, Quảng Trị.
Tiểu đội của chị vượt sông Bến Hải, cơ động theo những đường mòn rừng núi Quảng Trị để tránh địch, vào tập kết cùng Đại đội Lê Hồng Phong (một đơn vị của Vĩnh Linh) đã vào từ trước. Được phân công làm nhiệm vụ nuôi quân, nhưng chị Buổi kiên quyết đề nghị cho ra chiến hào bắn tỉa.
Ngày thứ nhất, ở cách vị trí địch 700m, chị bắn 3 viên đạn tiêu diệt được 2 tên Mỹ. Sang ngày thứ hai, chị dũng cảm tiếp cận cách mục tiêu 300m, bắn 6 viên đạn, diệt gọn 6 tên.
Ngày thứ ba, địch đã cảnh giác hơn nên đơn vị chuyển trận địa về hướng nam, tuy nhiên với kinh nghiệm từ hai ngày trước, chị bắn hết 14 viên đạn, diệt 11 tên Mỹ-ngụy. Trong 3 ngày, với 23 viên đạn và sự mưu trí dũng cảm, chị đã tiêu diệt 19 tên Mỹ-ngụy.
Với chiến công xuất sắc, chị được bầu đi dự Đại hội thi đua Quân khu 4, được công nhận là “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp ưu tú, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì và là thành viên trong Đoàn Thanh niên Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đi dự Đại hội Thanh niên-Sinh viên thế giới lần thứ 9 vào năm 1968, tại thủ đô Xô-phi-a, Bun-ga-ri.
* Lấy súng địch diệt địch
Trong trận đánh vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc (10-4-1975), Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 phải giành giật với địch từng tấc đất.
Chiến sĩ liên lạc Phạm Văn Lái hăng hái đuổi theo địch và lọt quá sâu vào chiến hào của chúng, trong khi đơn vị anh lại được lệnh chuyển hướng tiến công.
Phạm Văn Lái chỉ còn một mình với khẩu AK đã hết đạn. Lái xác định: “Còn một mình cũng đánh, tìm súng địch mà đánh”. Lái vớ được một khẩu AR-15 với băng đạn đầy và hai quả lựu đạn Mỹ.
Từ mấy gốc cao su bên cạnh, 3 tên địch mặc áo rằn ri mò lại. Lái im lặng chờ chúng đến thật gần mới tung lựu đạn. Một tên chết tại chỗ, một tên bị thương, tên kia bỏ chạy. Lái cầm khẩu AR-15 lia một đường đạn, tên lính bị hạ gục ngay tại chỗ.
Qua một ngày chiến đấu đói khát, mệt mỏi nhưng Phạm Văn Lái chưa vội tìm về đơn vị. Đang củng cố vị trí chiến đấu thì anh gặp 3 du kích của ta, các anh hợp lại thành một tổ chiến đấu.
Sáng hôm sau, phát hiện địch tiến thẳng vào trận địa, anh cùng đồng đội dùng súng tiểu liên, súng phun lửa thu được của địch để đánh lại chúng.
Trong lúc truy kích, một mảnh đạn M79 cắm phập vào tay trái anh. Đang tự băng bó vết thương thì lại có gần chục tên địch lò dò tiến tới, anh phân công mục tiêu cho 3 du kích, còn anh dùng quả lựu đạn cuối cùng ném vào giữa đám địch.
Mấy tên địch ngã nhào, nhưng vết thương ở cánh tay Lái phun ra nhiều máu khiến anh ngất đi. Thật may đúng lúc ấy đơn vị đã đến chi viện kịp thời và đưa anh về đơn vị cứu chữa.
* Phá bom từ trường tại bến phà Long Đại
Cuối năm 1967, bến phà Long Đại, tỉnh Quảng Bình đã nhiều ngày xe không qua được vì Mỹ thả bom từ trường quá dày. Đồng chí Phạm Ngưng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 27, Lữ đoàn 414 quyết định dùng ca-nô để kích hoạt bom từ trường phát nổ.
Lễ truy điệu sống cho 4 chiến sĩ Lại Đặng Thiện, Nguyễn Văn Hưng, Hà Huy Tư, Đậu Anh Côi diễn ra trước giờ xuất kích. Trên bầu trời, máy bay Mỹ vẫn thả pháo sáng, giội bom liên tục xuống bến phà.
Sau lời quyết tâm dõng dạc của cả tổ vang lên “Chúng tôi quyết tử cho bến phà sống mãi!”, pháo sáng tắt, lệnh “Xuất kích!” phát ra, bốn cảm tử quân nhanh chóng lao xuống ca-nô, rồ máy chạy về bờ nam như một mũi tên.
Trong giây lát, hàng loạt quả bom từ trường phát nổ, những cột nước cao hơn mái nhà trắng xóa, mịt mờ cả bờ sông. 16 quả bom từ trường đã được phá nổ nhờ chiếc ca-nô do Lại Đặng Thiện làm tổ trưởng chỉ huy cho chạy qua. Đêm đó, phà thông bến, đón xe vượt sông…