Máy bay chiến đấu Nga – Israel có “choảng nhau” ở Syria?

Hải Vy |

Nhà phân tích Michael Peck cho rằng, do tình hình Syria, Nga và Israel đã thiết lập đường dây nóng để tránh xung đột nhưng nguy cơ này vẫn có thể xảy ra.

Nguy cơ xung đột

Theo nhà phân tích Michael Peck trên tạp chí National Interest (Mỹ), do sự can thiệp của Moscow tại Syria, lực lượng quân sự Nga đã tiến sát tới “ngưỡng cửa” của Israel.

Cả 2 phía đã thiết lập đường dây nóng để tránh xung đột nhưng nguy cơ này vẫn có thể xảy ra (dù khá xa vời).

Nếu như vậy, đó sẽ không phải là lần đầu tiên Nga – Israel đối đầu. Trong cuộc Chiến tranh tiêu hao giữa Israel và Ai Cập, các phi công Liên Xô đã tới hỗ trợ lực lượng Ai Cập trong các cuộc không chiến.

Kết quả là, họ đã phải chứng kiến những chiếc MiG “thần thánh” tan xác trên bầu trời.

Song, tình hình lần này có thể sẽ khác.


Nga và Israel vẫn có nguy cơ xảy ra xung đột? (Trong ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu).

Nga và Israel vẫn có nguy cơ xảy ra xung đột? (Trong ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu).

Trên thực tế, khó có thể xảy ra chiến tranh giữa 2 nước do họ không có lý do để gây chiến: Nga và Israel không có mưu đồ về lãnh thổ hay lật đổ chính quyền của đối phương và cả 2 phía đều có vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, nếu Nga – Israel xảy ra chiến tranh thì Mỹ - “người anh lớn” của Israel sẽ không thể ngồi yên.

Xung đột Nga – Israel, nếu nổ ra, có thể loại bỏ khả năng giao tranh giữa lực lượng lục quân và hải quân, do Nga không có lý do gì để đưa quân vào lãnh thổ Israel, hay thậm chí giúp Iran và Hezbollah làm điều này.

Trong khi đó, sau khi có bài học xương máu ở Lebanon và đang phải đối mặt với nguy cơ nổ ra phong trào intifada của người Palestine thì mối bận tâm gần đây nhất của Israel là cuộc nội chiến tại Syria.

Cũng có khả năng Nga bị lôi vào cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah nhưng Hezbollah một mặt đang giao tranh ác liệt với quân nổi dậy Syria, một mặt phải đối phó với các chính trị gia đối lập ở Lebanon nên sẽ “không rảnh” để kích động chiến tranh với Israel.

Với những lập luận trên thì khả năng cao nhất xảy ra đụng độ giữa Nga – Israel là giao tranh trên không.

Giả định tình huống

Có thể giả định một số tình huống dưới đây, dù bất cứ bên nào vô tình hay cố ý gây ra:

- Máy bay Israel xâm phạm không phận Syria, máy bay Nga xuất kích ngăn chặn.

- Máy bay Nga xâm phạm không phận Israel.

- Máy bay Israel tiến hành các cuộc tấn công chống lại việc vận chuyển vũ khí Iran cho Hezbollah qua Syria.

Dù trong tình huống nào thì cuộc đụng độ cũng sẽ chỉ bao gồm một số lượng nhỏ máy bay của 2 phía. Có thể là giữa Su-30, Su-34 của Nga và F-15, F-16 của Israel.


Cuộc đối đầu trên không có thể xảy ra giữa Su-30, Su-34 của Nga và F-15, F-16 của Israel.

Cuộc đối đầu trên không có thể xảy ra giữa Su-30, Su-34 của Nga và F-15, F-16 của Israel.

Để các tình huống giả định phong phú hơn, cần lưu ý rằng Israel dự kiến sẽ tiếp nhận tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35 vào năm 2016.

Với sự dai dẳng của cuộc nội chiến tại Syria, những người luôn thắc mắc về khả năng tác chiến của F-35 trước các loại máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga sẽ tìm được câu trả lời.

Như thường lệ, quốc gia Trung Đông này (Syria) được xem là bãi thử nghiệm vũ khí của thế giới.

Khó có thể dự đoán chiến thắng sẽ thuộc về bên nào, cũng có thể là bất phân thắng bại.

F-15 và F-16 có thời gian tác chiến lâu hơn các loại máy bay mới của Nga nhưng trong nhiều thập kỷ qua, Israel, Mỹ, Nga hay bất cứ quốc gia nào khác đều đã phải đối mặt với thách thức từ phía lực lượng phi công được đào tạo chuyên nghiệp và các mẫu máy bay tinh vi.

Với tình huống này, chúng ta có thể tính tới một số khía cạnh khác trong cuộc xung đột Nga – Israel.

Tác chiến điện tử có thể là chìa khóa phân thắng bại. Nga đã triển khai các thiết bị gây nhiễu tiên tiến tại Syria. Trong khi đó, Israel lại vô cùng thành thạo trong tác chiến mạng.

Nếu 2 phía quyết định sử dụng tới những khả năng này thì bầu trời Syria sẽ trở thành “khắc tinh” của các loại radar, radio và máy tính.

Ngoài ra, Nga và Israel đều có tên lửa không-đối-không. Israel có thể triển khai tên lửa Python 5, được thiết kế để tấn công các mục tiêu bên ngoài tầm nhìn, trong khi đó, Su-30 có thể bắn các loại tên lửa dẫn đường bằng radar và hồng ngoại.

Cả 2 phía cũng đều trang bị hệ thống ngắm bắn trên mũ phi công.

Nga đã điều các tên lửa phòng không tiên tiến đến Syria, một số nguồn tin cho rằng đó là hệ thống phòng không tầm xa S-300 nhưng cũng có thể là các tên lửa tầm ngắn.

Mặc dù S-300 mới có thể đe dọa không phận Israel nhưng Jerusalem vẫn có thể xem việc điều động các tên lửa tầm ngắn của Nga là nhân tố khai mào chiến tranh.

Trong khi đó, dù vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng Israel được xem là quốc gia sáng tạo nhất thế giới về máy bay không người lái và nước này có thể sẽ nghĩ ra nhiều trò tinh quái với phương tiện này.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Michael Peck.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại