Tuy bạn có thể có thực phẩm mang theo, nhưng số lượng của chúng không nhiều, nhỡ khi hết thực phẩm giữa đường mà gặp những loại cây sau thì chúng sẽ giúp người lính hay có thể là chính bạn vượt qua cơn đói.
Những nơi thường có loại rau dại ăn được là ở sườn núi, rừng già, thung lũng nơi đất ẩm dọc hai bên sông, suối.
1. Cây rau sắng (hay còn gọi là cây mì chính, cây rau ngót rừng)
Thuộc loại thân mộc, mọc tự nhiên trên những vách đá, ưa ánh sáng. Lá non rau sắng có mầu xanh thẫm, óng ả, ra hết lớp này đến lớp khác và ra nhiều nhất vào tháng 2-3 âm lịch hằng năm. Lá rau dùng để nấu canh với thịt hoặc cá.
Mùi vị của loại rau này rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đã đủ để có thể nấu bát canh thơm ngon cho 4 người ăn. Điều đặc biệt nữa là rau có sẵn vị ngọt không cần tra mì chính trước khi ăn. Bạn hãy nhớ là nấu cả cọng.
Rau sắng có giá trị dinh dưỡng cao và an toàn (do mọc tự nhiên trong rừng). Ảnh: Biggreen.
Quả sắng hình bầu dục, to như quả nhót, khi chín có mầu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong. Rau sắng ở Việt Nam có rất nhiều ở vùng núi đá vôi, trong đó nổi tiếng nhất là rau sắng Chùa Hương qua bài thơ của thi sĩ Tản Đà:
“Muốn ăn rau sắng Chùa Hương/Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa…”
2. Rau sam
Rau Sam có lá giống hình răng ngựa. Rau Sam là một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành mẫm, nhẵn, màu đỏ nhạt, mọc bò lan trên mặt đất.
Rau sam. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.
Lá hình bầu dục, phần đáy lá hơi nhọn, không cuống, phiến lá dày, mặt láng. Hoa màu vàng. Hạt màu đen. Ở nước ta rau sam thường chỉ mọc hoang. Hiếm khi thấy rau sam được gieo trồng hoặc bày bán làm thức ăn.
Tuy nhiên nhiều gia đình ở nông thôn vẫn dùng rau sam để luộc hoặc nấu canh ăn như những loại rau trồng khác. Rau tươi có thể tìm thấy quanh năm ở những nơi ẩm mát.
3. Rau tàu bay
Thân thảo mập, có rãnh mọc đứng, cao khoảng 0,4 đến 0,5m nhưng cũng có thể tới 1m. Có rễ cái màu trắng hoặc nâu. Lá to, mỏng, hình trứng dài, mép có răng cưa to hoặc có khía, có mùi thơm
Đọt non của cây có thể luộc, nấu canh, hoặc làm nộm trộn với hoa chuối...
Trong thời gian chiến tranh, đặc biệt là trong Kháng chiến chống Mỹ, nó là món ăn thường xuyên của những người lính ở những vùng rừng núi do không có điều kiện để trồng rau xanh thường xuyên để tránh bị lộ nơi đóng quân hoặc những lúc hết lương thực.
4. Rau dớn
Rau dớn thuộc họ quyết, lớn hơn cây dương xỉ cành dài lá nhỏ xoè trên đầu cây như tán một cái ô rộng lớn; có gốc đen màu cơm cháy, từ trên ngọn cây mọc lên hai, ba cái cần, có cái dài tới nửa mét, đầu cong như vòi voi.
Rau dớn.
Rau dớn không có ở đồng bằng, chỉ có ở vùng núi – nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp nơi có độ ẩm ướt cao.
Chỉ việc dùng tay ngắt những ngọn non như cái vòi voi dài khoảng một gang bàn tay là ta đã có sẵn ra để ăn. Rau dớn hơi nhớt, nên trước khi chế biến các món ăn, phải phơi nắng cho heo héo hoặc chần sơ qua nước sôi.
5. Quả sung
Sung ưa thích sống tại các khu vực ẩm ướt, cạnh bờ sông suối, đôi khi trong lòng suối tại các cao độ từ 100 tới 1.700m.
Cây sung cao tới 25-30m, đường kính thân cây tới 60-90cm. Vỏ thân cây màu nâu ánh xám, nhẵn. Các cành nhỏ, phiến lá non và chùm quả với các sợi lông cong xuống hay được che phủ rậm rạp bằng lông tơ mềm màu trắng.
Cây sung. Ảnh: Dân Việt
Các cành nhỏ màu nâu. Các lá kèm hình trứng-mũi mác, dài 1,5-2 cm, có màng và lông tơ.
Quả mọc thành chùm trên các cành nhỏ ngắn trên thân cây già, đôi khi ở nách lá trên các cành non hay trên các cành nhỏ không lá đã già, mọc thành cặp, màu cam ánh đỏ khi chín, hình quả lê, đường kính 2-2,5cm.
Cách sử dụng một số loại rau dại
Ăn lá và cuộng, có thể nấu canh hoặc luộc giống như các loại rau trồng, loại như khoai nước cần đun nấu kỹ thì lúc ăn mới khỏi ngứa, các loại rau có mùi hắc nên luộc bỏ nước. Loại rau quá hắc, nên thái nhỏ, vò kỹ, rửa sạch.
Các loại cây quả ngứa, chát khi nấu nên nấu lẫn với cây, lá, quả chua; khi sôi cho vài hòn than hồng. Có thể ngâm nước tro trước khi nấu. Sau khi luộc thì xào khan.
Nguyên tắc chỉ ăn những loại rau dại đã ăn quen và biết chắc chắn là ăn được, nếu còn nghi ngờ thì không ăn.
Nấm cũng là nguồn thức ăn ngon, việc chọn nấm để ăn phải thận trọng, chỉ hái và ăn những loại nấm mà biết chắc là không độc. Bất kỳ ăn bằng cách nào cũng phải ngâm nước 24 giờ.
Một loại nấm độc.
Tuyệt đối không ăn những loại nấm có đặc điểm sau: Nấm có màu sắc sặc sỡ, tán nấm có các u nốt sần, chân nấm có nhiều nước, nước đục như sữa; sau khi hái, nấm biến màu hoặc tiết ra dịch vị có màu, có mùi hắc, thối, nấm có chất lân tinh phát ánh sáng ban đêm.
Bên cạnh đó, không được dùng các loại nấm khi nếm có vị đắng, chua và cay; những loại có mũ có bao ở gốc, có vòng ở cuống hoặc quá già hay quá to.