Theo thông tin hãng tin Nikkei đăng tải, Lầu Năm Góc đã quyết định chọn Nhật làm trung tâm bảo dưỡng lớn cho F-35 ở châu Á, một khi những các chiến đấu cơ tàng hình tối tân này được đưa vào hoạt động trên khắp thế giới.
Theo đó nguồn tin của tờ báo này khẳng định Bộ quốc phòng Mỹ đã thông báo với Bộ quốc phòng Nhật về quyết định lập một trung tâm bảo dưỡng cho F-35 tại đây, và sẽ sớm công bố kế hoạch này.
Hiện chưa rõ liệu Lầu Năm Góc có tiến hành bảo dưỡng động cơ của F-35, sản phẩm của tập đoàn Lockheed Martin tại Nhật hay không.
Theo tờ báo Nhật, giới chức Mỹ chọn Nhật để làm trung tâm bảo dưỡng bởi các quân nhân Mỹ đang đồn trú tại đây có thể điều hành trung tâm này. Đồng thời ngành công nghệ của Nhật phát triển rất toàn diện.
Nhật Bản cũng đang trong quá trình hoàn tất việc lắp đặt một nhà máy lắp ráp và kiểm tra lớn cho loại chiến đấu cơ này, với mức đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Việc Mỹ chọn Nhật làm trung tâm bảo dưỡng cho F-35 mở ra cơ hội cho phép các hãng chế tạo Nhật Bản được tiếp cận và tham gia vào chương trình phát triển chiến đấu cơ này với Mỹ.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngoài Nhật Bản dự định mua ít nhất 42 chiến đấu cơ F-35, trong đó có 38 máy bay được lắp ráp trên lãnh thổ nước này. Giá trị hợp đồng lên tới 10 tỷ USD.
Hàn Quốc, Australia và Singapore cũng đã có kế hoạch đặt hàng chiến đấu cơ thế hệ thứ năm từ Mỹ.
Bên cạnh đó, đây cũng là một điểm mới sau khi Nhật Bản thay đổi chính sách về xuất nhập khẩu quân sự và tham gia vào các dự án vũ khí quốc tế được Quốc hội nước này thông qua hôm 1/4.
Theo quy định mới, Nhật Bản sẽ không bán vũ khí cho các quốc gia có xung đột hoặc những nước có thể đe dọa hòa bình quốc tế.
“Theo các nguyên tắc mới, chúng tôi sẽ đảm bảo việc chuyển giao các thiết bị quốc phòng diễn ra minh bạch, đóng góp vào hòa bình quốc tế” - ông Yoshihide Suga chánh văn phòng nội các Nhật Bản cho biết.
Hiến pháp Nhật Bản sau Thế chiến II cấm Tokyo gây chiến. Nguyên tắc đó đã dẫn tới việc đưa ra lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.
Những người ủng hộ cho rằng chính sách mới sẽ giúp hỗ trợ các hãng sản xuất vũ khí trong nước và giúp tăng cường an ninh Nhật trong thời điểm khu vực đang nóng bỏng với các tranh chấp chủ quyền liên quan đến Trung Quốc và một CHDCND Triều Tiên khó dự đoán.
Hơn nữa, nếu Nhật sở hữu một dàn chiến đấu cơ F-35 cũng sẽ khiến cho một số nước phải e ngại, đặc biệt là Trung Quốc.
Trước đó, trưởng nhóm nhóm thiết kế J-31, Sun Cong, cho biết chiến đấu cơ của Trung Quốc “vượt trội” F-35 trên một vài khía cạnh nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm chưa vừa ý. Dù vậy, ông Sun cho rằng “về cơ bản, J-31 đã đáp ứng được kỳ vọng của Bắc Kinh”.
Wang Yanan, phó tổng biên tập của tạp chí Aerospace Knowledge, cũng nhận định “cả J-31 và J-20 (phiên bản máy bay tàng hình lớn hơn) không đủ sức vượt qua F-35 của Mỹ trong một khoảng thời gian ngắn”.