Nhật Bản thêm đòn chặn cửa Trung Quốc

Nhật Bản đang “gia cố” các chốt chặn trên lối ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc.

Chốt chặn Okinotori

Bất chấp tín hiệu Trung Quốc và Nhật Bản có nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, trong đó dự kiến sẽ có cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh vào tháng 11/2014, quan hệ Trung - Nhật tiếp tục căng thẳng liên quan tới vấn đề biển đảo.

Ngày 9/9, truyền thông Nhật Bản đưa tin chính phủ Nhật Bản đã ra quyết định kể từ ngày 1/10 tới, nước này sẽ thực hiện pháp lệnh mở rộng thềm lục địa.

Theo đó, thềm lục địa đảo của Okinotori (Trung Quốc gọi là bãi đá ngầm Xung Chi Điểu) sẽ được mở rộng thêm về phía Bắc 3.000 km2. Trong khi đó, thềm lục địa của đảo Okindaito sẽ được mở rộng về phía Nam 174.000 km2.

Cùng với việc mở rộng này, Nhật Bản sẽ thúc đẩy khai thác tài nguyên biển như kim loại, dầu khí...

Vị trí đảo Okinotori của Nhật Bản

Vị trí đảo Okinotori của Nhật Bản

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cùng ngày 9/9 cho biết việc Nhật Bản mở rộng thềm lục địa được tiến hành theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Với việc mở rộng này, Nhật Bản sẽ có thêm quyền chủ quyền để khai thác tài nguyên dưới đáy biển. Ông Suga tuyên bố Nhật Bản sẽ nỗ lực để Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc sớm công nhận thềm lục địa của nước này.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc cáo buộc động thái này của Nhật Bản không những không căn cứ theo quy định của Liên hợp quốc về việc mở rộng thềm lục địa mà còn gây tổn hại đến lợi ích của các nước, trong đó có Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc cũng tố cáo Nhật Bản liên tục bố trí quân đội, trang thiết bị quân sự ở các đảo phía Tây Nam với mục đích nhằm vào Trung Quốc.

Các pháp lệnh có liên quan của Nhật Bản được coi là mở đường cho việc kiềm chế Trung Quốc ở chuỗi đảo thứ hai (vùng biển trong khu vực từ quần đảo Nhật Bản, qua Guam, đến Indonesia).

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phản đối quyết định mở rộng thềm lục địa của Nhật Bản đối với hai hòn đảo trên, đặc biệt là đảo Okinotori.

Các công trình trên đảo Okinotori của Nhật Bản

Các công trình trên đảo Okinotori của Nhật Bản

Năm 2009, Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối việc Nhật Bản lấy đảo Okinotori làm điểm cơ sở để mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý. Lý do mà Trung Quốc đưa ra là đảo Okinotori chỉ là bãi đá ngầm, không phải là nơi cư dân có thể sinh sống, cũng không thể duy trì đời sống kinh tế riêng.

Do đó, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, đảo Okinotori không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Đảo Okinotori có diện tích gần 6 km2, là hòn đảo ở cực nam của Nhật Bản. Đảo được coi là có vị trí chiến lược về mặt quân sự do nằm giữa Đài Loan và đảo Guam.

Đối với Trung Quốc, đảo còn có vị trí quan trọng do nằm chắn trên đường ra Thái Bình Dương của hải quân nước này. Okinotori được “gia cố” sẽ giúp Nhật Bản có thêm căn cứ để chặn đường ra biển lớn của Trung Quốc.

Trung Quốc muốn “biến tốt thành xe”

Phản đối những hành động của Nhật Bản, song Trung Quốc lại đang có những việc làm ngang ngược hơn Nhật Bản gấp nhiều lần trên Biển Đông, cụ thể là việc Bắc Kinh công khai cải tạo các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những ngày qua, truyền thông nhiều nước đã cho đăng tải thông tin về hoạt động của Trung Quốc cải tạo các bãi đá tại khu vực quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm của Việt Nam hồi năm 1988.

Thậm chí, báo chí Trung Quốc cũng công khai những hoạt động cải tạo và xây dựng như thế tại khu vực Trường Sa.

Hình ảnh do Philippines cung cấp về hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Gạc Ma

Hình ảnh do Philippines cung cấp về hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Gạc Ma

Theo báo chí Trung Quốc, như tờ “Tin tức Thanh Hoa”, từ đầu năm đến nay Trung Quốc đưa 3 tàu đổ bộ xe tăng loại 5.000 tấn đến Gạc Ma và Tư Nghĩa để tham gia đắp đất, phong nền xây dựng đảo nhân tạo theo phương án thiết kế của Viện Quy hoạch Công trình Hải quân Trung Quốc.

Sáu bãi đá nằm trong diện được cải tạo phong nền xây dựng đảo gồm Gạc Ma, Gaven, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Su Bi và Châu Viên. Trước đó, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” cũng đăng ảnh cho thấy hoạt động xây dựng tại Gạc Ma đang được gấp rút thực hiện.

Không những thế, tờ “Thời báo Hoàn cầu” còn đe dọa rằng khi Trung Quốc xây xong đường băng 2 km trên đảo Gạc Ma, cả miền Nam Việt Nam sẽ nằm trong vùng tấn công của máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Theo tờ báo này thì Gạc Ma cách Sài Gòn 830 km, cách Manila 890 km, cách eo biển Malacca khoảng 1.500 km. Như thế với đường băng 2 km trên Gạc Ma, các loại máy bay Su-30, J-10, J-11 của Trung Quốc có khả năng tác chiến đến tận Malacca.

Trong khi đó, truyền thông Đài Loan dẫn lời cựu quan chức quốc phòng của hòn đảo này là Lâm Trung Bân cho rằng 6 bãi đá ở Trường Sa đang được Trung Quốc đảo hóa nằm trong chiến lược muốn hóa “tốt thành xe”, với âm mưu tăng cường đáng kể khả năng khống chế và kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Theo đó, việc đảo hóa 6 bãi đá ở Trường Sa giúp Trung Quốc tạo nên được gần “10 điểm cao chiến lược” ở Biển Đông.

Cũng theo truyền thông Đài Loan, sau khi Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng đảo Gạc Ma ở Trường Sa và cái được gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, thì Bắc Kinh có thể lắp đặt hệ thống radar tầm xa và các thiết bị giám sát trên không và trên biển.

Như thế các quốc gia Đông Nam Á đến tận Singapore sẽ nằm trong tầm kiểm soát của radar Trung Quốc. Tàu bè qua eo biển Malacca cũng sẽ bị radar Trung Quốc theo dõi.

Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình.

Hãy gửi cho chúng tôi tin hoặc bài viết CHƯA TỪNG ĐƯỢC ĐĂNG TẢI trên các báo, trang mạng khác vào địa chỉ email: quansu@soha.vn. Nếu tin bài của bạn được đăng tải, bạn sẽ được trả nhuận bút trong vòng 24h và có cơ hội nhận được 500.000 đồng cho những nội dung xuất sắc nhất trong ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại