Tạp chí IHS Jane's cho biết, công ty công nghiệp nặng Kawasaki (KHI) và công ty điện tử Mitsubishi (MELCO) Nhật Bản tự tin có thể đảm bảo doanh số bán hàng quốc phòng ở thị trường Thái Lan, sau khi Tokyo nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài vào năm 2014.
Đây là 2 trong số 12 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia triển lãm Quốc phòng & An ninh 2015 ở Bangkok. Theo đại diện lãnh đạo của KHI và MELCO, các sản phẩm của họ nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía Thái Lan.
KHI cho biết, họ đang tiếp thị tới Thái Lan cũng như một số khách hàng khác ở khu vực Đông Nam Á mẫu máy bay tuần thám biển P-1 và máy bay vận tải C-2.
Máy bay tuần thám biển, săn ngầm Kawasaki P-1.
Kawasaki P-1 là dòng máy bay tuần thám biển được biên chế cho Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản để thay thế cho mẫu P-3C Orion.
P-1 được trang bị 4 động cơ phản lực IHI Corporation F7, giúp nó đạt tốc độ bay tối đa 996km/giờ, tầm hoạt động 8.000km.
Để phục vụ cho nhiệm vụ tuần thám biển, Kawasaki P-1 được trang bị hệ thống radar AESA Toshiba HPS-106, thiết bị thủy âm cũng như các phao thủy âm chứa trong thân máy bay.
Về vũ khí, trên máy bay P-1 có 8 mấu treo vũ khí cùng 8 khoang chứa bom bên trong, nó có thể sử dụng các loại tên lửa chống hạm như AGM-84 Harpoon,ASM-1C, AGM-65 Maverick và các loại ngư lôi như MK-46, Type-97,...
Máy bay vận tải Kawasaki C-2.
Kawasaki C-2 là mẫu máy bay vận tải do KHI chế tạo cho Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản, nó thực hiện chuyến bay thử lần đầu vào ngày 26-01-2010. Nhật Bản dự định chế tạo 40 máy bay loại này để thay thế cho các máy bay C-1 và C-130.
Kawasaki C-2 được trang bị 2 động cơ GE CF6-80C2K1F, giúp nó đạt tốc độ tối đa 890km/giờ, tầm hoạt động 6.500km.
Khả năng mang hàng hóa của C-2 cũng được tăng cường với khối lượng hàng hóa, thiết bị lên đến 37,6 tấn so với 10 tấn của C-1 và 19 tấn của C-130.
C-2 có thể chở theo 120 lính, 8 kiện hàng hoặc 1 máy bay trực thăng UH-60J. Phần cửa đuôi của C-2 có thể mở ra trong khi bay.