Gặp Trung tá Cao Văn Tuấn, nhân viên Xăng dầu Đội Bảo đảm kỹ thuật Sân bay (thuộc Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân) đứng chân tại đảo Trường Sa Lớn, người mà các cán bộ chiến sĩ trên đảo thường gọi với cái tên quen thuộc là “Nhà sáng chế” làm chúng tôi không khỏi tò mò khi ra công tác tại đây.
Trước đây, cùng một khối lượng công việc nhưng toàn Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay (Sư đoàn 370) tại đảo Trường Sa Lớn (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) phải lao động cật lực hàng tháng và huy động hàng trăm ngày công mới hoàn thành, thì nay cũng công việc ấy, họ chỉ phải tiến hành trong vài giờ và chỉ cần 1 đến 2 người.
Chuyện trở thành “Nhà sáng chế” của Trung tá Cao Văn Tuấn xuất phát từ quá trình lao động nghiêm túc, không mệt mỏi. Sở dĩ nói như vậy là bởi hệ thống tra nạp xăng dầu lên máy bay tại đảo Trường Sa Lớn được lắp ráp từ năm 2008, nhưng ngần ấy năm, những người lính nơi này chỉ khai thác sử dụng được chức năng nạp lên máy bay, khi bơm từ phuy lên bồn chứa họ phải thực hiện hoàn toàn bằng tay.
Được biết, việc vận chuyển phuy từ tàu lên bờ đã vất vả, song việc bơm thủ công bằng sức người còn vất vả hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, họ sẽ mãi phải làm như vậy, nếu không có người dám nghĩ, dám làm như anh Tuấn.
Trung tá Cao Văn Tuấn kể: “Trước khi ra đảo, nghe anh em kể về chuyện sử dụng hệ thống tra nạp, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Đầu năm 2013, khi ra công tác thực tế tại đảo, tôi đã nghiên cứu rất kĩ về hệ thống và thấy có thể khai thác được chức năng nạp xăng vào bồn qua hệ thống” nhưng mọi việc không được suôn sẻ như tôi nghĩ”. Anh trầm ngâm.
Ngày ấy, khi anh Tuấn quyết định gọi điện về Ban Xăng dầu Sư đoàn 370 để đề xuất ý kiến thì không nhận được sự ủng hộ. Anh cũng thấu hiểu sự trăn trở của cấp trên. Theo như ý kiến của cấp trên, nhìn thực tế và so sánh trên bản vẽ hệ thống thì không thể làm được. Tuy vậy, thực tiễn vận hành, anh đã tự vẽ lại và quả quyết sẽ làm được mà chẳng tốn kém gì.
Được sự ủng hộ của anh em trong Đội, anh Tuấn âm thầm tiến hành.
Viêc đầu tiên, anh Tuấn gọi điện về Trung đoàn 935, nhờ anh em ở Đại đội xăng dầu gia công giúp một số cút nối, cút co, vài chi tiết như: rơ le, cánh quạt,… theo chỉ số đã tính toán.
“Mỏi mòn chờ tàu mang những chi tiết mà anh em ở trong đất liền gửi ra, rồi khi có tàu lại gấp rút tiến hành lắp ráp. Hôm trước khi tiến hành vận hành thử, tôi hồi hộp lắm. Tôi đã thức trắng đêm và mong nó thành công để anh em đỡ khó nhọc…”.
Trung tá Cao Văn Tuấn
Tôi hỏi, cái khó khăn nhất khi anh tiến hành sáng chế là gì? Anh Tuấn cho hay: “Khó khăn nhất là khi đã lắp ráp xong và chuẩn bị vận hành thử. Tôi nghĩ về những chuyến hàng vào những ngày giông gió, hay cái nắng cháy thịt da, đốt bao công sức đồng đội giữa nắng hè. Nghĩ đến sự vui mừng của đồng đội khi hệ thống thành công và cũng nghĩ cả đến sự thất bại. Bởi nếu thất bại, có nghĩa ở góc độ nào đó, tôi đánh mất hy vọng và niềm tin của anh em…”.
Được biết, hệ thống hoạt động tốt ngay sau lần thử nghiệm đầu tiên và được cấp trên cho phép đưa vào khai thác sử dụng. Và đương nhiên, từ đó đến nay, khi cùng một khối lượng công việc nhưng toàn Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay (Sư đoàn 370) tại đảo Trường Sa Lớn không còn phải lao động cật lực hằng tháng và huy động hàng trăm ngày công nữa. Bởi chỉ cần 1 đến 2 người tiến hành trong vài giờ là xong trong sự nhàn nhã.
Tôi đùa vui anh: “Dám nghĩ, dám làm và làm được những việc tưởng chừng như không thể giữa bốn bề sóng nước, thiếu thốn đủ đường như thế này, chắc năm nay anh được cấp trên khen thưởng ra trò?”. Trung tá Cao Văn Tuấn cười hiền: “Có! Đơn vị cũng biểu dương qua điện thoại!”. Anh Tuấn xa xăm: “Làm được gì cho anh em đỡ vất vả là mình vui lắm rồi. Đấy là phần thưởng quý giá nhất nhà báo ạ!”.
Câu nói của anh khiến chúng tôi lâng lâng hạnh phúc nơi đầu sóng ngọn gió. Hạnh phúc vì giữa bộn bề cuộc sống với những lo toan thường nhật, vẫn còn nhiều lắm những người lính như anh, luôn lao động, phấn đấu vì hạnh phúc của mọi người.