Chỉ thị cấp trên
Một quan chức hải quân Trung Quốc đã khuyên các phi công chiến đấu cơ chặn máy bay trinh sát Mỹ rằng hãy bay sát hơn nữa.
Theo Reuters, lời khuyên được đưa ra sau khi máy bay chiến đấu Trung Quốc có cú tạt đầu nguy hiểm một máy bay trinh sát Mỹ trên Biển Đông hồi tuần trước.
Phát biểu của Thiếu tướng Hải quân Zhang Zhaozhong thuộc Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh được truyền thông quốc gia Trung Quốc đăng tải đã phản ánh những gì các chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng Trung Quốc quyết tâm bảo vệ hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo đang được mở rộng khỏi máy bay do thám Mỹ.
Những vụ chặn đầu nguy hiểm ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng, lên tới mức mãnh liệt, các chuyên gia nhận định và cho biết thêm, những hành động như vậy có thể xuất phát từ chỉ thị của cấp trên thay vì là hành động đơn thuần của một phi công hiếu chiến.
Tướng Zhang Zhaozhong
"Trước đó, chúng tôi không gây sức ép nhiều", ông Zhang nói trên tờ Global Times, một tờ báo khổ nhỏ thuộc tờ Nhân dân nhật báo, nổi tiếng về tinh thần chủ nghĩa dân tộc. "Dao kề cổ chỉ là một cách ngăn chặn. Từ giờ trở đi, chúng ta phải bay sát máy bay do thám của Mỹ hơn nữa".
Các quan chức Lầu Năm Góc nói, một chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay tạt đầu một máy bay trinh sát chống tàu ngầm P-8 Poseidon của Mỹ hôm 19/8, có thời điểm mũi cánh hai máy bay chỉ cách nhau 9m.
Trung Quốc đã bác bỏ những chỉ trích trên và coi đó là vô căn cứ. Bắc Kinh khẳng định phi công của mình vẫn giữ khoảng cách bay an toàn.
Chiến lược dài hơi của TQ
Mục tiêu của máy bay trinh sát Mỹ là hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc, đang hoạt động ở một căn cứ tại nam đảo Hải Nam, các chuyên gia quân sự cho hay.
Trong số những tàu ngầm sử dụng căn cứ này có tàu ngầm lớn lớp Jin, có khả năng mang tên lửa đạn đạo được trang bị hạt nhân, loại được kỳ vọng sẽ giữ vai trò chủ chốt trong chiến lược hạt nhân đánh chặn của Trung Quốc.
Theo giới phân tích quân sự, sự sẵn sàng tham chiến của 3 trong số 4 tàu ngầm lớp Jin, gồm cả khả năng phóng tên lửa của nó, hiện vẫn chưa rõ ràng.
"Về lâu dài, các tàu ngầm của Trung Quốc là hy vọng duy nhất của một lá chắn hữu hiệu...nó là tất cả đối với Trung Quốc", Zhang Baohui, một chuyên gia về an ninh lục địa tại Đại học Lingnan, Hongkong đồng thời là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt về chiến lược và lực lượng hạt nhân Bắc Kinh cho hay.
Đối với lá chắn hạt nhân của Trung Quốc, các tàu ngầm tên lửa đạn đạo quan trọng hơn nhiều các sức mạnh khác, do chính sách của Bắc Kinh từ thời những năm 1960. Đó là không triển khai vũ khí hạt nhân trừ khi bị đánh trước, ông Zhang nói. Điều này có nghĩa là các tên lửa lớn hơn đặt trên mặt đất bị coi là dễ bị tấn công hơn nếu Bắc Kinh thực hiện cam kết không tấn công trước trong một cuộc xung đột.
Có các tàu ngầm tên lửa có thể đi sâu vào Thái Bình Dương mà không bị phát hiện và có thể tới Mỹ là "hy vọng duy nhất của một lá chắn hạt nhân đáng tin" của Trung Quốc. Lá chắn này đảm bảo khả năng tấn công thứ hai, ông Zhang nói thêm. "Việc triển khai các tàu ngầm sẽ khiến các tính toán chiến lược của Mỹ bị rối và chúng ta có lẽ đã thấy tác động của nó".
Chiếc P-8 Poseidon lúc đó đang ở không phận quốc tế, phía nam đảo Hải Nam, thì bị chặn đầu.
Giải mã hành động nguy hiểm của phi công TQ
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, phi công Trung Quốc trên cũng là lính của cùng một đơn vị ở Hải Nam, nơi dường như chịu trách nhiệm về hàng loạt vụ việc tương tự xảy ra vào tháng 3,4 và 5, một phần của cái mà quan chức trên gọi là những cuộc ngăn chặn "phi tiêu chuẩn, nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp" kể từ cuối 2013.
Trong nội bộ các ban lãnh đạo quân sự châu Á và phương Tây hiện có nhiều tranh cãi về tính kỷ luật và khả năng của các phi công Trung Quốc.
Phái các chiến binh Trung Quốc đi xua máy bay do thám Mỹ là một chiến thuật hiệu quả, Wang Yanan, một nhà phân tích quân sự, kiêm biên tập viên cấp cao của tạp chí Hiểu biết về không gian của Trung Quốc cho biết.
Qua thời gian, quân đội Mỹ sẽ giảm các chiến dịch do thám của họ, ông Wang nói với Global Times.
Chuyên gia an ninh Zhang cho biết: "Không có các phi công hiếu chiến. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục thấy họ thách thức máy bay trinh sát Mỹ ở khoảng cách rất gần như một nỗ lực có bài bản".
Một quan chức Mỹ cấp cao tại Washington nói, chính quyền Mỹ hiện chưa rõ các chỉ huy Trung Quốc đã chỉ đạo cho các phi công bay hiếu chiến tới mức nào hay các phi công tự tiện bay như vậy.
Trong tuần này, quan chức Mỹ và TQ đã có cuộc hội đàm về cách hành xử quân sự giữa hai bên.
Trung Quốc hiện có 70 tàu ngầm, Mỹ có 72 chiếc và Nhật có 18 tàu ngầm.