Ngụy trang thời Thế chiến II: Cuộc "đọ" quân phục Đức - Liên Xô

Nhật Huy |

Đức và Liên Xô đều đưa ra những thiết kế ngụy trang khá đặc biệt, mang bản sắc riêng. Có kiểu thiết kế ngụy trang cho tới hiện nay vẫn được quân đội một số nước sử dụng.

Ngụy trang thời Thế chiến I: Cách Anh "che mắt" tàu ngầm Đức

Giai đoạn giữa 2 cuộc Thế chiến

Phải đến sau khi Thế chiến I kết thúc, các nước mới quan tâm quân phục ngụy trang cho bộ binh.

Người Đức đi tiên phong trong lĩnh vực này với Splittermuster 31, mẫu thiết kế ngụy trang dạng đa giác được giới thiệu vào năm 1931.

Thiết kế gồm những hình đa giác với những cạnh sắc và đi theo đường zig zag. Hai mảng màu chính là nâu và xanh lục trên nền màu vàng nâu nhạt.

Những đường zig zig có tác dụng phá vỡ hình dáng đối xứng của cơ thể người. Ngoài ra, những mảng hình đa giác được bố trí một cách ngẫu nhiên cũng làm tăng hiệu quả ngụy trang.

Thiết kế ngụy trang Splittermuster 31

Tuy khá sơ khai nhưng Splittermuster 31 có đầy đủ những yếu tố cần thiết của một thiết kế ngụy trang hiện đại.

Do đó, kiểu thiết kế đa giác này hiện nay vẫn được quân đội một số nước sử dụng như Bulgaria, Thụy Điển.

Quân phục dã chiến của Thụy Điển

Quân phục dã chiến của Bulgaria (bên trái)

Trước đó, người Đức cũng đã sử dụng một hình thức khác của ngụy trang dạng đa giác trong Thế chiến I, nhưng không phải cho bộ binh mà cho những máy bay của mình.

Khác với Splittermuster 31, kiểu thiết kế ngụy trang này dùng những mảng họa tiết có tính lặp lại và thường chỉ gồm những hình đa giác đặt khít với nhau, không có màu nền.

Những đa giác đó có thể là hình 4, 5 hoặc 6 cạnh. Cách phối màu sắc cũng rất đa dạng.

Một chiếc Fokker với ngụy trang đa giác 6 cạnh

Liên Xô cũng cho ra đời mẫu thiết kế ngụy trang của mình trong giai đoạn giữa 2 cuộc thế chiến.

Khác với thiết kế của người Đức với những cạnh sắc nét, thiết kế của Liên Xô dùng những mảng màu uốn lượn màu nâu trên nền xanh lục.

Tuy vậy, nó cũng sử dụng những họa tiết bất đối xứng, được bố trí ngẫu nhiên để phá vỡ cấu trúc hình dáng quen thuộc của cơ thể người.

Thiết kế của Liên Xô được dùng ở quy mô hạn chế cho đến sau Thế chiến II.

Thiết kế ngụy trang này của Liên Xô được giới thiệu vào năm 1938

Thiết kế ngụy trang này của Liên Xô được giới thiệu vào năm 1938

Thế chiến II

Nhìn chung, trong cả 2 cuộc Thế chiến, do một số nguyên nhân như sự bảo thủ, chi phí cao hơn quân phục đơn sắc thông thường mà quân phục ngụy trang chưa tìm được chỗ đứng của mình.

Một hướng đi mới của Liên Xô trong Thế chiến II là dùng những thiết kế ngụy trang mô phỏng hình ảnh thật của môi trường.

Những mẫu ngụy trang đó có hình những chiếc lá nâu vàng nhạt trên nền xanh, hoặc ngược lại. Chỉ những đơn vị tinh nhuệ được trang bị mẫu quân phục ngụy trang như vậy.

Mẫu ngụy trang lá cây ra đời vào năm 1941

Mẫu ngụy trang lá cây, với tông màu đảo ngược, ra đời sau khi Thế chiến kết thúc

Đức Quốc Xã cũng cho ra đời một số mẫu thiết kế ngụy trang của riêng mình.

Tương tự như Liên Xô, chỉ một số ít đơn vị tinh nhuệ, như SS và lính dù, sử dụng quân phục dã chiến ngụy trang. Đa số binh lính vẫn sử dụng quân phục đơn sắc.

Đáng chú nhất trong số đó là mẫu ngụy trang Leibermuster. Đây là một thiết kế phức tạp, tiêu biểu cho cách tiếp cận kiểu Đức, với 6 tông màu khác nhau.

Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất của Leibermuster là nó được thiết kế để đối phó với những thiết bị nhìn đêm vừa được sử dụng trên chiến trường vào giai đoạn cuối của Thế chiến II.

Một nguyên bản Leibermuster hiện nay (trên) và sau khi được tái tạo bằng máy tính (dưới)

Một trong những yêu cầu quan trọng của ngụy trang hiện đại là nó phải hiệu quả không chỉ với mắt thường mà còn với các thiết bị nhìn đêm.

Vì vậy, những quân phục này có một lớp phủ đặc biệt có thể phản xạ lại bức xạ hồng ngoại có bước sóng tương tự như như phản xạ bởi cây cỏ.

Phần lớn quân phục dã chiến của các thành viên NATO đều có tính năng đó.

Chúng cần được giặt bằng một số loại bột giặt đặc biệt để không rửa trôi lớp phủ phản xạ trên.

Ngoài ra, một số thành phần của bột giặt thường khi dính trên bề mặt quân phục cũng sẽ phản xạ hồng ngoại rất mạnh, khiến cho người lính dễ bị phát hiện hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại