Theo người phát ngôn của Boeing, chuyến bay đã thành công tốt đẹp. Các tính năng của máy bay cũng như các hệ thống được trang bị hoạt động ổn định.
Tính ra, mất gần 5 năm để KC-46A chính thức vươn lên bầu trời. Theo kế hoạch ban đầu, chuyến bay đầu tiên của KC-46A là vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, những thách thức về kỹ thuật như hệ thống dây điện hay việc lắp đặt các hệ thống tiếp dầu cũng như chi phí vượt trần dẫn đến cột mốc quan trọng trong quá trình chế tạo máy bay tiếp dầu mới cho Không quân Mỹ phải dời lại.
Không quân Mỹ đã ký với hãng Boeing hợp đồng mua máy bay KC-46A vào tháng 3-2011. Theo hợp đồng, Boeing phải hoàn thành bàn giao 18 chiếc đầu tiên vào tháng 8-2017.
Đến năm 2027, lực lượng này sẽ có 179 chiếc KC-46A, giúp “thay máu” hoàn toàn phi đội máy bay tiếp dầu lỗi thời KC-135 và KC-10.
Chương trình KC-46 là một trong 3 chương trình nghiên cứu khí tài mà Không quân Mỹ ưu tiên. Hai chương trình còn lại là máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35 Lightning II và máy bay ném bom tầm xa tàng hình (LRS-B).
Ngoài ra máy bay KC-46A cũng được thiết kế để gia tăng số lượng hàng hóa cũng như binh sĩ bị thương mà nó có thể chuyên chở ngoài khả năng tiếp dầu.
Thiết kế dựa trên nền tảng máy bay chở khách B767-2C, máy bay KC-46A có khả năng chuyên chở 96.000kg nhiên liệu, tốc độ bay 920km/h và bán kính hoạt động là trên 12.000km.