Ảnh minh họa.
Trong những cuộc đối đầu trên, thế giới không ít lần phải căng thẳng đến mức nghẹt thở khi chứng kiến những cuộc “đua” vũ khí giữa tàu thuyền các nước. Một khi vũ khí đã được tung ra thì bất kỳ lúc nào cũng có thể xảy ra xung đột vũ trang.
Hải quân Iran khua súng trêu ngươi tàu Mỹ
Từ lâu Mỹ và Iran đã luôn coi nhau là “kẻ thù không đội trời chung”. Trong những năm qua, giữa hai nước này đã xảy ra vô số những cuộc khẩu chiến gay gắt, những cuộc đụng đầu quân sự toé lửa gần sát đến bờ vực chiến tranh.
Trong năm qua, căng thẳng giữa Iran với Mỹ và phương Tây đã leo thang cao độ sau khi có tin nước Cộng hoà Hồi giáo sắp có vũ khí hạt nhân. Phương Tây cực kỳ lo ngại về viễn cảnh Iran sở hữu trong tay vũ khí hạt nhân bởi họ coi đó là mối đe doạ an ninh lớn nhất đối với các nước này. Đã có không ít lời đồn đoán về khả năng Mỹ sẽ dẫn đầu các nước phương Tây tấn công phủ đầu vào Iran để phá huỷ các cơ sở hạt nhân của nước này.
Trong tình hình “căng như dây đàn”, ngay đầu năm 2012, Iran bị “tố” đã khua súng trêu người tàu chiến Mỹ. Cụ thể, vào tháng 1 năm ngoái, các xuồng cao tốc có trang bị vũ khí của Lực lượng Hải quân Iran đã 2 lần thách thức tàu chiến Mỹ ở khu vực Eo biển Hormuz.
Vụ đầu tiên diễn ra khi tàu vận tải đổ bộ USS New Orleans đang đi qua Eo biển Hormuz vào vùng Vịnh Persian thì bị 3 chiếc xuồng cao tốc của Hải quân Iran đuổi theo. Các tàu của Iran đã áp sát tàu của Mỹ trong khoảng cách chỉ 450m.
Vụ việc thứ hai cũng diễn ra tương tự nhưng với tàu USCGC Adak của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ. Lần này, vụ quấy nhiễu diễn ra ở ngoài khơi biển Kuwait. Khi những chiếc xuồng cao tốc của Iran áp sát tàu USCGC Adak, các thủy thủ Mỹ đã nhìn thấy những người trên tàu Iran khua súng trường AK-47 và một khẩu súng hạng nặng nhằm vào họ.
Nếu nhìn vào những diễn biến xảy ra năm 2012 trong mối quan hệ giữa Iran và phương Tây thì ai cũng có thể tin rằng, chiến tranh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, có nhiều lý do để chiến tranh không xảy ra ở khu vực Trung Đông trong thời gian trước mắt. Một trong những lý do quan trọng nhất là Tổng thống Barack Obama không muốn bị mắc kẹt thêm vào một cuộc chiến nữa khi mà nước Mỹ đang phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn.
Tàu chiến Iran đuổi siêu tàu chiến Mỹ
Khi cộng đồng quốc tế còn chưa kịp thở phào nhẹ nhõm về vụ Iran khua súng trêu người tàu Mỹ thì chỉ một tháng sau đó, các tàu tuần tra của Iran tiếp tục bám đuổi và theo dõi siêu tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ khi con tàu này đi qua Eo biển Hormuz. Sự kiện này xảy ra hơn một tháng sau khi Tehran cảnh báo tàu sân bay USS John C. Stennis không được trở lại khu vực Vùng Vịnh.
Rất may là đã không xảy ra sự cố hay bất kỳ cuộc đụng độ nào giữa nhóm tàu sân bay chiến đấu USS Abraham Lincoln của Mỹ với các tàu tuần tra của Iran.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln – một phần của Hạm đội thứ 5 của Mỹ đóng ở Bahrain, đã hiên ngang đi qua Eo biển Hormuz với tàu khu trục Cape St George hộ tống đằng sau. Một loạt máy bay Mỹ cũng bay sát hai bên sườn tàu Lincoln trong suốt hải trình từ vùng Vịnh qua Eo biển Hormuz. Ngoài việc bị các tàu tuần tra của Iran theo dõi, các hệ thống radar của tàu chiến Mỹ còn phát hiện một máy bay do thám không người lái của Iran và một trực thăng do thám ở không phận Iran, gần Eo biển Hormuz. Hiện tại, Iran và Oman đang cùng kiểm soát eo biển chiến lược này.
Khi căng thẳng với phương Tây leo thang cao độ, Iran thường xuyên tuyên bố sẽ phong toả Eo biển Hormuz – một tuyến đường biển vô cùng quan trọng với phần lớn nguồn cung cấp dầu mỏ cho thế giới đi qua đây. Mỹ đã tuyên bố sẽ không để Iran thực hiện lời đe doạ này.
Nga nổ súng cảnh cáo tàu cá Trung Quốc
Hồi tháng 7, Cơ quan Biên phòng Nga cho biết, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển ở vùng Viễn Đông của nước này đã buộc phải nổ súng uy hiếp để chặn một tàu cá của Trung Quốc đang đánh bắt cá bất hợp pháp ở Biển Nhật Bản.
Theo phát ngôn viên của Cơ quan Biên phòng Nga, tàu đánh cá mang cờ Trung Quốc đã từ chối không chịu dừng lại theo yêu cầu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nga và còn tìm cách chạy trốn.
“Sau 3 giờ truy đuổi, tàu Dzerzhinsky của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nga đã buộc phải nổ súng cảnh cáo. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động nguy hiểm”, người phát ngôn của Cơ quan Biên phòng Nga cho biết.
Sau khi nổ súng cảnh cáo không có tác dụng, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nga đã buộc phải bắn súng về phía tàu Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc chở theo hơn 22,5 tấn mực ống và có đội thuỷ thủ gồm 17 người mang quốc tịch Trung Quốc. Con tàu này đã không trình được bất kỳ tài liệu nào cho phép họ đánh cá trong khu vực. Không ai thiệt mạng hay bị thương trong vụ nổ súng nói trên.
Trung Quốc chĩa radar tên lửa vào tàu chiến Nhật
Một trong những cuộc đối đầu trên biển nóng nhất trong năm 2012 và cả đầu năm 2013 chính là cuộc “đấu” giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Mới đây, hồi cuối tháng 1, các tàu chiến Trung Quốc đã chĩa radar kiểm soát tên lửa về phía tàu khu trục Yuudachi và một chiếc trực thăng của Nhật.
Radar của Trung Quốc được cho là dùng để thu thập thông tin về vị trí của tàu chiến và trực thăng của Nhật Bản. Loại radar này có thể được dùng để cung cấp những dữ liệu cần thiết cho việc hướng dẫn tên lửa bắn vào thiết bị của Nhật Bản.
Diễn biến trên đánh dấu một bước leo thang nguy hiểm trong cuộc đối đầu quân sự và ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Nó đã đẩy hai cường quốc khu vực đến sát bờ vực của một cuộc chiến tranh.
Những diễn biến trên cho thấy các khu vực biển chiến lược của thế giới đang chứa đựng ngày càng nhiều nguy cơ bùng phát xung đột. Điều này đe dọa đến an ninh và sự ổn định không chỉ của các nước có liên quan trực tiếp mà đối với cả thế giới. Vì vậy, các nước có tranh chấp rất cần có cái đầu lạnh, tỉnh táo, tránh có những cuộc đụng độ nghẹt thở kiểu như trên bởi nó rất dế biến thành một cuộc xung đột quân sự.