Liên minh Hải quân Myanmar chính thức thành lập vào tháng 12/1947, quy mô ban đầu chỉ có 700 người. Trong hàng chục năm sau thành lập, Myanmar chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung, viện trợ từ nước ngoài.
Phụ thuộc nguồn cung nước ngoài
Giai đoạn 1950-1970 trang thiết bị của Hải quân Myanmar chủ yếu nhờ sự viện trợ từ phía Mỹ, tuy vậy số tàu chiến viện trợ này không thể bù đủ cho sự xuống cấp và lạc hậu nhanh chóng của các tàu chiến trước đó.
Vào những năm 1980, các biến cố chính trị trong nước đã khiến quốc gia này lâm vào khủng hoảng. Mỹ cắt đứt hoàn toàn về ngoại giao với Myanmar sau khi tướng Saw Maung tiến hành cuộc đảo chính quân sự và thiết lập thiết quân luật trên toàn quốc.
Tàu pháo do Trung Quốc đóng trang bị trong Hải quân Myanmar.
Những năm 1990, Hải quân Myanmar rơi vào tình cảnh khốn đốn chưa từng có, các tàu chiến xuống cấp một cách nghiêm trọng. Trong giai đoạn khó khăn này, Trung Quốc đã thay thế Mỹ cung cấp sự hỗ trợ cho quân đội trong đó có Hải quân Myanmar.
Giai đoạn này, phía Trung Quốc đã chuyển cho Myanmar 6 tàu tên lửa cao tốc trang bị 4 tên lửa chống hạm C-801 và 10 tàu săn ngầm cỡ nhỏ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn viện trợ cho Hải quân Myanmar 16 tàu tuần tra lớp Hải Nam cùng một số lượng không tiết lộ tàu pháo cỡ nhỏ. Số lượng tàu chiến viện trợ này đã làm tăng đáng kể sức mạnh của Hải quân Myanmar.
Khinh hạm lớp Giang Hồ Myanmar nhập khẩu từ Trung Quốc.
Năm 2008, tại họa đã ập đến với lực lượng hải quân vốn đã nghèo nàn về trang bị này, siêu bão Nargis quét qua Myanmar nhấn chìm 25 tàu chiến của nước này, theo các nguồn tin không chính thức, 30 sỹ quan và 250 binh lính đã mất tích.
“Tự lực cánh sinh”
Sau sự cố này, với sự trợ giúp của Trung Quốc, Myanmar bắt tay đóng tàu hộ tống hiện đại, thành công đầu tiên là tàu hộ tống tàng hình F491, loại tàu hộ tống này vừa được đưa vào sử dụng trong năm 2012.
Tàu có tải trọng 500 tấn, trang bị pháo bắn siêu nhanh AK-630 do Trung Quốc sản xuất, trang bị 4 tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc.
Đặc biệt, cuối năm 2012, Myanmar đã làm nên bất ngờ khi hạ thủy thành công tàu khu trục nhỏ F 12 Kyansittha.
F12 Kyansittha được đánh giá là tàu chiến hiện đại nhất Hải quân Myanmar, hoàn toàn có thể so sánh được với các tàu chiến thế hệ mới khác trong khu vực Đông Nam Á.
Theo những tiết lộ ban đầu, tàu được trang bị pháo hạm bắn nhanh loại Oto Melara 76mm của Pháp, 4 pháo bắn nhanh 30mm. Thông tin về tên lửa chống hạm trang bị trên tàu khu trục nhỏ F 12 không được công bố. Nhiều khả năng sẽ là loại tên lửa chống hạm C-802 do Trung Quốc sản xuất.
Khinh hạm F-12 chuẩn bị được hạ thủy.
Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho một trực thăng chống tàu ngầm có thể là Z-9C của Trung Quốc. Sự kiện hạ thủy thành công tàu khu trục nhỏ F 12 có thể xem là bước đột phá lớn của công nghiệp đóng tàu chiến Myanmar.
Mặc dù, tàu khu trục nhỏ F12 được hoàn thành với sự trợ giúp công nghệ từ Trung Quốc nhưng điều đó cho thấy ngành công nghiệp đóng tàu Myanmar đủ khả năng cho ra đời những tàu chiến tầm cỡ khu vực. Trong khi nhiều nước lớn trong khu vực Đông Nam Á vẫn phải nhập khẩu tàu chiến từ nước ngoài thì một nước nhỏ và kém phát triển như Myanmar lại có thể tự đóng tàu chiến cho mình.
Myanmar đang lặng lẽ hiện đại hóa hải quân với sự trợ giúp từ phía Trung Quốc, các nước trong khu vực Đông Nam Á chắc chắn sẽ rất bất ngờ bởi tốc độ hiện đại hóa Hải quân Myanmar.