Nga tuyên bố hệ thống HQ-9 Trung Quốc không nhái S-300

Ngày 14/10, trang mạng tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga đã lên tiếng khẳng định, hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc không phải là sản phẩm nhái S-300 của Nga.

Tuy nhiên, kết quả phân tích của nhiều chuyên gia lại trái ngược với kết luận này.

Theo nguồn tin trên, trong gói thầu của Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc đã giành chiến thắng ngoạn mục trước những đối thủ Nga, Mỹ và châu Âu.

Mặc dù vậy, trang Công nghiệp quốc phòng Nga vẫn cho rằng, thông tin về hệ thống HQ-9 là phiên bản nhái của S-300 là hoàn toàn không chính xác.

Theo sự phân tích, năm 1992, hệ thống tên lửa phòng không S-300 lần đầu được công khai tại Triển lãm hàng không Moscow. Năm 1993, Trung Quốc đã ngỏ ý mua S-300 và đến năm 1996 Nga đã xuất khẩu cho họ các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU. Khoảng thời gian này muộn hơn rất nhiều so với thời điểm Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu, chế tạo HQ-9 (phiên bản xuất khẩu là FD-2000).

Hệ thống phòng không HQ-9
Hệ thống phòng không HQ-9

Theo đó, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu HQ-9 từ đầu thập niên 80, trong khoảng thời gian 15 năm, có thể những giai đoạn sau HQ-9 có “vay mượn” thêm một chút công nghệ của S-300 nhưng về cơ bản, hai hệ thống tên lửa phòng không này có sự khác biệt rõ nét.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 sử dụng đạn tên lửa có chiều dài 6,51m, còn S-300 sử dụng tên lửa 48N6 có chiều dài 7,5m.

Tầm bắn xa nhất của HQ-9 đối với mục tiêu bay chỉ vẻn vẹn 125km, độ cao 18km; đối với tên lửa, cự li đánh chặn khoảng 7-25km, độ cao từ 2-15km.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 sử dụng radar mảng pha điện tử SJ-212, là phiên bản nâng cấp của radar mảng pha điện tử SJ-202 thuộc hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-12, có khả năng điều khiển phóng với giãn cách giữa 2 quả tên lửa vào khoảng 5s.

Số lượng tên lửa mang theo của mỗi hệ thống phóng HQ-9 cũng tương đương với S-300 với 4 ống phóng cho 1 xe chở - phóng, áp dụng phương thức phóng lạnh, trợ phóng bằng thiết bị đốt hơi nước, toàn bộ hệ thống được đặt trên các xe vận tải việt dã 4 bánh do Trung Quốc tự sản xuất.

Mỗi lữ đoàn tên lửa phòng không HQ-9 được biên chế 6 tiểu đoàn; mỗi một tiểu đoàn bao gồm 1 xe chỉ huy, 1 xe radar điều khiển hỏa lực, 8 xe chở các hệ thống phóng, tức là ở một thời điểm, mỗi tiểu đoàn có thể phóng đồng loạt 32 quả tên lửa, cả lữ đoàn có cơ số tên lửa sẵn sàng chiến đấu là 192 quả.

FD-2000 - phiên bản xuất khẩu của HQ-9 sử dụng loại radar điều khiển hỏa lực HT-233 tính năng tiên tiến hơn phiên bản gốc. Nó hoạt động trong dải tần C-Band, mỗi anten mảng pha có hơn 1000 thiết bị xoay pha, công suất trung bình 60 kW, công suất đỉnh có thể đạt tới 1 MW.

Cự li đo đạc xa nhất đối với các mục tiêu bay của loại radar này là hơn 120km, phạm vi sục sạo của các chùm sóng theo chiều ngang là 120 độ, dọc là 65 độ, có thể đồng thời phát hiện và theo dõi hơn 100 mục tiêu bay, có thể lựa chọn điều khiển tấn công 50 mục tiêu trong số đó.

Hệ thống phòng không S-300
Hệ thống phòng không S-300

Các chuyên gia nói ngược lại

Dù với kết quả phân tích này thì hệ thống HQ-9 vẫn không thoát khỏi nghi án là bản sao của hệ thống S-300 do Nga sản xuất. Bởi trước đó, nhiều chuyên gia đã từng phân tích về hệ thống HQ-9 và cho rằng đây hoàn toàn là hàng nhái của S-300 và hệ thống Patriot của Mỹ.

Theo đó, tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 bắt đầu được nghiên cứu chế tạo vào những năm 1980 dưới sự chủ trì của Học Viện Công nghệ Quốc Phòng Trung Quốc (thuộc Tổng Công ty Khoa học & Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc). Ban đầu nó phát triển dựa theo hệ thống tên lửa đối không Patriot của Mỹ.

Hệ thống HQ-9 sử dụng phương thức dẫn đường tương tự như Patriot của Mỹ bao gồm dẫn đường quán tính cho pha đầu, từ pha giữa tới pha cuối tên lửa được dẫn đường thông qua một kênh track-via-missile (TVM). Lệnh hiệu chỉnh đường bay được truyền đến tên lửa thông qua một liên kết dữ liệu trung gian với sự tham gia của các trạm điều khiển từ mặt đất.

Tên lửa được thiết kế để phóng trong các ống phóng container hình hộp như Paitriot của Mỹ. Tên lửa sử dụng một động cơ nhiên liệu rắn hai tầng. Tuy nhiên, biến thể đầu tiên của HQ-9 không thực sự thành công, mỗi xe phóng chỉ mang được 2 tên lửa, khả năng cơ động kém và độ tin cậy rất thấp.

Năm 1996, may mắn đã đến với Trung Quốc khi Nga đồng ý xuất khẩu tên lửa phòng không S-300PMU. Với khả năng sao chép “có hạng”, không lâu sau đó Trung Quốc đã hoàn thiện thiết kế HQ-9 với việc sao chép gần như toàn bộ công nghệ (đạn tên lửa, radar, xe phóng) của S-300PMU do Nga sản xuất.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại