Gia đình nhà Sukhoi trong Không quân Việt Nam
Nhà phân tích Nga Sergey Yuferev trong bài viết trên trang Topwar nhận định: Hôm nay, chúng ta có thể giả định một cách chính xác rằng nguồn gốc việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam là nhằm đạt sự cân bằng sức mạnh quân sự Trung Quốc; rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ lâu dài giữa hai nước vẫn rất quan trọng.
Năm 1992, Không quân Trung Quốc đã mua của Nga 26 máy bay chiến đấu Su-27SK/UBK đầu tiên. Hợp đồng này là một cảnh báo với Việt Nam. Và chỉ hai năm sau, bằng một hợp đồng trị giá 200 triệu USD, Việt Nam cũng đã mua năm Su-27SK và một máy bay chiến đấu/đào tạo Sioux 27UBK. Đây là số máy bay chiến đấu đa chức năng đầu tiên của Không quân Việt Nam.
Cuối năm 1996, Việt Nam bổ sung thêm số máy bay Su-27, trong đó có 4 chiếc Su-27UBK và hai Su-27SK.
Những chiếc máy bay này giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ khi đối mặt với 22 máy bay chiến đấu Su-27SK/UBK Trung Quốc đã được nhận được trong năm trước đó.
Mối đe dọa tương tự tăng lên khi từ tháng 12/1998, Trung Quốc đã bắt đầu tự sản xuất các máy bay chiến đấu J-11 đầu tiên (phiên bản của Su-27SK). Công ty Máy bay Thẩm Dương có kế hoạch sản xuất ít nhất 200 máy bay J-11. Tiếp đó, tháng 5/1999, Trung Quốc bắt đầu nhận những chiếc Su-30MKK đầu tiên. Đây là loại chiến đấu cơ đa năng có thể sử dụng vũ khí có độ chính xác cao mà Su-27 của Việt Nam không có được các tính năng này. Ba năm sau, Hải quân Trung Quốc đã nhận được phiên bản Su-30MK2. Một trong những tính năng chính của nó là khả năng sử dụng tên lửa chống tàu Kh-31. Điều này đặt chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng. Giữa tháng hai và tháng ba năm 2004, Hải quân Trung Quốc đã nhận được 24 Su-30MK2.
Ngay sau đó, Nga nhận ra rằng thị trường mới cho Su-30MK có thể được mở rộng, đặc biệt là về mặt địa lý. Trung Quốc mua Su-30MKK/MK2, Ấn Độ Su-30MKI và Su-30MKM của Malaysia. Nga cũng tạo ra một phiên bản riêng cho Không quân Việt Nam dựa trên Su-30MK2, đó là phiên bản Su-30MK2V.
Tháng 12/2003, hợp đồng đầu tiên trị giá 100 triệu USD được ký kết để cung cấp 4 máy bay chiến đấu. Tháng 1/2009, Việt Nam quyết định mua thêm 8 chiếc Su-30MK2V. Bốn chiếc đầu tiên giao trong năm 2011. Những chiếc còn lại bàn giao trong năm 2013.
Tổng giá trị lô hàng, bao gồm cả vũ khí và thiết bị mặt đất vào khoảng 1 tỷ USD. Hiện nay, Không quân ở Việt Nam đã có hơn 20 máy bay tiêm kích Su-27/Su-30.
Theo Sergey Yuferev, Không quân Việt nam đã có kế hoạch đầy tham vọng, trong đó có việc triển khai 4 trung đoàn máy bay chiến đấu được trang bị máy bay Su mới của Nga. Tổng cộng, có thể tới 45 Su-27/30.
Xe tăng bay Su-34
Các máy bay Su-27/30 là xương sống của quốc phòng và các lực lượng tấn công Không quân Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây nhất, gia đình Sukhoi có đứa con mới - máy bay ném bom Su-34. Cho đến nay, dù chưa có đơn đặt hàng cho máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 nhưng nhà phân tích Nga tin rằng Không quân ở Việt Nam kỳ vọng sẽ thay thế các máy bay Su-22 đã lỗi thời và Su-34 được quy hoạch chủ yếu là máy bay tấn công của hải quân.
Hiện nay, Không quân Nhân dân Việt Nam duy trì rất nhiều máy bay cường kích Su-22M4/UM3K do Liên Xô viện trợ và một phần được mua từ những năm 1990. Đây là loại máy bay cường kích làm nhiệm vụ tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu trên mặt đất hoặc trên biển với các loại vũ khí có điều khiển, không điều khiển. Thậm chí, khi cần nó cũng có khả năng tác phòng không. Hiện nay, Trung đoàn Không quân Tiêm kích 921 Sao Đỏ cũng sử dụng Su-22M4 làm nhiệm vụ phòng không tạm thay thế cho tiêm kích MiG-21 đã cũ.
Điều đặc biệt trong thiết kế đưa Su-22 trở thành máy bay chiến đấu “độc nhất vô nhị” ở Đông Nam Á đó chính là kiểu thiết kế cánh cụp cánh xòe. Nghĩa là, cánh máy bay có thể giang rộng ra hoặc áp sát vào thân máy bay. Hiện không có quốc gia nào ở Đông Nam Á sở hữu loại máy bay tương tự Su-22.
Su-22M4 được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Lyuka AL-21F3 cho phép đạt tốc độ tối đa 1.860km/h ở trên độ cao lớn, bán kính chiến đấu hơn 500km, trần bay hơn 14km, vận tốc leo cao 230m/s.
Biến thể Su-22M4 xuất khẩu cho Không quân Nhân dân Việt nam là biến thể sản xuất cuối cùng với nâng cấp đáng kể về hệ thống điện tử gồm: hệ thống dẫn đường RSDN, hệ thống dẫn đường quán tính, hệ thống đo khoảng cách bằng lade, hệ thống radar cảnh báo SPO-15LE. T
Su-22M4 thiết kế với với 2 pháo 30mm (tốc độ 80 phát/phút) đặt ở 2 cánh, 2 giá treo dưới cánh mang 2 tên lửa đối không R-60 (tầm bắn 8km) và 10 giá treo (6 đặt ở dưới cánh và 4 đặt trên thân máy bay). Trong tấn công mục tiêu mặt đất, Su-22M4 của Việt Nam có thể mang vũ khí có điều khiển gồm: tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25, Kh-28, Kh-29 và bom có điều khiển bằng lade, quang học. Ngoài ra, Su-22M4 có thể mang các loại bom nổ phá thường, bom chùm không điều khiển.
Với khả năng mang vác vũ khí nói trên, tại Việt Nam, một phần không nhỏ Su-22 ‘cánh cụp cánh xòe’ được cải tiến, nâng cấp để mang vũ khí chống hạm, đánh biển.
Mặc dù có những tính năng vượt trội so với các máy bay cùng thế hệ nhưng đến nay Su-22 cũng đã cao tuổi và dù nâng cấp nhiều thì cũng không thể so sánh với các máy bay thế hệ mới. Trong thập kỷ tới, phần lớn số máy bay này sẽ nghỉ hưu. Vì thế, với một quốc gia biển như Việt Nam, nhu cầu thay thế là cấp bách và rất lớn.
Trước đó, Đài Phượng Hoàng và trang mạng Sina.com.cn của Trung Quốc dẫn tin từ báo Nga tờ “Kính Tiềm Vọng 2″ nói bất cứ khi nào máy bay chiến đấu Sukhoi Su-34 được phép xuất khẩu, đơn đặt hàng của Việt Nam sẽ được chấp nhận ngay lập tức.
Máy bay ném bom và tấn công Su-34, sau nhiều năm phát triển hoàn thiện, giờ đây nó có thể mang tới 8 tấn vũ khí trong số 18 loại bom, tên lửa và bay xa tới 1.800km đến tấn công mục tiêu. Theo Cổng thông tin chính phủ (chinhphu.vn), Su-34 do Công ty chế tạo hàng không Novosibirsk phát triển, với 5 phi đội tổng cộng 20 chiếc vừa được triển khai hàng loạt trong lực lượng Không quân Nga đầu năm 2013. Do hình dáng trông tựa loài thú mỏ vịt nên có tên gọi "Thú mỏ vịt".
Su-34 lắp 2 động cơ Lyulka AL-35F, trọng lượng cất cánh tối đa 45.100 kg, vận tốc cực đại 1.8M (trên 2.200km/h), tầm bay 4.500 km, bay cao 14km, mang theo 7 tấn nhiên liệu.
Su-34 có các hệ thống tìm kiếm mục tiêu bằng hồng ngoại, laser, hệ thống quang truyền hình, tìm kiếm hiệu quả bất kỳ mục tiêu nào.
Với hệ thống an toàn bay, cấu trúc theo cơ cấu thông minh nhân tạo, Su-34 có thể thực hiện việc nhào lộn linh hoạt, bay theo địa hình thấp, lướt trên ngọn cây... rồi bất ngờ tấn công các mục tiêu bằng bom, tên lửa.
Su-34 có 2 máy tính chính "Argon" rất mạnh, thiết lập tọa độ và mặt chiếu, nhập dữ liệu cho hệ thống dẫn đường ném bom và thoát ly về căn cứ.
Điểm mạnh của Su-34 là có 12 giá treo, nên mang được 8 tấn vũ khí, gồm 18 kiểu loại (7 loại tên lửa, 11 loại bom), từ vũ khí không đối không, không đối đất, không đối biển, tên lửa chống tàu, bom điều khiển laser, và các loại khác. Hiệu quả ném bom của Su-34 rất cao, với sai số chỉ vài mét trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Với khả năng mang vác vũ khí tấn công khủng khiếp này, Su-34 Fullback còn có tên gọi khác hiện chính xác sức mạnh của nó: Xe tăng bay.
Đại diện của công ty Sukhoi cho biết Su-34 được thiết kế không phải để thay thế cho các loại máy bay cường kích (máy bay tấn công mặt đất) như: Su-24, Su-25…, hiện loại máy bay cường kích số 1 của Nga là Su-39 và một số loại thế hệ trước như: Su-25UB và Su-25T sẽ đảm nhận nhiệm vụ đó. Các loại máy bay cường kích có tầm hoạt động ngắn, trần bay thấp, mang theo các loại vũ khí đặc dụng để tiêu diệt các mục tiêu định sẵn như: chống radar, chống tăng, phá hủy trận địa hỏa lực… trong tác chiến đối đầu cấp chiến thuật.
Su-34 sẽ không tham gia nhiều vào các nhiệm vụ đó, Nga sẽ sử dụng Su-34 tương tự như các loại máy bay ném bom tầm trung chiến lược, nó sử dụng các vũ khí điều khiển chính xác, chuyên thực hiện các nhiệm vụ tấn công tầm trung trong lãnh thổ đối phương, tập trung vào các mục tiêu trọng điểm như sân bay, cầu đường, đầu não chỉ huy phía sau của địch.
Tuy thiên về tính năng tấn công mặt đất nhưng Su-34 cũng được trang bị hệ thống tên lửa đối không, đối hải tương đối mạnh, đảm bảo cho nó có thể độc lập tác chiến đánh trả các máy bay tiêm kích của địch bay lên đánh chặn mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ ném bom mặt đất.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: quansu@soha.vn. Trân trọng!