Nga sẽ chi quân sự mức kỷ lục thời hậu Liên Xô, đạt mức tăng 30%, chiếm 4,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Vào thời điểm khủng hoảng Ukraine vẫn kéo dài, việc này sẽ dẫn đến sự căng thẳng Nga - Mỹ như thời Chiến tranh Lạnh, cùng việc tái lập uy thế quân sự trên đấu trường chính trị quốc tế.
Theo báo Moscow Times, quân đội Nga có một năm 2014 tốt lành trong việc phô trương cơ bắp: qua việc sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.
Bộ Quốc phòng Nga chứng minh sự thành công trong việc cải tổ quân đội, từ sau cuộc chiến tranh với Gruzia năm 2008 vốn giúp nhận ra sự trang bị nghèo nàn và thiếu tổ chức cao của quân đội Nga.
Với chương trình tái vũ trang trị giá 20 ngàn tỷ rúp (375 tỷ USD) để hiện đại hóa 70 % lực lượng bằng khí tài quân sự mới từ cuối thập niên này, năm 2015 được cho là năm tăng trưởng mạnh về khả năng quân sự của Nga.
Dù vậy, Nga vẫn kém Mỹ và Trung Quốc rất xa: quốc hội Mỹ đã thông qua ngân sách quốc phòng 2015 là 584 tỷ USD, còn khoản chi quốc phòng của TQ sẽ đạt 159, 6 tỷ USD trong năm tới, theo tạp chí quốc phòng HIS Jane’s (Anh).
Chương trình tái vũ trang mạnh của Nga bắt đầu từ năm 2011, khâu hiện đại hóa quân sự đạt tiến độ 16% theo hãng tin RIA Novosti. Chỉ tiêu cuối năm 2015 phải đạt 30%.
Rất khó phác họa một bức tranh đầy đủ về kế hoạch tái vũ trang trong năm 2015 của Nga, do Nga giữ kín bí mật quân sự cùng sự bấp bênh của kỹ nghệ quốc phòng nước này.
Thông tin trên do chuyên gia quốc phòng Ruslan Pukhov, chủ nhiệm Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST, một tổ chức tư vấn ở Moscow) cho biết.
Nhưng tờ Moscow Times điểm các bài báo Nga về các kế hoạch và hợp đồng để gợi ý về những hướng tăng trưởng quân sự của Nga trong năm tới:
Bộ binh: sẽ tiếp tục được củng cố sức mạnh, sau 6 năm được huấn luyện kỹ hơn và được trang bị tốt hơn, để tiếp tục là lực lượng tinh nhuệ của quân đội Nga.
Nhiệm vụ mới là tiếp tục mua và nâng cấp khí tài quân sự và huấn luyện quân. Theo giới truyền thông Nga, quân đội Nga sẽ có 4.000 cuộc tập trận ở nhiều tầm mức trong năm 2015, nhiều hơn năm 2014 khoảng 1.000 cuộc.
Nhiều xe bọc thép mới sẽ được trình làng trong lễ Ngày chiến thắng 9.5, gồm xe tăng, xe bộ binh chiến đấu và xe bọc thép chở quân.
Đầu năm nay, phó Thủ tướng Dmitry Rogozin nói xe tăng chiến đấu mới Armata sẽ là một sản phẩm “đỉnh” được ra mắt tại lễ diễu binh 9.5.
Nhưng hồi tháng 10, theo hãng tin RIA Novosti, đại tướng Oleg Salyukov tư lệnh bộ binh nói chiếc này chỉ sẵn sàng hoạt động từ cuối năm 2015.
Tăng Armata có lớp thép dày, hệ thống kiểm soát hoàn toàn bằng kỹ thuật số cùng khả năng điều khiển từ xa, nên được xem là loại tăng hiệu quả nhất trong số các cỗ tăng Nga và nước ngoài.
Theo đại tướng Salyukov, quân đội sẽ thử nghiệm tăng Armata trong năm 2015 và nếu duyệt, sẽ sản xuất hàng loạt từ năm 2016.
Lực lượng chiến lược Nga cũng có vài nâng cấp trong năm tới, gồm triển khai tên lửa Yars.
Loại tên lửa này được cho là câu trả lời cho kế hoạch Mỹ triển khai “tấm khiên” tên lửa phòng thủ ở Đông Âu.
Được cho là thay thế tên lửa Topol-M, Yars có 10 đầu đạn hạt nhân, sẽ khó thể ngăn chặn sức tấn công của nó.
Phó thủ tướng Rogozin hứa đến năm 2020, mỗi loại tên lửa Nga đều sẽ có loại mới thay thế.
Hải quân: Hạm đội Biển Đen thắng lớn trong năm nay, khi không còn phải thuê thuê căn cứ ở Crimea, nên Nga đầu tư mạnh cho hạm đội này.
Cuối năm 2015, Hạm đội Biển Đen sẽ nhận tàu hộ vệ mới lớp Đô đốc Grigorovich, hai tàu ngầm lớp Kilo vừa cải tiến độ tĩnh lặng và chạy bằng diesel-điện, cùng nhiều tàu hộ vệ tên lửa nhỏ Project 21631.
Đến năm 2016, Hạm đội Biển Đen có thêm 6 chiếc Đô đốc Grigorovich, 6 tàu ngầm lớp Kilo. Theo hãng tin RIA Novosti, hạm đội này có thêm nhiều chiếc tàu hộ vệ tên lửa nhỏ lớp Buyan-M.
Moscow tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đen, để làm đối trọng với sự hiện diện của NATO tại khu vực này. Cảng Sevastopol cũng là căn cứ chiến lược để triển khai hải quân Nga vào Địa Trung Hải.
Trong năm tới cũng sẽ thay tàu ngầm lớp Kilo. Theo hãng tin TASS, chiếc thứ hai của lớp tàu ngầm Project 677 Lada có tên Kronstadt sẽ được hạ thủy từ cuối năm 2015.
Lada là lớp tàu ngầm chạy diesel-điện, nhưng một số thông tin nêu nó có thể trang bị hệ thống lực đẩy không cần hơi, cho phép lặn sâu và đạt độ tĩnh lặng lớn, hiệu quản hơn lớp Kilo.
Trong khi đó, Hạm đội Biển Bắc đã bắt đầu nhận tàu ngầm chạy bằng hạt nhân lớp Borei và Yasen. Nhiều chiếc khác sẽ được giao trong năm 2015.
Đến năm 2020, hải quân Nga sẽ có ít nhất 8 chiếc của mỗi lớp tàu ngầm này ở hai Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.
Các tàu ngầm hạt nhân mới của Nga có lẽ là phần cứng quân sự mạnh nhất của Nga. Lớp Borei thay thế lớptàu hạt nhân cũ thời Liên Xô, tăng sức mạnh đáng kể cho lực lượng hạt nhân Nga, trong khi tàu ngầm “săn sát thủ” lớp Yasen giúp tăng khả năng săn tàu ngầm và tàu nổi của địch.
Không quân: trong năm tới sẽ có thêm các chiến đấu cơ MiG, Su và thậm chí oanh tạc cơ khổng lồ Tupolev.
Văn phòng báo chí của lực lượng này cho hãng tin RIA Novosti biết: đơn đặt hàng năm 2015 gồm 150 máy bay và trực thăng mới.
Số khí tài mới này gồm chiến đấu cơ đa năng Su-30, MiG-29, Su-34 và Su-35. Số máy bay tầm xa này vừa có thể cận chiến vừa ném bom.
Không quân Nga cũng muốn nhận nhiều máy bay vận tải An-148 và máy bay huấn luyện Yak-130.
Huấn luyện bay là một nhiệm vụ trọng tâm, với 30 thiết bị bay ảo cho các trung tâm huấn luyện phi công Nga.
Không quân Nga cũng muốn có thêm các trực thăng chiến đấu-vận tải Ka-52, Mi-28, Mi-8 để hỗ trợ bộ binh được hiện đại hóa.
Nhưng đó là những mẫu thiết kế cũ. Một trong những thiết kế đáng quan tâm nhưng được giấu trong năm 2015 là chiếc Sukhoi T-50 (còn có tên PAK FA) vốn còn đang thử nghiệm.
T-50 được nhắm cho không quân Nga cùng khách hàng là quân đội các nước khác, và được cho là đối trọng của chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.
Đơn đặt hàng cho không quân Nga còn có các hệ thống radar mới, triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Đó là một trong những loại tên lửa phòng không tốt nhất thế giới, có khả năng cùng lúc phóng 72 tên lửa vào 36 mục tiêu. Nó được cho là để ngăn chặn chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, và còn được cho là có thể ngăn chặn tên lửa đạo của địch.