Vị này giải thích rằng nguyên nhân Nga hủy bỏ thỏa thuận là do lo ngại hệ thống tên lửa có thể rơi vào tay các tổ chức cực đoan chống Israel. Khi đó, S-300 sẽ có thể được sử dụng để tấn công các máy bay dân dụng tại sân bay Ben Gurion.
"Chúng tôi rất lo ngại về vấn đề này' phần lớn cộng đồng người Nga ở Israel là một yếu tố lớn dẫn tới quyết định trên" - quan chức này cho biết.
Quyết định này của Nga được đưa ra sau cuộc họp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đổi lại, Nga muốn Israel ngưng các cuộc không kích vào Syria.
Ông Netanyahu, cùng với Cố vấn an ninh quốc gia của Israel là Yaakov Amidror đã thuyết phục Tổng thống Putin rằng hệ thống tên lửa S-300 nếu rơi vào tay các tổ chức cực đoan chống Israel thì bất cứ máy bay nào hạ hay cất cánh trên đất Israel sẽ đều nằm trong tầm ngắm của tên lửa S-300 từ Syria.
Trước đó, ông Netanyahu và ông Putin đã có buổi hội đàm tại Sochi (Nga), tuy nhiên, ngay sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn tuyên bố Moscow chẳng vi phạm gì khi cung cấp S-300 cho Syria và Nga sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng trị giá gần 900 triệu USD này. Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Putin đã không đạt được thỏa thuận nào trong buổi hội đàm trên.
Ông Lavrov cho biết Nga không có ý định ký kết với Syria các hợp đồng vũ khí mới, tuy nhiên, hợp đồng mua S-300 đã được ký trước khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra. Vì thế, Nga vẫn sẽ tiến hành theo đúng kế hoạch đã đặt ra giữa 2 bên.
Ngay sau đó, một số tờ báo Mỹ đã lan truyền thông tin rằng chuyến hàng S-300 đầu tiên có thể được chuyển đến Syria trong 3 tháng tới. Dư luận phương Tây còn cho rằng Nga sẽ cử 2 đội huấn luyện đến Syria để hướng dẫn cho binh sĩ Syria cách sử dụng loại vũ khí tiên tiến trên, thậm chí còn có tin hệ thống phòng không S-300 đã có mặt trên lãnh thổ Syria nhưng các giới chức Mỹ bác bỏ thông tin này.