Thông tin này được hãng RIA Novosti dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban công nghiệp quốc phòng Nga Oleg Bochkarev cho biết. Theo ông Bochkarev: "Hiện nay Nga đã thực hiện được những bước tiến mới theo hướng không quân chiến lược. Nhiệm vụ đã được đặt ra, hiện đang thực hiện phát triển máy bay loại mới này. Công việc thí nghiệm-thiết kế đang được tiến hành".
Trong khi đó, Tư lệnh trưởng Không quân Nga, Trung tướng Viktor Bondarev cho biết, máy bay PAK DA sẽ được giao cho Không quân Nga năm 2023. Vị quan chức này cho biết, đây sẽ là máy bay ném bom tầm xa cận âm và sẽ có thể giải quyết nhiệm vụ của ba loại máy bay hàng không tầm xa hiện nay là Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3.
Dù Nga rất tự tin về dự án phát triển máy bay PAK DA sẽ hoàn thành đúng kế hoạch, nhưng người Mỹ lại không nghĩ vậy. Về giá trị dự án, dù người Nga còn đang giữ bí mật, nhưng người Mỹ nhẩm tính chương trình máy bay LRS-B của Lầu Năm Góc ngốn khoảng 50 tỷ USD thì chương trình của Nga dù không có giá đó, những cũng tương đương vài chục tỷ USD.
Văn phòng thiết kế Tupolev (công ty hàng không và quốc phòng Nga) có vẻ đang tích cực đẩy mạnh phát triển loại máy bay mới này. Mikhail Pogosyan, Chủ tịch Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) cho biết họ đã cùng với Văn phòng Tupolev bắt đầu phát triển nghiêm túc dự án PAK-DA từ đầu năm 2014.
PAK-DA được mong đợi sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 2019 và hoàn tất thử nghiệm vận hành năm 2023, dẫn trước LRS-B của Không quân Mỹ một bước - dự kiến hoạt động khoảng giữa những năm 2020.
PAK-DA là một bước đột phá so với các mẫu ném bom cũ của Tupolev như Tu-22M Backfire và Tu-160 - đều dựa trên tốc độ siêu âm cao. PAK-DA cũng không phải là một máy bay loại nhỏ: tổng trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 125 tấn, tương đương kích cỡ của một chiếc Boeing 757. Đây chính là mẫu máy bay lý tưởng hiện nay Không quân Nga đang rất cần. Theo đó, phạm vi hoạt động phải đạt phạm vi khoảng 12.500 km và chở được 30 tấn vũ khí.
Trong khi chương trình máy bay PAK DA của Nga khiến Mỹ nghi ngờ, thì tiến độ máy bay LRS-B của Mỹ cũng thiếu tính khả thi theo đánh giá của Nga. Cụ thể, hồi tháng 12/2014, trang Sputnik dẫn lời một quan chức cấp cao trong Không quân Nga cho rằng chương trình phát triển máy bay ném bom - tấn công tầm xa (Long Range Strike-Bomber - LRS-B) khó hoàn thành theo kế hoạch. Vấn đề đáng chú ý với LRS-B là giá thành và chi phí phát triển dự án.
Đây không chỉ là nhận định của người Nga, Tư lệnh Không quân Mỹ, Tướng M. Donley cũng có chung nhận định này. Cụ thể, theo tính toán ban đầu, giá thành của mỗi máy bay LRS-B là 450-500 triệu USD, nhưng đó chỉ là còn số ước đoán, chi phí của toàn dự án vẫn chưa được hé lộ. Tuy nhiên theo một số nguồn tin tiết lộ, trong năm 2014, LRS-B đã được phân bổ 350-370 triệu USD.
Tuy LRS-B được công khai các thông tin liên quan tới tài chính, nhưng các vấn đề kỹ thuật sẽ vấn được giữ bí mật. Giống như dự án phát triển B-2, thông tin kỹ-chiến thuật của máy bay chỉ được công bố khi máy bay đưa vào trang bị.
Với giá thành khủng tới gần 2 tỷ USD/máy bay, quân đội Mỹ đã phải giảm số lượng mua máy bay B-2 xuống tối thiểu. Ở thời điểm hiện tại, giới chức Không quân Mỹ đã tính tới số lượng máy bay LRS-B cần mua vào khoảng từ 80 tới hàng trăm chiếc.
Như vậy, LRS-B sẽ thay thế hoàn toàn các đơn vị ném bom chiến lược hiện có. Việc này có khả thi hay không, hiện chỉ có Lầu Năm góc mới có câu trả lời chính xác, trong khi dự án tham vọng này chắc chắn sẽ bị Quốc hội Mỹ “hỏi thăm” về vấn đề tài chính và giá thành mỗi máy bay khi xuất xưởng.