Trong hầu hết các trường hợp, giới khoa học của quân Đồng minh đều phải vật lộn để đuổi kịp khoảng cách công nghệ này, và ngoài những phát minh riêng, họ còn “học lỏm” một số công nghệ quân sự từ Đức Quốc xã.
1. Chiến dịch đổ bộ từ trên không
Các chiến dịch đổ bộ từ trên không đầu tiên trong Thế chiến 2 là do Đức Quốc xã thực hiện khi xâm lược các nước châu Âu.
Đan Mạch, Pháp và Hà Lan đã nhanh chóng thất thủ khi các đơn vị lính dù nhỏ của Đức đánh chiếm cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc phá hủy những tuyến phòng thủ của những nước này.
Lính dù Mỹ trên máy bay vận tải C - 47 trong Thế chiến 2.
Nhưng trong Trận Crete, Anh đã xác định được chính xác vị trí mà quân Đức đổ bộ, nên Đức đã phải chịu những tổn thất nặng nề. Do đó, Hitler đã ngừng các chiến dịch trên không quy mô lớn.
Tuy nhiên, Anh và Mỹ lại rất ấn tượng trước khả năng của lính dù Đức trong việc hoàn thành nhiệm vụ, bất chấp những tổn thất. Quân Đồng minh quyết tăng cường đào tạo các đơn vị không quân.
Nhờ được đào tạo bài bản, lính dù Mỹ đã góp phần tạo nên thắng lợi của quân đồng minh trong cuộc đổ bộ lên Sicily và Normandy vào những năm cuối của cuộc chiến.
2. Công nghệ Synchropter
Quân đội Mỹ sử dụng công nghệ Synchropter để sản xuất trực thăng cứu hộ và cứu hỏa HH-43.
Synchropter là một công nghệ đặc biệt dùng cho trực thăng, sử dụng hai bộ cánh quạt được đặt cạnh nhau và hai trục được đặt nghiêng theo hình chữ V, quay ngược chiều nhau, khớp nhau bằng bánh răng sao cho các lá cánh quay giao vào nhau nhưng không va vào nhau.
Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân Mỹ áp dụng công nghệ này để sản xuất trực thăng cứu hộ và cứu hỏa HH-43 trong những năm từ thập niên 50 tới 70.
Các thiết kế mà Mỹ áp dụng cho mọi loại trực thăng đều lấy nguyên mẫu từ một chiếc Fleittner Fl 282 của phát xít Đức, vốn được khôi phục sau khi quân Đồng minh hạ nó trong Chiến dịch Lusty.
Phi công của Đồng minh không chỉ phục hồi chiếc trực thăng bị bắn hạ mà còn bắt giữ nhà thiết kế Anton Flettner trong chiến dịch Paperclip.
3. Chiến đấu cơ phản lực
Một chiến đấu cơ Messerschmitt Me 262.
Messerschmitt Me 262 là loại máy bay chiến đấu sử dụng động cơ phản lực đầu tiên trên thế giới do Đức Quốc xã chế tạo, và nó rất có hiệu quả khi chống lại các phi đội máy bay ném bom của quân Đồng minh.
Cả Mỹ và Liên Xô đều giữ lại những chiếc Me 262 bị bắn hạ để nghiên cứu khi họ thu được trên lãnh thổ Đức. Máy bay chiến đấu F-86 Sabre của Mỹ hay tiêm kích MiG-15 của Liên Xô đều là “thế hệ con cháu” của Me 262 khi chúng đối đầu nhau trong Chiến tranh Triều Tiên.
Quân đội Mỹ cũng thu giữ Arado Ar 234, máy bay ném bom được trang bị động cơ phản lực, do phát xít Đức chế tạo. Công nghệ sản xuất Arado được Mỹ áp dụng trong quá trình chế tạo máy bay ném bom B-45 và B-47 của lực lượng không quân.
4. Tên lửa hành trình
Tháng 6/1944, những quả bom bay V-1 đã trút xuống London. Những quả bom này của Đức Quốc xã không có độ chính xác cao nhưng chúng đã gây ra một tâm lý chết chóc nặng nề cho người Anh.
Trong khi đó, Mỹ muốn chế tạo một phiên bản của riêng mình để chuẩn bị cho cuộc tấn công Nhật Bản. Họ đã khôi phục các mảnh vỡ của V-1 và đến tháng 9/1944, Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa hành trình JB-2 Loon, một bản sao của bom bay V-1.
Tuy nhiên, JB-2 không bao giờ được khai hỏa vì Mỹ đã sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Nhật Bản. Sau đó, công nghệ của V-1 tiếp tục được ứng dụng trong quá trình sản xuất tên lửa hành trình đất đối đất MGM-1 Matador.
5. Methamphetamine
Methamphetamine (chất kích thích thần kinh) được một nhà hóa học người Nhật Bản phát minh năm 1893, nhưng nó được sử dụng lần đầu tiên bởi Đức Quốc xã.
Tin tức về một loại thuốc kỳ diệu giúp cho những thủy thủ trên tàu chở dầu và phi công tỉnh táo đã xuất hiện trong quân Đồng minh, những người cũng đang muốn tìm ra một cách để duy trì tinh thần tỉnh táo cho các thủy thủ và phi công của họ.
Tuy nhiên, tình hình càng trở nên tồi tệ khi quân Đồng minh sử dụng loại thuốc này và họ đã ngừng cung cấp thuốc cho các phi công. Nhưng các đơn vị bộ binh của họ vẫn sử dụng methamphetamine để khắc phục mệt mỏi.
6. Công nghệ tên lửa
Apollo chuẩn bị rời bệ phóng.
Ngành khoa học tên lửa là một trong những lĩnh vực quan trọng trong chiến dịch Paperclip do Mỹ thực hiện nhằm thu hút các nhà khoa học của Đức Quốc xã tới Mỹ sau Thế chiến 2.
Khi Đức Quốc xã bị đánh bại, Mỹ và Liên Xô đều tìm cách thu thập tài liệu kỹ thuật của tên lửa V-2 nhằm phục vụ chương trình không gian của họ.
Việc đánh cắp công nghệ tên lửa V-2 và tuyển dụng các nhà khoa học chế tạo ra nó đã mở đường cho các chương trình tên lửa của Mỹ, từ tên lửa Redstone tới Saturn và Apollo.
Tên lửa Saturn, được sử dụng trong chương trình Apollo, là tên lửa duy nhất đã đưa con người bay ra khỏi quỹ đạo trái đất.