Cuộc chiến cuối cùng của kỵ binh

Lê Hùng |

Ngày 26/4/1945, các chiến sỹ kỵ binh của Tập đoàn quân kỵ binh cận vệ số 7 bắt đầu tấn công Brandenburg, thành phố cách Berlin 40 km về phía tây.

1.Các cụ dạy: “ Khuyển mã chi tình” - nói theo ngữ đời thường thì ngựa và chó là hai giống vật trung thành nhất của con người.

2. Chúng ta đã nói tới những chú chó trong cuộc Chiến tranh vệ quốc. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không kể tới thành tích của một giống vật khác trong bộ đôi này - đó là những chú ngựa.

3. Hiện vẫn có nhiều quan điểm khác nhau trong giới phân tích quân sự về vai trò của kỵ binh trong cuộc Chiến tranh vệ quốc.

Khuôn khổ bài báo ngắn, chúng ta không đề cập tới ở đây (và cũng không đủ trình độ để bàn luận), chỉ xin dẫn ra các số liệu và ý kiến của một số “ người trong cuộc”.

4. Trước ngày lễ 9/5, rất nhiều ý kiến về tầm quan trọng của “Lend-lease” Mỹ cho Liên Xô trong Chiến tranh. Nhưng có một “ Lend-lease” khác mà ít người để ý - và như thế là rất không công bằng.

1. Kỵ binh - lực lượng tác chiến rất hiệu quả trong trận chiến với Phát xít Đức

Ngày 26/4/1945, các chiến sỹ kỵ binh của Tập đoàn quân kỵ binh cận vệ số 7 bắt đầu tấn công thành phố Brandenburg, cách Berlin 40 km về phía tây.

Như vậy, chính kỵ binh là lực lượng cuối cùng khép kín vòng vây quanh Berlin trong chiến dịch công kích cuối cùng của cuộc Chiến tranh vệ quốc.

Tổng cộng đã có 12 sư đoàn kỵ binh Xô Viết với hơn 100.000 chiến sỹ kỵ binh tham gia chiến dịch tấn công Berlin. Lực lượng kỵ binh đã là một lực lượng tác chiến có hiệu quả và tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng.

2. Kỵ binh đỏ và Cô dắc thời Xô Viết

Trước chiến tranh, cùng với việc phát triển mạnh các đơn vị tăng - thiết giáp, giới lãnh đạo Xô Viết đã thẳng tay cắt giảm lực lượng kỵ binh. Quân số kỵ binh Xô Viết trong các năm từ 1937 đến 1941 bị cắt giảm hơn một nửa.

Nhưng những hoạt động tác chiến trên những thảo nguyên rộng lớn không có đường sá ở Đông Âu đã buộc giới lãnh đạo Xô Viết xem xét lại quan điểm của mình đối với kỵ binh.

Ngay ngày 15/7/1941, nguyên soái Zukov, sau khi sơ kết kinh nghiệm của 3 tuần đầu chiến tranh đã viết trong chỉ thị của Tổng hành dinh Bộ tư lệnh tối cao như sau: “Quân đội ta đã đánh giá không đầy đủ ý nghĩa của kỵ binh.

Trong tình hình hiện nay ở các mặt trận, khi hậu phương của đối phương kéo dài vài trăm km trong khu vực rừng, thảo nguyên thì các cuộc đột kích của kỵ binh có thể giữ vai trò quyết định trong việc làm rối loạn việc điều hành và cung cấp đảm bảo cho Quân đội Đức...”

Mùa hè năm 1941, trong trận chiến phòng thủ Smolensk, các đợt đột kích của 5 sư đoàn kỵ binh Xô Viết vào hậu phương Quân Đức đã góp phần quyết định vào chiến thắng của Hồng Quân.

Trong trận phản công đầu tiên của Quân đội Xô Viết tại Elnhia, chính các chiến dịch đột kích của Kỵ binh Hồng Quân đã ngăn được lực lượng dự bị của Quân Đức tăng cường và đã đảm bảo cho chiến dịch phản công thắng lợi.

Trong các tháng 11, 12/1941, trong chiến dịch bảo vệ Matxcova, gần 1/4 các sư đoàn Xô Viết tham gia chiến dịch này là các sư đoàn kỵ binh.

Có 2 Tập đoàn quân kỵ binh đã phong danh hiệu” tập đoàn quân cận vệ” trong chiến dịch này vì đã giữ một vai trò chiến lược trong chiến dịch phản công của Quân đội Xô Viết.

Nhờ có khả năng cơ động cao trên những thảo nguyên đầy tuyết vào mùa đông quanh Matxcơva nên kỵ binh đã làm rối loạn hoạt động trong hậu phương quân Đức và đánh bại lực lượng dự bị của chúng từ lúc chưa tham chiến...

Kinh nghiệm tác chiến thời gian đầu cuộc Chiến tranh đã buộc Bộ Tổng tư lệnh tối cao quyết định nhanh chóng tăng cường quân số của kỵ binh.

Nếu như ngày 22/6/1941 ( ngày bắt đầu chiến tranh) , Hồng quân chỉ có 13 sư đoàn kỵ binh với 116 .000 chiến sỹ, thì đến mùa xuân năm 1943, con số các sư đoàn đã là 26 với gần 250.000 sỹ quan và chiến sỹ.

Các đơn vị kỵ binh Xô Viết đã tham gia vào tất cả các chiến dịch tấn công lớn trong các năm 1942 - 1944.

Phần lớn các chiến sỹ kỵ binh xuất thân từ các vùng thảo nguyên Sông Đông và Cu băng - các cái nôi của Lực lượng kỵ binh Cô Dắc nổi tiếng (có rất nhiều tác phẩm về sự thiện chiến của kỵ binh Cô dắc - “Sông Đông êm đềm” của Solokhov là một ví dụ).

02 quân đoàn kỵ binh cận vệ trong Chiến tranh vệ quốc được chính thức đặt tên là các quân đoàn kỵ binh Cô dắc. Trong năm 1945, Tập đoàn quân kỵ binh cận vệ Sông Đông số 5 đã tiến quân đến tận Viên, còn Tập đoàn quân kỵ binh cận vệ Cu băng đã giải phóng Praha.

3. Cuộc chiến tranh của những chú ngựa

Trong Chiến tranh vệ quốc, ngựa không chỉ tham chiến trong các đơn vị kỵ binh - đến ngày 22/6/1941, số lượng ngựa được sử dụng trong Hồng quân Liên Xô là 526.400 con, nhưng đến ngày 01/9 /1945 thì con số này đã là 1.324.000 con.

Ví dụ, trong biên chế của mỗi trung đoàn bộ binh có 350 con ngựa để kéo pháo, vận chuyển lương thực đạn dược và kéo xe nhà bếp. Mỗi sư đoàn bộ binh Xô Viết được biên chế 3.039 con ngựa.

Lính kỵ binh Xô Viết trong hậu phương Quân Đức. Ảnh : voenpravda.ru

Lính kỵ binh Xô Viết trong hậu phương Quân Đức. Ảnh : voenpravda.ru

Nhưng trong Quân đội Đức, số lượng “quân nhân bốn chân” này còn nhiều hơn - cũng theo biên chế thì mỗi sư đoàn bộ binh Đức có hơn 6.000 con ngựa.

Mặc dù đến thời điểm tấn công Liên Xô, số lượng xe ô tô vận tải của Quân Đức nhiều hơn nhiều so với Quân đội Xô Viết, nhưng người Đức cũng đã sử dụng hơn 1 triệu con ngựa, 88% trong số đó là ở các sư đoàn bộ binh.

Tổng cộng Quân Đức đã sử dụng trên mặt trận Phía Đông trong suốt những năm chiến tranh hơn 3 triệu con ngựa.

Như vậy, Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai không chỉ là cuộc chiến của các động cơ đầu tiên trên trái đất và còn là cuộc chiến vĩ đại cuối cùng của kỵ binh và các chú ngựa.

Những chú ngựa đã mang trên mình gánh nặng của cuộc chiến theo đúng nghĩa đen của từ này - cả ở hai phía - Đức và Liên Xô.

4. Những ưu thế của ngựa

Cùng có chức năng vận tải, nhưng ngựa có một loạt ưu thế so với xe ô tô - thứ nhất là di chuyển tốt hơn ở những nơi không có đường hoặc đường xấu.

Thứ hai là không phụ thuộc vào việc cung cấp nhiên liệu (đây là cả một vấn đề trong điều kiện tác chiến), và có thể tự tìm cỏ dưới tuyết để ăn trong một thời gian dài (trên các thảo nguyên thì ở đâu cũng có cỏ), và rất có thể lại làm thức ăn cho người trong trường hợp tối cần thiết…

Mùa xuân năm 1942, tất cả các sư đoàn kỵ binh Xô Viết bị bao vậy đã phải thịt một số ngựa của mình nhưng tất cả đều đã thoát ra khỏi vòng vây của Quân Đức.

Ngựa còn là phương tiện chiến tranh không thể thay thế của du kích. Lãnh đạo phong trào du kích tại Ucraine, Sidor Archemevich Kovpak đã viết về vấn đề này như sau: "chiến sỹ du kích đi bộ chỉ có một bán kính hoạt động hạn chế và không thể đi quá xa căn cứ…

Nhưng chiến sỹ du kích cưỡi ngựa trong suốt mùa đông năm 1942 đã trở thành một mối đe dọa đáng sợ và có thể giáng những đòn chí tử cho Quân Đức".

Suốt đêm mùa đông, kỵ binh có thể cơ động được 80 đến 100 km và đến sáng bất ngờ tấn công các đồn trại của Quân Đức.

Trong điều kiện chiến tranh du kích, không một động cơ, không một loại máy móc nào có thể thay thế được ngựa. Thứ nhất, xe ô tô cần phải có nhiên liệu, trong khi cỏ cho ngựa thì tìm chỗ nào cũng có.

Thứ hai, dù một thiết bị giảm thanh có hiện đại đến mấy thì cũng không thể triệt tiêu tiếng ồn của động cơ, trong khi ngựa chỉ cần bọc móng là có thể đi vòng qua các đồn trại của lính Đức ở cự ly 50 đến 100 m và không hề gây ra một tiếng động nào.

Thứ ba, ô tô cần phải có đường. Còn chúng tôi, trong điều kiện không hề có đường và bão tuyết, sương mù... ngay cả khi máy bay cũng không thể cất cánh được vẫn có thể cơ động từ 50 đến 60 km trong một đêm.

X.M.Budionyi (người chỉ huy kỵ binh huyền thoại trong Nội chiến - sau là Nguyên soái) đã rất có lý khi khẳng định trước Chiến tranh vệ quốc là ngựa sẽ còn chứng minh được mình trong cuộc chiến tranh này.

Vào lúc đó, trên những thảo nguyên không có đường sá ở Đông Âu ngựa đã chứng minh được vai trò không thể thay thế của mình - thời đại của xe địa hình và xe bánh xích, đó là câu chuyện sau này.

Chính kỵ binh là công cụ không thể thay thế trong các chiến dịch đột phá và tập kích vào hậu phương của đối phương. Những chiến sỹ kỵ binh Xô Viết đã tham gia vào các chiến dịch bao vây quân Đức.

Trong các chiến dịch tấn công Liên Xô thường sử dụng “ các nhóm hỗn hợp kỵ binh-cơ giới” kết hợp sức mạnh đột phá của xe tăng và khả năng cơ động của kỵ binh.

Có thể nói kỵ binh là “ lính bộ binh trên lưng ngựa”, có thể hành quân không cần đường tới 100 km mỗi ngày đêm. Lịch sử Chiến tranh vệ quốc cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tấn công và trận đánh kỵ binh cổ điển.

Ví dụ, sáng ngày 2/8/1942, lính kỵ binh Cô dắc của Sư đoàn kỵ binh Cu băng số 13 đã khôn khéo lợi dụng các vùng cỏ cao che khuất đầu người, bất ngờ tấn công bộ binh Đức ở làng Kushevska.

Bộ Tổng tư lệnh Đức cũng nhanh chóng hiểu ra là đã không đánh giá hết sức mạnh của kỵ binh và đến cuối năm 1944 đã thành lập Tập đoàn quân kỵ binh số 1 từ các sư đoàn kỵ binh của Đức và Hungary.

Người Đức cũng đã thành lập 02 sư đoàn kỵ binh SS. Tất cả các binh đoàn trên đã bị Hồng quân đánh bại trong các trận đánh giành Budapest đầu năm 1945.

Cũng chính Budapest là địa điểm đã xảy ra trận chiến kỵ binh cổ điển và cuối cùng trong lịch sử các cuộc chiến tranh bằng kỵ binh.

Kỵ binh Cô dắc của Quân đoàn kỵ binh Sông Đông số 5 đã tấn công kỵ binh đối phương, chém chết gần 150 lính kỵ binh SS và bắt được hơn 100 con ngựa.

5. Cày ruộng bằng bò sữa

Từ năm 1942 đến năm 1945, Hồng quân Liên Xô có hơn 2 triệu con ngựa. Tổng cộng trong suốt thời gian chiến tranh đã huy động hơn 3 triệu con.

Chúng, cũng như con người, bị thương và bị chết trong chiến tranh. Ngựa chết vì kiệt sức, đói và bệnh tật. Hơn 2 triệu con ngựa bị thương và đã được các bác sỹ thú ý quân đội chữa khỏi.

Pháo binh vượt sông Sheshup bằng ngựa . Ảnh: feldgrau.info

Pháo binh vượt sông Sheshup bằng ngựa . Ảnh: feldgrau.info

Nếu như các số liệu thống kê về con số người chết trong chiến tranh có khác nhau thì thống kế về tổn thất ngựa cũng như vậy. Có số liệu cho rằng, trong các năm từ 1941 đến 1945 Quân đội Xô Viết đã mất gần 8 triệu con ngựa trên các khu vực lãnh thổ bị chiếm đóng.

Trong số đó có 2 triệu con bị Quân Đức bắt và mang đi. Ở các khu Kharkov, Voroshilovgrad (nay là Lugansk-Đông Nam Ucraine), Zaporozskaia và các vùng khác của Ucraine, sau khi giải phóng, số ngựa còn lại chỉ còn 10% so với trước chiến tranh.

Trong điều kiện như vậy, nguồn bổ sung ngựa cho Quân đội Xô Viết chủ yếu là từ các vùng nông thôn Nga.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong cơ khí hóa nông thôn trong những năm trước chiến tranh, nhưng ngựa vẫn là lực lượng lao động “cơ bản”, chính vì vậy mà việc “tổng động viên” lực lượng này đã là một gánh nặng khủng khiếp đối với nông dân Nga.

Ngay trong năm đầu tiên của Chiến tranh, tỷ lệ cơ giới hóa nền nông nghiệp bị giảm rất mạnh.

Đến năm 1942, đã có tới 72% máy kéo và 80% xe ô tô vận tải của các nông trang, nông trường được trưng dụng cho Quân đội, còn những xe còn lại cũng không đủ nhiên liệu để hoạt động.

Phần lớn công việc nhà nông buộc phải sử dụng hoàn toàn bằng sức ngựa - có thể nói mà không sợ quá lời như sau:

Trong những năm chiến tranh nếu không có ngựa thì không chỉ không thể tiến hành các hoạt động tác chiến mà còn không thể đảm bảo bánh mỳ cho cả tiền tuyến lẫn hậu phương.

Mặc dù vậy, tất cả các nơi đều thiếu ngựa - những chú ngựa tốt nhất được huy động cho Quân đội, những con còn lại - vì lao động quá sức nên bị ốm đau và chết.

Chính vì vậy mà ở ngya các khu vực hậu phương của Liên Xô, số lượng ngựa “lao động” cho đến cuối chiến tranh chỉ còn rất ít.

Một dẫn chứng, mùa hè năm 1944, Usman Kamaleevich Khisamutdinov, Chủ tịch nông trang mang tên Kirov của khu Ileksk Vùng Chkalov (nay là Vùng Orenburg), sau này trở thành anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa đã báo cáo với lãnh đạo khu như sau:

Trong vụ cày xuân năm 1944, nông trang đã sử dụng 204 con bò đực, 13 con lạc đà, 20 con bò sữa và 6 con ngựa cuối cùng. Tổng cộng trong số 243 con được sử dụng để cày thì chỉ có 2,5% trong số đó là ngựa - thua cả bò sữa.

Không phải ngẫu nhiên mà trong năm 1944, tại Liên Xô đã có treo các bức tranh cổ động nhưng hướng dẫn cách dùng bò sữa để cày ruộng.

6. Lend-lease (cho vay và cho thuê) từ Mông Cổ

Ngay từ năm đầu chiến tranh, do Quân Đức tiến quá nhanh nên Liên Xô đã mất gần một nửa số ngựa.

Đến tháng 6 năm 1941, Liên Xô có 17,5 triệu con ngựa, còn đến mùa thu năm 1942, trên những khu vực lãnh thổ chưa bị Quân Đức chiếm đóng, số lượng ngựa chỉ còn 9 triệu con, kể cả ngựa non chưa thể làm việc.

Ngựa trên những đống đổ nát của Stalingrad .Ảnh : portal-kultura.ru

Ngựa trên những đống đổ nát của Stalingrad .Ảnh : portal-kultura.ru

Nhưng trong điều kiện chiến tranh thì điều tệ hại nhất lại là ở chỗ không thể khẩn cấp tăng số lượng ngựa- nuôi ngựa không phải là sản xuất ô tô.

Để một con ngựa non có thể làm được một việc gì đó cần phải có thời gian - không thể rút ngắn khoảng thời gian này bằng các mệnh lệnh hành chính dù của bất cứ cấp nào, không thể đầu tư tiền của hay công nghệ được để tăng “ sản lượng” được.

Và ngay từ đầu Chiến tranh vệ quốc, ngoài nguồn ngựa trưng dụng từ nông thôn, Liên Xô còn có một nguồn cung cấp ngựa duy nhất khác - đó chính là Mông Cổ.

Những người Bolshevich trong những năm 20 đã gần như tự mình thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa này từ một vùng xa xôi hẻo lánh của Đế quốc Thanh.

Ngoài việc Cộng hòa nhân dân Mông Cổ đã từng là bàn đạp của Liên Xô chống lại Mãn Châu Lý của Quân phiệt Nhật bản, nước này còn giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo khả năng cơ động của Quân đội Xô Viết trong những năm Chiến tranh vệ quốc.

Mông Cổ là một đất nước du mục và số lượng ngựa còn nhiều hơn số dân - ngựa sống hoang dã trên các thảo nguyên. Việc đưa ngựa từ Mông Cổ sang Liên Xô bắt đầu từ năm 1941.

Còn từ tháng 3/1942, chính quyền Mông Cổ bắt đầu “chuẩn bị cung cấp ngựa theo kế hoạch” cho Liên Xô. Trong 4 năm chiến tranh, Mông Cổ đã chuyển giao cho Liên Xô hơn 500.000 con ngựa - người Liên Xô gọi đó là “ngựa Mông Cổ”.

Đây phải nói là sự giúp đỡ cực kỳ quý báu đối với Liên Xô. Trong các năm 1941-1945, Liên Xô đã không thể dùng bất cứ ngoại tệ gì và mua ở đâu được nửa triệu con ngựa.

Ngoài Mông Cổ, ngựa với một số lượng lớn như vậy chỉ có thể mua ở Bắc và Nam Mỹ - đấy là chưa nói về giá (mua một số lượng lớn và trong một thời gian ngắn thế nào cũng bị ép giá).

Không những thế việc vận chuyển bằng đường biển những động vật sống cũng cực kỳ phức tạp so với các loại hàng hóa khác.

Ngựa từ Mông Cổ được cung cấp cho Liên Xô theo kế hoạch, theo một cái giá tượng trưng, chủ yếu là để thanh toán các khoản nợ cho Liên Xô.

Như vậy, tất cả các khoản đầu tư về chính trị, quân sự và kinh tế của Liên Xô cho Mông Cổ đều đã sinh lời. Còn người Mông Cổ chuyển giao “ Lend-lease” ngựa cho Liên Xô rất kịp thời , bổ sung nguồn “ phương tiện kỹ thuật quân sự’ này cực kỳ đúng lúc.

Không những thế, những chú ngựa bán hoang dã Mông Cổ không khó tính và có sức chịu đựng cực tốt - phù hợp với những điều kiện khắc nghiệt của “Mặt trận phía Đông” hơn nhiều những “ đồng loại quý tộc Châu Âu”.

Không phải tự nhiên mà Tướng Issa Aleksandrovich Pliev, - người đã từng chiến đấu trong các cụm quân kỵ binh - cơ giới từ năm 1941 đến năm 1945 từ Smolensk, qua Stalingrad đến Budapest và Mãn Châu Lý đã viết:

"Những chú ngựa dễ tính Mông Cổ đã cùng với xe tăng Xô Viết tiến đến tận Berlin”. Trong các năm từ 1943 - 1945, 1/5 số ngựa được sử dụng trên mặt trận là ngựa Mông Cổ.

Người Nga hiện nay rất thích bàn luận về tác động và ảnh hưởng của "Lend-lease" máy bay, ô tô... Mỹ đối với Chiến thắng. Nhưng hình như người ta đã quên “Lend-lease ngựa” rất quý giá từ Mông Cổ.

7. Cuối cùng: cái kết buồn nhưng không tránh khỏi của kỵ binh

Đến cuối Chiến tranh vệ quốc, trong Quân đội Xô Viết có 8 quân đoàn kỵ binh, trong đó có 7 quân đoàn được mang tên “cận vệ”. Mỗi quân đoàn có trong biên chế 03 sư đoàn kỵ binh và các đơn vị tăng, phòng không và pháo binh.

Việc cắt giảm kỵ binh Xô Viết được tiến hành ngay sau khi chiến tranh kết thúc - lý do cũng dễ hiểu, ngựa đang rất cần để khôi phục lại nền nông nghiệp bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

Ngay mùa hè năm 1945, 3 sư đoàn kỵ binh đã bị giải thể, năm 1946, tất cả các quân đoàn kỵ binh được tái tổ chức thành các quân đoàn cơ giới hoặc bị giảm quân số xuống còn quy mô sư đoàn.

Đến mùa thu năm 1946, trong số 26 sư đoàn kỵ binh đến cuối chiến tranh chỉ còn lại 5 sư đoàn.

Chỉ trong kỷ nguyên vũ khí nguyên tử và cơ giới hóa thì thời đại của kỵ binh mới hoàn toàn kết thúc và ngựa cuối cùng đã phải nhường chỗ cho phương tiện kỹ thuật.

Trong thập kỷ đầu tiên sau chiến tranh tất cả các sư đoàn kỵ binh còn lại đều dần dần chuyển thành các sư đoàn tăng hoặc sư đoàn bộ binh cơ giới.

Hai sư đoàn kỵ binh cuối cùng của Quân đội Xô Viết bị loại khỏi biên chế mùa thu năm 1954 - Sư đoàn kỵ binh cận vệ Cô dắc Cu băng bị giải thể. Còn Sư đoàn kỵ binh cận vệ Cô dắc Sông Đông được tái tổ chức thành sư đoàn tăng.

Đơn vị kỵ binh cuối cùng trong lịch sử Quân đội Nga là Trung đoàn kỵ binh độc lập của Bộ Quốc phòng Liên Xô, được sử dụng chủ yếu để đóng các phim lịch sử. Hiện nay, đơn vị kỵ binh đó đã được rút gọn và nằm trong biên chế của Trung đoàn Kremlin của Tổng thống Nga.

>>> Sức mạnh "la thồ hàng không" hiện đại của Israel

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại