Đài tiếng nói nước Nga (phiên bản Việt ngữ) đăng bài viết có tiêu đề "Vũ khí của Nga vẫn bảo vệ bầu trời Việt Nam". Dưới đây là nội dung bài viết:
Cách đây nửa thế kỷ, Không quân Hoa Kỳ bắt đầu ném bom xuống miền Bắc Việt Nam. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, Lực lượng Phòng không Việt Nam bắn hạ chiếc máy bay Mỹ đầu tiên. Trong những năm tháng chiến tranh, có tất cả 4.181 máy bay của Mỹ đã bị bắn rơi, trong đó khoảng một phần ba do trúng tên lửa phòng không do Liên Xô sản xuất.
Hàng nghìn sĩ quan và quân nhân Xô viết đã tham gia công tác phục vụ và đào tạo kỹ thuật, ngồi sau bảng điều khiển phóng tên lửa, tận tình hướng dẫn cho các đồng nghiệp Việt Nam. Sự đóng góp của chuyên gia quân sự Liên Xô vào chiến thắng chống Mỹ của nhân dân Việt Nam thật to lớn. Việt Nam cũng trở thành một trong những trang tiểu sử rực rỡ của họ. Hàng năm, vào ngày 5 tháng 8, các cựu chiến binh Nga từng có mặt ở Việt Nam lại tổ chức gặp gỡ để nhắc tới những năm tháng tuổi trẻ trong sự nghiệp nhà binh, nhớ tới các đồng đội người Việt.
Năm nay, cuộc hội ngộ diễn ra lần thứ 45. Đến Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva có gần 100 cựu chiến binh từ nhiều thành phố trong nước. Họ chia sẻ kỷ niệm, cảm ơn sự quan tâm của phía Việt Nam, cùng hát những bài hát Nga và Việt Nam. Mặc dù tóc từ lâu đều đã bạc, nhưng trong buổi gặp này họ cảm thấy mình vẫn trẻ trung, đầy sinh lực và sẵn sàng lần nữa giúp đỡ các bạn Việt Nam. Tình cảm ấm áp đối với Việt Nam được các cựu chiến binh truyền lại cho con cháu họ, - ông Nikolai Kolesnik, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch danh dự Tổ chức xã hội liên khu vực Các cựu chiến binh ở Việt Nam cho biết:
“Tổ chức của chúng tôi hiện có 220 người. Ở Moskva, tỉnh Moskva, St Petersburg, khu vực Tatarstan, tỉnh Svedlovsk và Bryansk, chúng tôi có cả các chi hội. Đồng đội lần lượt ra đi nhưng chúng tôi lại tìm thấy những cựu chiến binh mới ở các thành phố và khu vực khác của đất nước, con cái, thậm chí cháu chắt họ tìm đến chúng tôi. Việt Nam mãi mãi là một phần cuộc sống của các cựu chiến binh và gia đình họ”.
Tổ hợp tên lửa S-75 Dvina
Tên lửa phòng không Dvina của Liên Xô bắt đầu được đưa tới Việt Nam năm 1965. Đến tháng Bảy, diễn ra trận đánh đầu tiên và Dvina bắn hạ bốn máy bay của Mỹ. Gần 50 năm trôi qua, nhưng đối với các cựu chiến binh trận đánh ấy tưởng như mới diễn ra hôm qua. Đại tá về hưu Konstantin Karetnikau cho biết, ông là một sĩ quan dẫn thiết bị tên lửa:
“Chúng tôi làm việc trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Ngồi 4-5 giờ trong buồng ca-bin kim loại khóa chặt, nơi nhiệt độ lên tới 70 độ C. Cái nóng nhiệt đới và độ ẩm cao, những trận bom và hỏa lực của phòng không Việt Nam. Nhưng chúng tôi cảm thấy trách nhiệm rất lớn - chúng tôi đang đại diện cho đất nước, chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ nhân dân anh em. Làm thế nào để tiêu diệt nhiều máy bay của quân xâm lược, bảo vệ các nhà máy, cầu đường, các thị trấn, làng mạc và truyền lại cho các chiến sĩ tên lửa Việt Nam tất cả những gì mà chúng tôi biết”.
Hệ thống phòng không S-300 trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Quân đội Nhân dân.
Ngày nay, bầu trời Việt Nam tiếp tục được các thiết bị quân sự của Nga bảo vệ một cách tin cậy. Nga đang cung cấp cho Việt Nam các máy bay, trực thăng, hệ thống phòng không, - Đại tá về hưu Igor Novoselov, Trợ lý Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Viện Duma Liên bang Nga cho biết:
“Quân đội Việt Nam được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không S-300. Trong tương lai không xa, thay thế chúng sẽ là các S-400 – những tổ hợp tên lửa hiện đại nhất. S-400 bắn hạ mục tiêu ở các độ cao lớn và nhỏ, hoạt động trên diện tích rộng. Với Việt Nam - đối tác chiến lược của chúng ta ở Đông Nam Á – nước Nga đang duy trì sự hợp tác quân sự và kỹ thuật rất hiệu quả.”
Ngày nay, các quân nhân Việt Nam đứng sau bảng điều khiển kỹ thuật của hệ thống tên lửa phòng không do Nga sản xuất. Nhưng đối với quân đội và nhân dân Việt Nam, ký ức về các chuyên gia quân sự Liên Xô sẽ không bao giờ bị phai mờ.
Hệ thống S-400 bắn đạn thật
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA