Cho đến nay, Kremlin vẫn bác bỏ mọi sự liên quan trực tiếp đến cuộc chiến giữa chính phủ Ukraine và phe ly khai ở miền đông. Ngay cả những công dân Nga hiện đang nắm các vị trí lãnh đạo của phe ly khai cũng tự nhận mình là những người tình nguyện và không có mối liên kết nào với Kremlin. Vì vậy, khi thông tin về việc một lính Nga chụp hình "tự sướng" bên trong lãnh thổ Ukraine xuất hiện từ cuối tuần trước thì nó đã nhanh chóng lan truyền và được xem là một trong những bằng chứng rõ ràng đầu tiên về sự can thiệp trực tiếp của Nga.
Alexander Sotkin là một lính thông tin trong quân đội Nga và có tài khoản trên cả 4 mạng xã hội là Twitter, Facebook, Instagram và VK (một mạng xã hội phổ biến ở Nga). Sotkin bắt đầu đăng những bức ảnh về đợt triển khai ở gần biên giới với Ukraine từ cuối tháng 6. Nhưng khi Sotkin chụp và tải những bức ảnh trên lên Instagram thì một tính năng của mạng xã hội này gọi là "Photo Map" cũng đồng thời được kích hoạt và ghi nhớ vị trí nơi những bức ảnh được chụp.
Phần lớn những bức ảnh của Sotkin có vị trí bên trong lãnh thổ Nga, tuy nhiên trong một bức ảnh ngày 6/7, với tiêu đề “Đã đến giờ đi ngủ”, thì dữ liệu tọa độ cho thấy nó được chụp bên trong lãnh thổ Ukraine, quanh khu vực Krasnaya Talovka. Nơi này cách Voloshino (khu vực mà theo những bức ảnh trước đó là nơi đơn vị của Sotkin đang đóng quân) khoảng 15km.
Thông thường Photo Map sử dụng dữ liệu từ GPS, với độ chính xác khá cao, sai lệch chỉ 20-30m, trừ khi chủ tài khoản cố ý chỉnh sửa dữ liệu. Tuy nhiên, nếu thiết bị mà Sotkin dùng để chụp ảnh không có GPS, hoặc tín hiệu GPS bị gián đoạn vì lí do nào đó, Photo Map sẽ chuyển sang phương pháp khác để xác định tọa độ.
Điện thoại di động có thể tự định vị bằng cách xác định khoảng cách đến các trạm thu phát sóng quanh đó và dùng phép đo tam giác để xác định tọa độ của mình. Phương pháp này có sai số cao hơn GPS, đặc biệt là nếu mật độ các trạm thu phát sóng thấp, như tại khu vực gần biên giới Nga-Ukraine. Như vậy, những bức ảnh của Sotkin với tọa độ nằm bên trong lãnh thổ Ukraine có thể là do người này đã thực sự vượt qua biên giới hoặc cũng có thể là do sai số của công nghệ định vị.
Thế nhưng, dù là nguyên nhân gì thì nó cũng cho thấy nguy cơ của việc binh sĩ lạm dụng các mạng xã hội. Hôm thứ Ba Tuần trước, ông Vadim Soloviev, một nghị sĩ Nga, đã đề xuất một dự luật, trong đó cấm mọi binh sĩ đăng thông tin trên các mạng xã hội trong khi đang làm nhiệm vụ.
Người Mỹ cũng đã trải qua kinh nghiệm đau thương tương tự khi vào năm 2007, một binh sĩ chụp hình các trực thăng vũ trang trong căn cứ của mình và đăng tải trên mạng xã hội, có đính kèm tọa độ. Dựa vào đó, lực lượng nổi dậy Iraq đã nã pháo cối vào vị trí trên và phá hủy 4 chiếc Apache.
Người Nga có lí do lo lắng vì Sotkin không phải là trường hợp duy nhất. Ngày 23/7 vừa qua, một lính Nga tên Vadim Grigoriev đăng trên VK hình ảnh về những trận địa pháo của đơn vị mình cùng với lời bình “Chúng tôi nã pháo vào Ukraine suốt đêm”.
Không lâu sau đó, Grigoriev xóa chữ “Ukraine” trong lời bình ảnh, trước khi toàn bộ tài khoản này bị xóa. Tuy vậy, một số thông tin và hình ảnh từ tài khoản của Grigoriev vẫn còn có thể được truy xuất lại từ Internet. Trong đó, ngoài hình chụp trận địa pháo còn có hình ảnh của Grigoriev và đồng đội. Một bức ảnh chụp ngày 19/7 có tiêu đề: “Chúng tôi đã được triển khai gần biên giới Ukraine được 2 tuần”. Grigoriev sau đó xuất hiện trên kênh truyền hình “Russia-24”, bác bỏ việc đã đăng những bức ảnh trên và giải thích rằng tài khoản VK của mình đã bị hack.
Grigoriev xuất hiện trên kênh “Russia-24”
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Bên cạnh đó, trong danh sách bạn bè trên tài khoản của Grigoriev có một lính Nga khác là Ivan Zherebtsova và tài khoản của anh này cũng có những bức ảnh liên quan đến Ukraine. Một bức ảnh ngày 14/7 có tiêu đề “Tiến đến Ukraine…”. Một bức ảnh thì đi kèm dòng chữ: “Lên đường…”
Zherebtsova thậm chí còn đăng hình chụp bản đồ di chuyển của đơn vị, từ nơi đóng quân ở Ingushetia đến gần thành phố Pokrovsky ở vùng Rostov.
Nhiều bạn bè của Zherebtsova cũng là những binh sĩ tham gia vào các hoạt động gần biên giới Ukraine, như tài khoản VK của Andrei Stepanchuk có đăng bức ảnh với lời bình “trên biên giới với Ukraine, gần làng Ekaterinovka.
Làng Ekaterinovka chỉ nằm cách biên giới với tỉnh Donetsk của Ukraine vài kilomet. Trong cùng khoảng thời gian trên, quân chính phủ và phe ly khai đã nhiều lần giao tranh ở khu vực lân cận. Như trong 2 ngày 15-16/7, 2 bên đã đụng độ gần Amvrosievka, cách Ekaterinovka 38km. Theo lời một chỉ huy quân đội Ukraine thì trong đêm 14, rạng sáng 15/7, các vị trí quanh làng Amvrosievka bị pháo kích bằng pháo phản lực Grad từ bên kia biên giới.
Mạng xã hội VK cũng là nơi đầu tiên xuất hiện những thông tin quan trọng liên quan đến vụ MH17. Khoảng 30 phút sau khi máy bay rơi, trên tài khoản của Igor Strelkov, chỉ huy quân sự của nước cộng hòa ly khai Donetsk, thông báo về việc lực lượng này đã bắn rơi một máy bay An-26 của Ukraine gần Torez. Rất nhanh sau đó, thông báo này bị xóa và thay bằng một tuyên bố buộc tội chính phủ Ukraine đã bắn rơi MH17. Bản thân ông Igor Strelkov sau đó bác bỏ việc mình có tài khoản trên VK.
VK, ban đầu có tên Vkontakte, mạng xã hội được xem là "Facebook của cộng đồng người nói tiếng Nga", rất phổ biến không chỉ ở Nga mà còn ở Ukraine, Belarus và những nước Trung Á. Nó xếp thứ 8 trong số những mạng xã hội trên thế giới. Tháng 4 vừa qua, nhà sáng lập của VK, Pavel Durov, bị phế truất khỏi vị trí CEO, mà nguyên nhân theo ông này là do mình đã từ chối chuyển giao các thông tin người dùng cho Cục an ninh liên bang (FSB).