Nga kiên quyết không chuyển giao công nghệ động cơ máy bay cho TQ

Anh Tuấn |

(Soha.vn) - Trung Quốc gần đây cũng tăng cường mô phỏng các mẫu chiến đấu cơ của Nga, nhưng Nga luôn đảm bảo một khoảng cách phát triển nhất định trước Trung Quốc, mà trước nhất là không bàn giao công nghệ phát triển động cơ cho Trung Quốc.

Đó là khẳng định của Giám đốc điều hành tập đoàn United Aircraft Corporation (công ty mẹ của Sukhoi) Mikhail Pogosyan trong cuộc phỏng vấn mới đây với Đài phát thanh Echo of Moscow về tình hình phát triển của ngành công nghiệp hàng không và hợp tác quân sự của Nga.

Máy bay chiến đấu Su-27
Máy bay chiến đấu Su-27

Trong cuộc phỏng vấn có đề cập tới hợp đồng chuyển giao công nghệ Su-27 mà Nga đã ký kết với Trung Quốc. Một câu hỏi được đặt ra là tập đoàn Sukhoi đã có biện pháp gì để ngăn chặn nguy cơ vi phạm bản quyền từ phía Trung Quốc.

Ông Mikhail Pogosyan cho biết, về hợp đồng hợp tác cho Trung Quốc tự chế tạo phiên bản mô phỏng của Su-27, ông cho biết mặc dù luôn muốn có một “hợp đồng văn minh” giữa hai bên, nhưng phía Nga biết rõ về phong cách “sao chép” rất nhanh của Trung Quốc, nên trong nội dung bàn giao luôn có những yêu cầu nghiêm ngặt và điều kiện rõ ràng. Nga tự tin rằng dù Trung Quốc có muốn bí mật mô phỏng đến thế nào cũng không thể đạt được chất lượng như nguyên bản.

Tiêm kích J-20 Trung Quốc trong một cuộc thử nghiệm
Tiêm kích J-20 Trung Quốc trong một cuộc thử nghiệm

Nga có thể sẵn sàng chuyển giao về kết cấu máy bay, kết cấu hợp kim chế tạo, thậm chí là thông tin linh kiện, nhưng những bộ phận như động cơ hay trình tự kỹ thuật sẽ không bao giờ bàn giao cho Trung Quốc, nhằm giữ được khoảng cách tiên tiến trong sản xuất với nước láng giềng. Nói tóm lại, Nga sẽ giữ bản quyền công nghệ, chỉ đảm bảo bán máy bay và linh kiện cho Trung Quốc để họ có thể bay được là kết thúc nhiệm vụ.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, khi đề cập tới thực trạng Ấn Độ đang có xu hướng nghiêng về vũ khí phương Tây, trong khi Trung Quốc liên tiếp cho ra mắt các mẫu máy bay nội địa, đe dọa tiềm năng xuất khẩu vũ khí của Nga, ông Pogosyan nhận định, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ đạt tới trình độ hiện tại của Nga, nhưng chặng đường này sẽ còn dài, bởi chỉ có tài chính và nhân lực thôi chưa đủ, Trung Quốc còn cần tích lũy kinh nghiệm. Vì thế, vị thế của Nga trên thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu vẫn rất vững chắc.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại