Nga kích hoạt giúp Mỹ bán vũ khí đắt hàng

Tuấn Vũ |

Từ điểm nóng Baltic đến việc Nga đồng ý chuyển giao hệ thống S-300 cho Iran đang khiến những khu vực này “tăng nhiệt” và Mỹ chính là người hưởng lợi.

Điểm nóng Trung Đông

Theo Tạp chí quốc phòng Jane's, ngày 23/4 nhà sản xuất Raytheon (Mỹ) cho biết đã đạt thỏa thuận cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot cho Quân đội Saudi Arabia.

Theo nguồn tin trên, thỏa thuận hợp đồng trị giá 2 tỷ USD đã được Raytheon và đại diện của Saudi Arabia ký kết từ hôm 17/4, tuy nhiên, gần 1 tuần sau, thông tin về hợp đồng mới chính thức được công khai.

Theo điều khoản được hai bên ký kết, Saudi Arabia sẽ nhận các tổ hợp Patriot PAC-3 phiên bản mới nhất được nâng cấp thêm nhiều tính năng của Mỹ.

Tuy nhiên, nguồn tin này lại không tiết lộ về số lượng các tổ hợp Patriot, nhưng nguồn tin này cho biết thêm, Saudi Arabia sẽ nhận được các phụ tùng, đạn tên lửa và gói dịch vụ hỗ trợ kèm theo trong thời gian sớm nhất có thể.

Đại diện cơ quan báo chí của Raytheon cho biết, gói hợp đồng này thuộc chương trình Bán vũ khí cho nước ngoài (FMS) của Lầu Năm góc.

Đây là hợp đồng độc lập cùng với thỏa thuận mua 202 đạn tên lửa và các thiết bị nâng cấp tổ hợp PAC-3 trị giá 1,75 tỷ USD được Saudi Arabia ký từ năm 2014.

Hệ thống phòng không Patriot PAC-3 bắn hạ mục tiêu.

Hệ thống phòng không Patriot PAC-3 bắn hạ mục tiêu.

Không chỉ Saudi Arabia tăng cường mua sắm vũ khí Mỹ, được biết số tiền mà Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đổ vào vũ khí Mỹ năm năm 2014 là 23 tỉ USD, cao hơn 3 lần so với năm 2006.

Cũng năm 2014, Qatar ký với Lầu Năm Góc thỏa thuận 11 tỉ USD mua trực thăng tấn công Apache, tổ hợp Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa Javelin.

Đặc biệt, nhiều khả năng Mỹ nhiều sẽ chào bán tiêm kích tàng hình F-35 cho các đồng minh Ả Rập sau khi Nga dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran.

“Cuộc nội chiến giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite cộng với việc Nga bán S-300 cho Iran có thể mở đường cho F-35 đến tay các nước vùng Vịnh” - ông Richard L.Aboulafia, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức Teal Group (Mỹ), dự báo.

Baltic tăng nhiệt

Không chỉ kiếm lời từ điểm nóng Trung Đông, Mỹ cũng đã liên tiếp ký được hợp đồng bán vũ khí lớn cho các quốc gia Baltic do những nước này "nhận thấy mối đe dọa lớn từ Nga".

Mới đây nhất hôm 21/4, Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết chính phủ nước này đã thông qua đề xuất của bộ trên về việc đặt mua các hệ thống tên lửa Patriot do Hãng Raytheon của Mỹ chế tạo.

Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski cùng ngày cho biết Vacsava đã bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán với Washington và chuẩn bị hoàn tất thương vụ tên lửa phòng không Patriot có trị giá khoảng 5 tỷ USD này.

Hồi cuối năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Sven Mikser cho biết, ông đã ký kết hợp đồng 40 triệu Euro với Mỹ để mua 40 hệ thống tên lửa Stinger. Trong khi đó, Lithuania đã quyết định chi 16 triệu Euro mua tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất.

Theo nhận định của chuyên gia quốc phòng Latvia, bà Kristine Rudzite-Stejskala: “Quan chức các nước Baltic đã thay đổi quan điểm về chi tiêu quốc phòng bởi vì những hành động của Nga ở Ukraine”.

Theo AP, Estonia lên kế hoạch tăng 2,05% ngân sách quốc phòng vào năm 2015, Lithuania tăng 1,1% và Latvia dự định tăng không quá 1%.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Juozas Olekas cho biết: “Trong nhiều năm qua, ngân sách quốc phòng bị thiếu hụt. Những hành động của Nga ở Ukraine đã giúp tăng cường sự ủng hộ của người dân đối với việc tăng cường chi tiêu ngân sách quốc phòng”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại