Nga hồi sinh "sát thủ diệt ngầm" Mi-14?

Tùng Dương |

Giới quân sự phương Tây tin rằng, một biến thể của trực thăng săn ngầm lừng danh Mi-14 đang được Nga “hồi sinh” và hiện đại hóa mạnh mẽ, sẽ gây “rắc rối lớn” cho lực lượng tàu ngầm Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hãng RIA Novosti ngày 7/7 dẫn thông tin đăng tải trên tờ The Diplomat cho biết: “Nga có vẻ như đang tiến hành việc hiện đại hóa Mi-14, giúp biến thể này có thể tấn công hạt nhân”.

Theo The Diplomat, Nga đang cho thấy những triển vọng về việc nối lại sản xuất máy bay trực thăng Mi-14, vốn được xem là nỗi ám ảnh của phương Tây thời Chiến tranh Lạnh.

“Trực thăng này có thể gây trở ngại cho các tàu ngầm phương Tây nếu được trang bị bom hạt nhân”, tờ The Diplomat nhận định.

Trước đó, hồi cuối tháng 5/2015, trang Business Online dẫn nguồn tin giấu tên từ khu vực Tatarstan của Nga, nơi đặt nhà máy sản xuất Mi-14, cho biết Kazan Helicopter Works (KVZ) đang chuẩn bị tái khởi động chương trình sản xuất máy bay Mi-14 cho hải quân Nga.

KVZ thời điểm đó chưa phản hồi với thông tin này, tuy nhiên nguồn tin khẳng định, ý kiến này cũng đã được đưa ra thảo luận trong nội bộ công ty.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, để có thể khôi phục dây chuyền sản xuất của Mi-14 xem ra là rất khó vì hầu hết các tài liệu thiết kế cũng như nguồn nhân lực cho dự án này đều đã không còn.

Cho dù hiện tại một số quốc gia trên thế giới vẫn còn đang biên chế Mi-14 sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Được phát triển vào những năm 1960, trực thăng Mi-14 có trọng lượng cất cánh tối đa 14 tấn và được trang bị hai động cơ Klimov TV3 có công suất 1.454 kW cho mỗi chiếc, nó có thể bay với vận tốc tối đa 230 km/h với tầm hoạt động hơn 1.100 km.

Mi-14 trang bị 1 ngư lôi, 12 bom loại 64 kg hoặc 8 bom loại 120 kg. Trực thăng chống ngầm này cũng có một loại vũ khí đặc biệt là bom hạt nhân chống ngầm nặng tới 1.600 kg, có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu dưới nước trong phạm vi 800 m.

Trong những năm 1980, việc sản xuất các máy bay trực thăng Mi-14 đã được ngừng lại.

Mặc dù được đánh giá về mặt kỹ chiến thuật khá tốt, nhưng đến năm 1992 sau khi Liên Xô sụp đổ, trước sức ép từ các nước phương Tây, Nga đã buộc phải loại bỏ Mi-14 với lý do Mi-14 là một trong những mối đe dọa nguy hiểm đối với bất cứ loại tàu ngầm nào của Mỹ hay châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại