Nga giúp Ấn Độ mua Rafale hạ giá của Pháp?

Ngọc Hòa |

Trong khi thương vụ tiêm kích Rafale với Ai Cập vẫn giữ nguyên mức giá cũ thì Pháp đã đồng ý giảm 25% cho lô 36 chiếc Rafale bán cho Ấn Độ.

Chỉ giảm giá cho Ấn Độ

Hãng thông tấn PTI cho biết, để thương vụ Rafale với Ấn Độ "xuôi chèo mát mái", Pháp đã đồng ý giảm giá 25% tổng giá trị thoả thuận bán 36 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ.

Mức giá và bản hợp đồng này đã được thống nhất trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi đến Paris vào tháng trước.

Theo ước tính của Công ty Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) của Ấn Độ, tổng chi phí cho cả vòng đời của mỗi chiếc Rafale mà nước này sẽ mua là 300 triệu USD, tuy nhiên, theo một nguồn tin quân sự trích dẫn bởi Economic Times, phía Ấn Độ đang tìm cách giảm xuống còn 200 triệu USD mỗi chiếc.

Tổng thống Pháp Francois Hollande xuất hiện cùng tiêm kích Rafale.
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm nhà máy sản xuất tiêm kích Rafale.

Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Pháp, tổng chi phí cho phi đội 36 chiếc Rafale đầu tiên sẽ không vượt quá 8 tỉ USD.

Trong khi đó, nhà sản xuất Dassault cho biết, giá mỗi chiếc máy bay không chỉ được tính bằng chi phí mua loại máy bay đó mà còn bao gồm cả việc bảo dưỡng, huấn luyện phi công và kĩ thuật viên, mua kèm các phụ kiện và linh kiện thay thế trong suốt vòng đời hoạt động.

Mức giá ưu đãi Ấn Độ được hưởng có thể khiến Ai Cập "chạnh lòng" bởi theo Defence News, tiêm kích Rafale phiên bản xuất khẩu cho Ai Cập không những bị Pháp cắt giảm một số tính năng mà giá thành vẫn được giữ nguyên.

Theo nguồn tin này, sau khi trải qua quá trình nâng cấp hồi năm 2008, tiêm kích Rafale đã sử dụng được tên lửa ASMPA có thể gắn được đầu đạn hạt nhân TN-200, tuy nhiên, khả năng này sẽ được gỡ bỏ khỏi các chiến đấu cơ bán cho Ai Cập.

Ngoài ra, hệ thống truyền thông trên Rafale theo tiêu chuẩn NATO cũng bị cắt giảm. Lý giải cho quyết định này, Pháp cho rằng do Ai Cập không phải là thành viên của NATO.

Mặc dù bị gỡ bỏ một vài tính năng, Ai Cập vẫn phải trả mức giá như những mẫu thông thường.

Theo mức giá được Pháp công khai năm 2014, mỗi chiếc Rafale có mức giá lên tới gần 90 triệu USD, cao hơn Su-35 là thế hệ 4++ của Nga tới gần 30 triệu USD/chiếc dù Rafale chỉ là tiêm kích thế hệ 4.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ quyết định mua 36 chiếc, Ai Cập mua 24 chiếc và Qatar cũng mua 24 tiêm kích Rafale của Pháp.

Ngoài ra, Malaysia và Indonesia là những quốc gia tiếp theo tại Đông Nam Á ngỏ ý muốn sở hữu tiêm kích đa năng số 1 của của Pháp hiện nay.

Hưởng trái ngọt từ Nga

Ngay từ năm 2012, khi Ấn Độ bắt đầu đàm phán với nhà sản xuất Dassault Aviation của Pháp về việc cung cấp cho nước này 126 máy bay chiến đấu Rafale cho Không quân Ấn Độ, Nga đã có những bước đi nhằm cạnh tranh với Pháp.

Theo đó, Nga đã đề nghị cung cấp thêm nhiều mẫu máy bay Su-30 phiên bản đặc biệt dành cho Ấn Độ, tích hợp thêm nhiều công nghệ mà chỉ máy bay nội địa dành riêng cho không lực Liên bang Nga mới được sở hữu. Nga cũng nhấn mạnh Ấn Độ đã có nhiều trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng Su-30, vì thế chi phí cho những khoản vận hành này sẽ rất thấp.

Chưa dừng ở đó, Nga tiếp tục đưa ra nhiều lời mời gọi như mẫu chiến đấu cơ Su-35 phiên bản xuất khẩu - thứ mà Trung Quốc đang rất thèm khát nhưng chưa đạt được.

Hoặc Moscow đề nghị New Delhi góp tiền cùng phát triển tiêm kích thế hệ năm PAK FA T-50. Sau khi hoàn thành, Ấn Độ sẽ là quốc gia đầu tiên sở hữu loại máy bay này trên thế giới.

Những động thái dồn dập này của Nga đã thực sự tạo sức ép tời Pháp, và kết quả về việc phải giảm giá thành xuất khẩu là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Thậm chí, hồi đầu tháng 4/2015, Paris đã cho rằng họ buộc phải trợ giá để giảm giá máy bay Rafale nếu muốn loại chiến đấu cơ này có thể xuất khẩu được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại