Sự phê chuẩn này là một phần trong bộ gồm 5 giao dịch trị giá gần 3,5 tỷ USD mà Bộ Ngoại Giao Mỹ cung cấp cho các đồng minh, cùng đối tác ở Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương.
Thỏa thuận bán vũ khí cho Indonesia bao gồm các tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X-2 Sidewinder và các thiết bị đi kèm.
Chi phí của số tên lửa mới cùng các hoạt động hỗ trợ hậu cần ước tính có thể lên tới 47 triệu USD.
Theo Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA), việc cung cấp các tên lửa mới sẽ giúp Indonesia có thêm khả năng đánh bại các mối đe dọa trong khu vực và tăng cường năng lực quốc phòng của mình.
Qua đó giảm sự phụ thuộc của Jakarta vào Washington, đồng thời tăng cường khả năng tương tác của quân đội Indonesia với các lực lượng Mỹ.
Còn với Malaysia, nước này sẽ được cung cấp tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C7 và các thiết bị đi kèm.
Chi phí hệ thống và hỗ trợ hậu cần cho thỏa thuận mua bán trên sẽ vào khoảng 21 triệu USD.
Theo DSCA, việc cung cấp các tên lửa AIM-120C7 cho Malaysia sẽ đảm bảo duy trì khả năng tác chiến không đối không của các máy bay F/A-18D trong biên chế quốc gia Đông Nam Á này.
Đồng thời giống như Indonesia, hệ thống mới cũng sẽ nâng cao khả năng tương tác của quân đội Malaysia với các lực lượng của Mỹ, như trong các cuộc huấn luyện và tập trận chung giữa hai nước.
Nhà thầu chính trong 2 thỏa thuận bán tên lửa cho Malaysia và Indonesia là hãng Raytheon.