Nga dốc sức chế tạo vũ khí tự động, không người lái

Hiện Nga đang đẩy mạnh phát triển tàu thuyền, máy bay không người lái, robot chiến binh, robot chống khủng bố và hàng loạt vũ khí điều khiển tự động khác.

Đích thân ông Leonid Naumov - Viện trưởng Viện Công nghệ biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã báo cáo với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev về kế hoạch chế tạo lô tàu thuyền không người lái này, theo đặt hàng của Bộ quốc phòng.

Tại lễ giới thiệu, các cơ quan hữu trách cũng đã trình bày với Thủ tướng Medvedev các mẫu tàu ngầm không người lái và robot công binh. Những bộ máy tự động này có thể độc lập tiến hành kiểm tra các khu vực biển và tiêu hủy những thiết bị nổ đặt dưới nước.

Theo lời ông Naumov, chính các robot thợ lặn-công binh này đã khảo sát vịnh biển đảo Russki trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok. Khi đó, robot đã tìm thấy hơn 2.700 vật gây nổ nguy hiểm, trong đó có 7 quả thủy lôi sót lại từ thời chiến Nga-Nhật và Chiến tranh Vệ quốc.

Đồng thời, các cơ quan quân sự thuộc Bộ quốc phòng Nga cũng đã đặt các Viện thiết kế kỹ thuật Nga nghiên cứu, phát triển các robot trực thăng. Thủ tướng Dmitry Medvedev đã được xem trình diễn kỹ thuật của loại trang bị này tại thao trường Krasnoarmeisk ngoại ô Moscow.

Nga đang chế tạo hàng loạt các trang bị, vũ khí không người điều khiển

Nga đang chế tạo hàng loạt các trang bị, vũ khí không người điều khiển

Ngày 4/8 vừa qua, phát biểu tại cuộc triển lãm "Ngày đổi mới" do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức, ông Georgy Antsev, Tổng giám đốc và Giám đốc thiết kế tập đoàn Morinformsystem-Agat cho biết Nga đang chuẩn bị thử nghiệm Hệ thống chỉ huy và kiểm soát phòng thủ hàng hải toàn cầu trên quy mô lớn.

Theo vị tổng giám đốc này, hệ thống robot kiểm soát thông tin tích hợp trên bao gồm các tàu tuần tra điều khiển từ xa, các máy bay không người lái, nhiều loại đèn hiệu nổi và thiết bị cảm biến, cũng như các phương tiện giám sát, thông tin liên lạc và quản lý dữ liệu khác, có khả năng đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ toàn bộ khu vực.

Ông Antsev còn cho rằng công ty của ông có thể chế tạo các hệ thống robot cung cấp khả năng phòng thủ hàng hải ở bất kỳ phạm vi nào - từ bảo vệ các cảng biển đến phòng thủ toàn bộ đường biên giới. Các robot này có thể được trang bị các động cơ đốt trong truyền thống hoặc các động cơ chạy bằng năng lượng mặt trời hoặc nước.

Cũng trong phương diện hải quân, Tư lệnh hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov vừa tuyên bố là các cơ cấu phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga gần đây đã bắt tay triển khai kế hoạch thiết kế tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ năm, và nó sẽ được trang bị hệ thống robot chiến đấu đầy hứa hẹn.

Tàu ngầm không người lái hiện là lĩnh vực nhiều nước đang quan tâm phát triển

Tàu ngầm không người lái hiện là lĩnh vực nhiều nước đang quan tâm phát triển

Trong lĩnh vực máy bay không người lái, Nga đang phát triển rất nhiều loại UAV, từ loại cất, hạ cánh thẳng đứng đến loại cất cánh trên đường băng, từ cỡ nhỏ đến cỡ lớn, từ chiến lược đến chiến thuật và bao gồm cả UAV trinh sát lẫn máy bay tấn công không người lái.

Hiện cả 2 công ty sản xuất máy bay hàng đầu Nga là SukhoiMikoyan đều đang phát triển các dự án rất lớn. Mikoyan đang phát triển UCAV tàng hình Skat, trọng lượng 10 tấn, tầm bay xa 4.000 km và có khả năng mang theo 2 tấn vũ khí bao gồm bom điều khiển KAB-500 và tên lửa Kh-31.

Còn Sukhoi cũng đang chế tạo bộ 3 máy bay không người lái cả trinh sát lẫn tấn công Zond-1/2/3. Sukhoi cũng vừa được Bộ quốc phòng Nga đặt hàng 1 loại máy bay tấn công không người lái có trọng lượng lên tới 20 tấn, được chế tạo trên cơ sở nguyên mẫu của máy bay chiến đấu tàng hình có người lái thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 PAK FA.

Ngoài ra, Viện Công nghệ Navigator Campus thuộc Hiệp hội hàng không Kazan đang phát triển loại máy bay do thám không người lái Altius. Máy bay không người lái tầm cao/tầm xa (HALE) Altius là một thiết kế chung giữa phòng thiết kế Sokol ở Tatarstan và phòng thiết kế Tranzas ở St Petersburg, có trọng lượng 5 tấn.

Máy bay tấn công không người lái Skat của Nga được trang bị tên lửa Kh-31 và bom KAB-500

Máy bay tấn công không người lái Skat của Nga được trang bị tên lửa Kh-31 và bom KAB-500

Ngoài ra, Nga còn hàng loạt dự án phát triển các UAV khác như máy bay không người lái trinh sát và tấn công Chirok của công ty United Instrument-Making - một chi nhánh của Tập đoàn Rosteh, máy bay không người lái nặng 1 tấn Inokhodyets (Wanderer) của Navigator Campus, máy bay không người lái UAV Irkut-10 của Irkut, khinh khí cầu không người lái…

Trong lĩnh vực an ninh, vào tháng 5/2013, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cũng đã tuyên bố về việc các chuyên gia Nga đang chế tạo các robot nhằm giảm thiểu thương vong trong các cuộc tấn công khủng bố. Nó có khả năng vô hiệu hóa những tên khủng bố, sơ tán các quân nhân và thường dân bị thương ra khỏi hiện trường khủng bố.

Các trang thiết bị chống khủng bố khác mà Nga đang phát triển bao gồm các hệ thống có thể phát hiện và theo dõi những kẻ khủng bố qua những chướng ngại vật và tấn công một cách hiệu quả chúng từ xa mà không làm bị thương các con tin, vị Phó thủ tướng chịu trách nhiệm giám sát ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

Ông Dmitry Rogozin còn tiết lộ, Nga sẽ thành lập một phòng thí nghiệm phát triển robot quân sự, tại nhà máy sản xuất vũ khí Degtyarev thuộc thành phố miền trung Kovrov của Nga. Quyết định này đã được các thành viên thuộc Ủy ban Quân sự-Công nghiệp, đại diện từ Bộ Quốc phòng và Bộ Công thương thông qua.

Robot chống khủng bố Nga trưng bày tại Triển lãm Robofest 2013 tại Moscow

Robot chống khủng bố Nga trưng bày tại Triển lãm Robofest 2013 tại Moscow

Các dự án "robot chiến trường" này, có thể có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, nằm trong khuôn khổ chương trình “xã hội hóa các hoạt động quân sự”, được thực hiện trong các kế hoạch hợp tác giữa nhà nước và tư nhân nhằm phát minh ra các loại robot quân sự mới cho lực lượng vũ trang Nga.

Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trước đây đã từng thừa nhận rằng, các máy bay không người lái, hệ thống robot mặt đất và tàu ngầm không người lái của Nga có chất lượng kém hơn so với các loại tương tự của nước ngoài. Vì vậy, ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đang được đầu tư lớn để nâng cao trình độ trong lĩnh vực này.

Về vấn đề này, ông Oleg Martianov, thành viên Hội đồng Quân sự - công nghiệp Nga tuyên bố, các đơn vị kỹ thuật Nga đã nghiên cứu phát triển khá nhiều thiết bị điều khiển tự động như UAV, AUV, robot chiến binh và việc sản xuất hàng loạt để cung cấp cho quân đội Nga những loại trang bị, vũ khí này có thể được bắt đầu vào năm 2019.

Theo chuyên viên Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, vào thời điểm này quân đội Nga đang thử nghiệm những mẫu xe bánh xích điều khiển từ xa, súng máy hạng nặng và hệ thống tên lửa chống tăng không chỉ điều khiển từ xa, mà khi cần có thể làm việc độc lập trong chế độ hoàn toàn tự động.

Một mẫu xe chiến đấu tự hành không người lái của Nga

Một mẫu xe chiến đấu tự hành không người lái của Nga

Các trang bị này chủ yếu sử dụng cho các lực lượng lực quân và biên phòng Nga. Xe tự hành không người lái và robot chiến đấu là phương án thích hợp cho các cuộc tuần tra dài ngày ở khu vực biên giới, hải đảo hay Bắc Cực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mà việc sử dụng binh lính gặp rất nhiều khó khăn.

Các nhà sáng chế vũ khí Nga đã hình dung ra những robot dạng vũ khí tấn công tự động, chẳng hạn như một tổ hợp tên lửa chống tăng không cần điều khiển. Các loại trang bị này sẽ tự xác định mục tiêu và đưa ra quyết định sử dụng vũ khí mà không cần sự “chỉ đạo” của người điều khiển.

Thông thường, chuyên viên điều khiển tổ hợp tên lửa chống tăng dễ bị tổn thương, bởi vì hướng hỏa lực vào đối thủ khi đang ở khu vực tầm nhìn trực diện. Sử dụng tên lửa chống tăng trong thành phần tổ hợp không người điều khiển sẽ mở ra những khả năng mới cho việc thực thi chiến thuật.

Hiện nay, các nhà khoa học Nga đang xem xét khả năng chế tạo tổ hợp robot khá lớn mang tên lửa chống tăng trên cơ sở xe bọc thép "Tigr". Các nhà khoa học quân sự Nga đã sáng chế phiên bản thông thường, tức xe tự hành có người lái của tổ hợp tên lửa chống tăng "Kornet-AM" trên cơ sở "Tigr".

Hệ thống này có thể mang theo 16 tên lửa đầu đạn nhiệt áp Thermobaric và được sử dụng trong các nhiệm vụ chống lại xe tăng và cả bộ binh của đối phương. Là loại xe không người lái, nó hoàn toàn có thể dùng để thực hiện cuộc tấn công “cảm tử” vào hậu phương của kẻ thù, giáng đòn gây thiệt hại đáng kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại