Nga “đánh chặn” Mỹ tại Ấn Độ

Đông Triều |

Trước khi Tổng thống Mỹ đến New Delhi, Nga đã có bước đi quyết liệt nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự với Ấn Độ.

Ngáng đường Mỹ

Hôm 21/1, Ủy ban liên Chính phủ Ấn Độ-Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự đã tiến hành phiên họp lần thứ 14 tại thủ đô New Delhi.

Điều đáng chú ý, cuộc họp được thực hiện ngay trước thềm chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Giới phân tích cho đây chính là biểu hiện rõ ràng trong cạnh tranh chiến lược Nga-Mỹ về hợp tác quốc phòng với Ấn Độ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu tại New Delhi hôm 21/1

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu tại New Delhi hôm 21/1

Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu đã quyết định loại bỏ bất đồng để đẩy nhanh các chương trình hợp tác quốc phòng chung giữa hai nước, nhất là dự án hợp tác phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (FGFA) bị đình trệ trong 3 năm qua.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông Parrikar nói:

"Chúng tôi đã thảo luận tất cả các vấn đề, bao gồm cả dự án FGFA. Do lo ngại về việc chậm tiến độ thực hiện các dự án, chúng tôi đã quyết định thiết lập cơ chế phối hợp thông tin đều đặn để đảm bảo thời hạn thực hiện các dự án".

Ông Parrikar cũng cho biết đã thảo luận với các đối tác Nga về việc sớm triển khai thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguyên mẫu và bay thử nghiệm FGFA.

Không quân Ấn Độ muốn sở hữu các máy bay chiến đấu tàng hình vào khoảng năm 2024 đến 2025.

Ấn Độ sẽ chế tạo khoảng 127 FGFA tại nhà máy của công ty Hindustan Aeronautics Limited ở bang Maharashtra với chi phí dự án ước tính khoảng 25 tỷ USD.

PAK-FA một chỗ ngồi của Nga

PAK-FA một chỗ ngồi của Nga

Nga và Ấn Độ đã đạt được đồng thuận về dự án cùng thiết kế và phát triển FGFA từ năm 2012 với mức kinh phí mỗi nước phải chi khoảng 5,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, dự án đã bị đình trệ do hai bên không đạt được đồng thuận về một số điều khoản trong dự án FGFA.

Theo thiết kế, FGFA của Nga và Ấn Độ sẽ được phát triển dựa trên mô hình máy bay PAK-FA.

Nga hiện chế tạo năm nguyên mẫu FGFA cho phiên bản một ghế ngồi. Phiên bản của Ấn Độ sẽ có hai ghế ngồi, trong đó một ghế cho phi công chính và ghế sau dành cho phi công điều khiển hệ thống vũ khí.

Tại cuộc họp lần này, Nga và Ấn Độ cũng thống nhất Ấn Độ sẽ trao đổi thông tin về việc thực hiện các quy định an toàn bay với Nga trong sử dụng các máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và trực thăng.

Việc trao đổi thông tin này là cần thiết do xảy ra hàng loạt tai nạn trong lực lượng không quân Ấn Độ, liên quan đến các vấn đề động cơ của máy bay Su-30MKI.

Ông Parrikar kêu gọi các công ty vũ khí của Nga tích cực tham gia vào chương trình “Made in India” và có thể thảo luận với phía Ấn Độ các khía cạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng công nghệ cao và vũ khí.

Khó cho Nga

Cuộc họp diễn ra ngay trước chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Obama báo hiệu một cuộc chạy đua tranh giành thị phần trong lĩnh vực quốc phòng béo bở của Ấn Độ giữa Nga và Mỹ.

Trong chuyến thăm của ông Obama, Mỹ và Ấn Độ dự kiến sẽ ký thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng với thời hạn 10 năm và lần đầu tiên hai nước sẽ kết hợp thương mại quốc phòng với các sáng kiến công nghệ (DTTI).

Hợp tác sản xuất chung theo DTTI có thể sẽ được mở đầu với công nghệ sản xuất máy bay không người lái (UAV) loại nhỏ và phát triển các mô hình máy bay giám sát và thu thập tin tức tình báo.

Máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Mỹ bán cho Ấn Độ
Máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Mỹ bán cho Ấn Độ

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối năm 2014, hai bên cũng thể hiện quyết tâm thúc đẩy hợp tác về nều mặt.

Tuy nhiên, Ấn Độ đang cho thấy sự dè dặt của mình với Nga. Ví dụ, khi Tổng thống Putin nêu đề nghị Nga tham gia xây dựng 20 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ thì Thủ tướng Modi lại chỉ nhắc đến con số 10 lò.

Giới phân tích  hoài nghi rằng đây chính là cách New Dehli khéo léo khước từ sự tham gia của Nga vào xây dựng 10 lò còn lại.

Nguyên nhân được phỏng đoán là Ấn Độ cũng lo ngại sự độc quyền của Nga trong lĩnh vực điện hạt nhân của nước này.

Hàng loạt cường quốc sở hữu công nghệ điện hạt nhân hiện đang ra sức chào mời, trong đó có các tập đoàn của Mỹ, Pháp và Nhật Bản.

Về vấn đề quân sự, Nga dù giữ vai trò quan trọng song lại đang làm mất lòng Ấn Độ.

Ngoài trục trặc trong các dự án hợp tác, việc Nga tăng cường quan hệ về quân sự với Pakistan sẽ như một cái gai trước mắt.

Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, Ấn Độ rất quan trọng đối với Nga. New Delhi là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga khi chiếm 50% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga ra thế giới.

Thế nhưng, Ấn Độ cũng không muốn lệ thuộc hoàn toàn vào Nga về phương diện quốc phòng mà luôn tìm cách đa dạng hoá nguồn cung, kể cả từ Mỹ và NATO.

Trong khi đó, Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ trong những năm gần đây, đánh bật Nga ra khỏi vị trí là nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu của New Delhi.

Ấn Độ đã mua vũ khí trị giá gần 5,5 tỉ USD từ Mỹ trong vòng 3 năm qua. Nó vượt qua khối lượng mua của Nga trị giá khoảng 4 tỉ USD trong cùng khoảng thời gian như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại